Bất chấp mối nguy hiểm lan truyền bệnh tật cho công nhân và tiêu chuẩn vệ sinh cho nhựa tái chế, mỗi ngày, hàng nghìn kg rác thải y tế thuộc loại nguy hại, cần tiêu hủy, thậm chí còn cả dịch máu vẫn được tiếp tục tái sinh, quay vòng trở thành những đồ đựng thực phẩm vẫn đang bán ra hàng ngày. Đó là thực trạng đáng lo ngại được cảnh báo trong chương trình Chuyển động 24h, số phát sóng ngày 18/6 vừa qua.
Theo quy định, nhựa tái chế sẽ không được dùng để sản xuất đồ nhựa phục vụ cho ngành ăn uống, thực phẩm, thế nhưng, hiện tượng mua bán trái phép rác thải y tế nguy hại và tái chế chúng thành những thứ đồ nhựa vẫn diễn ra hàng ngày.
Đây là thực trạng dễ dàng bắt gặp tại các xưởng tái chế nhựa ở khu vực Hà Nội. Tất cả những rác thải y tế như chai truyền còn nguyên dịch, ống tiêm và dây truyền dịch đã qua sử dụng..., sẽ được các công nhân đưa qua chiếc máy nghiền để thành nhựa thô rồi đem nấu chảy và qua đủ thứ bể hóa chất để cho ra những hạt nhựa. Từ đây, chúng được rao bán cho các cơ sở sản xuất cốc và đồ đựng thực phẩm với số lượng lớn. Và khi phóng viên trong vai người mua, đề nghị số lượng lớn hạt nhựa để sản xuất cốc thì chủ xưởng cũng không ngần ngại chào bán với giá 31.000 đồng/kg.
Rác thải y tế được phân loại tại các xưởng sản xuất - (Ảnh cắt từ clip)
Sau đó được xử lý và tái chế thành nguyên liệu nhựa rồi đem bán cho các cơ sở sản xuất đồ đựng thực phẩm - (Ảnh cắt từ clip)
Khi được hỏi về chất lượng và an toàn vệ sinh khi sử dụng những chất liệu tái chế này, thì một chủ xưởng tái chế thản nhiên trả lời: "Mình chả ngại gì, vì hàng này là hàng phế, được phép tái sử dụng, chứ có vấn đề gì đâu... Không phải lo, sợ ảnh hưởng cái uy tín, chất lượng của nhà sản xuất".
Việc tương tự cũng xảy ra tại làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Và theo tiết lộ của người dân, nhựa tái chế tại xưởng này phục vụ chính cho các cơ sở sản xuất đồ đựng thực phẩm ở ngay trong làng. Khi các xưởng thu mua, tái chế nhựa trong làng, rác thải y tế cũng trở thành nhựa phôi. Mà theo chính công nhân cho biết, dùng để thổi thành loại cốc dùng một lần, ống hút hay hộp đựng sữa chua.
Rác thải y tế được tuồn ra ngoài và bán cho các cơ sở y tế không đủ chức năng để xử lý. Bất chấp nguy cơ lan truyền bệnh tật, mỗi ngày hàng nghìn kg rác thải y tế dù thuộc loại nguy hại cần tiêu hủy vẫn được tái sinh. Và đáng lo ngại hơn, những tái chế từ nguồn rác thải này có thể còn được dùng để sản xuất đồ nhựa phục vụ cho ngành ăn uống và thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.