Theo người nhà nạn nhân cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 26/6, khi cháu D.L. (11 tuổi, Quảng Ninh) mua nước uống ở cổng trường sau bữa ăn sáng. Người bán hàng do vô ý đã đưa nhầm chai dung dịch axit sunfuric (loại rửa ắc quy) cho cháu thay vì nước uống thông thường.

Theo giải thích của người bán hàng với gia đình, do con trai của người bán hàng làm nghề sửa chữa máy nổ, máy bơm nên có tích trữ axit sulfuric trong chai lavie để ở trong nhà. Người này chuẩn bị hàng bán cho học sinh trước cổng trường, đã lấy nhầm chai axit thay vì nước uống.  

Ra cổng trường mua nước, bé gái 11 tuổi uống nhầm axit dẫn đến nguy kịch-1
Gần 1 tháng điều trị sau khi vụ việc xảy ra, bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ lo ngại việc bỏng axit khiến em không thể ăn uống bình thường trong tương lai.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cháu bé được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cấp cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp nhận bệnh nhi lúc 15h chiều 27/06, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu chống độc đã tiến hành thăm khám và chỉ định bệnh nhi nội soi tai mũi họng, soi hóa cấp cứu. Kết quả cho thấy bé Linh bị loét dạ dày hành tá tràng mức độ 3a . Cháu được đặt sonde dạ dày và chuyển điều trị tiếp tại chuyên khoa Tiêu hóa.

Theo BSCKII Đặng Thúy Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương: Do vùng miệng của bệnh nhi bị tổn thương khá nặng, không thể ăn uống như bình thường, các bác sĩ phải đặt đường truyền nuôi dưỡng cho bệnh nhi kết hợp tiêm kháng sinh.

10 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhi liên tục đau bụng, nôn. 4 ngày tiếp theo, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tạm thời ổn định. Tuy nhiên, 5 ngày sau lại sốt cao 39 - 40 độ.

Theo đánh giá của các bác sĩ, đến nay, sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi vẫn rất nặng. Bệnh nhi bị viêm phúc mạc, tiên lượng xa có thể hẹp dạ dày môn vị, không thể ăn uống bằng đường miệng.

Cách sơ cứu khi bị bỏng axit

Theo bác sĩ Đặng Thúy Hà, tai nạn uống nhầm axit là một trong những tai nạn sinh hoạt để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, tác nhân gây bỏng là axit sunfuric (H2SO4). Do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.

Các bác sĩ khuyến cáo: Việc cần làm ngay lúc đó nếu trót uống hóa chất này là cần uống càng nhiều nước lọc càng tốt. Việc pha loãng axit trong dạ dày là rất quan trọng giúp tránh tổn thương ở mức độ nặng tại cơ quan này.

Để phòng tránh những tác hại của hóa chất với trẻ em, đặc biệt là axit, người lớn cần phải biết cách phòng hộ và bảo quản axit, tránh những nơi dễ đổ vỡ hoặc bay mùi. Chia sẻ trên VTV, bác sĩ Đặng Thúy Hà nhấn mạnh: "Chỉ một hành động bất cẩn của người lớn cũng có thể khiến trẻ em phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng suốt đời".

MT (tổng hợp)
Theo Vietnamnet