Theo BS. Hoàng Xuân Đại, rau cải cúc hay còn gọi là tần ô có tác dụng bình can bổ thận; trị chứng hồi hộp, tim đập mạnh, đánh trống ngực, mất ngủ, tâm phiền bất an…

Trong rau cải  cúc rất nhiều chất dinh dưỡng như: 1,85% protid, 2,57% glucid, 0,43% lipid và các axit amin, lysin, chất xơ… và nhiều vitamin quan trọng.

Đông y cho rằng rau cải cúc có vị ngọt, hơi đắng, the, thơm, tính hơi mát, lành không độc, có tính năng tiêu thực, thanh đàm hỏa, yên tâm khí. Rau có công hiệu chữa trị ho lâu ngày, làm tán phong nhiệt, chữa đau mắt, nên được sử dụng cho các chứng như: ăn kém tiêu, viêm họng, viêm phế quản… Trong dân gian đã có những phương thuốc cải cúc đơn giản và hiệu nghiệm. Dùng lá tươi, hoặc đã phơi khô trong mát (âm can) không phơi nắng (làm mất tinh dầu thơm). Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản từ rau cải cúc.



Chữa đau đầu:

Rau cải cúc 15g (cải cúc già, có hoa càng tốt), giữ cả phần rễ đem rửa sạch sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Kết hợp lấy rau cải cúc hơ nóng rồi chườm lên đỉnh đầu (nơi huyệt bách hội), và 2 bên thái dương vào lúc nào đau đầu hoặc vào buổi tối hàng ngày trước khi đi ngủ.

Bài thuốc giải cảm:

Rau cải cúc tươi 150g, rửa sạch cho ráo nước sau đó cho vào bát to, đổ cháo đang sôi lên trên để 5-10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn, ngày ăn 2-3 lần. Bài thuốc này vừa đơn giản lại có tác dụng giải cảm nhanh.


Giúp tăng tiết sữa sau sinh:

Sản phụ sau sinh muốn có nhiều sữa nên bổ sung món rau cải cúc và thịt nạc hấp cách thủy: rau cải cúc 300g, thịt lợn nạc 150g, lạc nhân 50g, mắm muối vừa đủ. Rau cải cúc nhặt rửa sạch. Lạc nhân giã nhỏ. Thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ trộn với lạc, mắm muối, viên thành viên bằng quả táo. Dùng bát to, đặt lớp cải cúc ở đáy bát, sau đó cho thịt vào, trên cùng lại rải lớp cải cúc, đem hấp cách thuỷ, khi chín chia làm 2 lần ăn với cơm. Cần ăn liền 3-5 ngày.

Giúp ôn ấm tỳ vị:

Dạ dày ruột trong tình trạng lạnh, đi ngoài lỏng hoặc tiêu chảy, thì dùng 200g cải cúc nấu canh ăn để giúp làm ôn ấm tỳ vị. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.

Chữa ho ở trẻ em:

Lấy rau cải cúc 6g (thái nhỏ) và một chút mật ong đem hấp cơm, gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Lưu ý: không áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.


Chữa trị chứng đau mắt:

Rau cải cúc 1 nắm rửa sạch thái nhỏ. Cá giếc khoảng 250g làm sạch bỏ ruột nấu cùng rau cải cúc ăn ngày 1 lần. Kết hợp lấy rau cải cúc đã rửa sạch hơ nóng trên lửa, sau đó bọc vào vải sạch mỏng để chườm trên mắt (chú ý đừng hơ nóng quá, như vậy vừa giữ được chất tinh dầu chứa trong rau, song lại không gây bỏng mắt và làm vỡ các mạch máu nhỏ ở trong mắt).

Giúp cho trí óc minh mẫn

Axit amin và tinh dầu có trong cải cúc có tác dụng làm thanh sáng đầu óc, đồng thời giúp hạ huyết áp. Bên cạnh cách ăn như nấu canh, bạn có thể ép cải cúc lấy nước cốt uống, mỗi ngày khoảng 50ml, chia 2 lần sáng, chiều. Món thuốc này đặc biệt thích hợp với những người bị cao huyết áp có kèm theo đau và nặng đầu.

Lưu ý: Với những người đang với thể trạng như hư hàn, lạnh bụng, tiêu chảy thì hạn chế ăn rau cải cúc.

Theo Sức khỏe đời sống