Nếu như tại Tp.HCM trào lưu ăn rau rừng đã xuất hiện từ cách đây vài năm, thậm chí, mặt hàng này đã được chen chân vào siêu thị thì tại Hà Nội, xu hướng này mới rộ lên mới thời gian gần đây.

Giá cao ngất ngưởng vẫn “cháy” hàng

Không bày bán ra chợ hay ngoài vỉa hè như nhiều nông sản thông thường, các loại rau đặc sản này chỉ được một số người cung cấp theo đơn đặt hàng và phần nhiều là bán qua các gian hàng online hay các đại lý, cửa hàng bán rau – thực phẩm sạch.

Tại cửa hàng BigGreen chuyên bán rau sạch trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), các loại rau rừng với những tên khá lạ đều có giá cao gấp 4 – 5 lần so với rau quả bán tại các chợ.

Trong đò có thể kể đến rau khởi tử, bò khai, lá giang, đọt chiết, rau vị, rau nhái, lá cóc non…

Bà Lương Thành Long, Quản lý cửa hàng BigGreen này cho biết, gần Tết, nhu cầu rau, củ, quả sạch tăng cao tới 200 – 300% so với ngày thường, tăng 400 – 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Một người dân Hà Nội đã chọn giỏ quà rau bằng rừng đặc sản để biếu sếp dịp Tết.


Đặc biệt, xu hướng mới năm nay là mọi người thường đặt cửa hàng làm giỏ quà Tết bằng các loại rau rừng khác nhau, với mức giá từ 600.000 đồng trở lên (tùy theo mức chi trả của người mua).

Trong đó, một số loại rau rừng đắt hàng nhất là bò khai (99.000 đồng/kg, thường xào với mỳ, tỏi, nấm, dầu hào,…), rau rừng Gia Lai (85.000 đồng/kg) hay rau thơm để ăn sống cùng bánh tráng miền Tây (90.000 đồng/kg, bao gồm lá cóc, lá vị, lá nhái…).

“Để đảm bảo rau vẫn còn tươi nguyên như vừa mới hái ở trên cây xuống, với các loại rau thơm này, công ty Biggreen phải chuyển trực tiếp bằng đường hàng không từ Tây Ninh ra Hà Nội.

Mỗi ngày, cửa hàng tôi bán được 40 – 50 kg rau rừng. Nhu cầu mua rau rừng làm quà Tết đã bắt đầu đông từ cách đây 1 tuần, nhiều đơn đặt hàng đã được đặt trước để “giữ phần” và tới tầm 20 đến 28 Tết, chúng tôi sẽ chuyển hàng cho khách” – bà Long nói.

Theo bà Long, sở dĩ “mốt” tặng quà Tết rau rừng lên ngôi bỡi lẽ trên thị trường mọi năm, người dân hay mua bánh kẹo, mứt Tết, hình thức này khá đại trà, chính vì vậy, giỏ rau sẽ tạo ra sự độc đáo, khác biệt.

Hơn nữa, sau hàng loạt scandal về thực phẩm bẩn, người dùng lo lắng về độ an toàn của rau, củ, quả hàng ngày vẫn ăn, do đó, rau rừng trở thành lựa chọn lý tưởng vì rau được người dân Cao Bằng, Lạng Sơn hay Sơn La lên núi hái tự nhiên, hoàn toàn yên tâm về độ “sạch”.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Thay vì mua giỏ bánh kẹo, xu hướng năm nay là chọn giỏ rau rừng hiếm, quý như này làm quà Tết.


Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, chủ tiệm trên đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm, Hà Nội) chuyên bán online đặc sản rau rừng cũng cho biết:

Gần Tết, mỗi tháng, cửa hàng của chị bán được 5 – 6 tạ rau rừng, bao gồm cả những khách hàng tỉnh lẻ, ở xa như Hạ Long, Sài Gòn, Cần Thơ, thậm chí cả nước ngoài.

“Ngày 25/12/2015 vừa rồi, tôi vừa nhận tiền một đơn hàng 7kg rau bò khai của một khách hàng tại Hà Nội để chuyển sang nước Anh làm quà Tết. Vì là khách quen và lấy với số lượng nhiều nên tôi để giá rẻ cho vị này với mức 60.000 đồng/kg” – chị Nguyệt kể.

Chủ tiệm này còn tâm sự thêm: “Nhiều hôm “cháy” rau, tôi phải từ chối khách.

Vả lại, thời gian này không phải mùa rộ của rau rừng, mà là mùa hiếm do thời tiết lạnh và mưa ít, nên hầu như cửa hàng luôn trong tình trạng người dân miền rừng có bao nhiêu rau, chúng tôi “ôm” hết bấy nhiêu, vì biết chắc chắn sẽ bán hết veo”.

Có thể nói, do nhu cầu với những loại đặc sản rừng này hiện khá lớn, nên để có đủ hàng bán, cửa hàng phải chấp nhận mức giá đầu vào cao, trong đó phần nhiều là chi phí vận chuyển, đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên cao ngất ngưởng.

Bên cạnh đó, người bán cho rằng, loại rau tự nhiên này nếu cộng cả thời gian thu hái, vận chuyển về đến thành thị là đã mất nhiều ngày, nên chỉ bảo quản được từ 1 – 2 ngày nữa, nếu không bán hết thì phải đổ bỏ, nên nhiều điểm bán cộng cả chi phí hao hụt này vào giá bán.

Bật mí cách phân biệt rau rừng chính hiệu


Sau nhiều ngày đắn đo mãi không biết lựa quà gì để tặng sếp, cuối cùng, chị Vũ Thu Xuân (người gốc Nam Định) đã quyết định mua một giỏ rau rừng để đến thăm nhà sếp khi dịp Tết đang cận kề.

“Sếp mình vừa mới nghỉ sinh em bé, mình đã lên mạng tìm kiếm thông tin về loại rau rừng mang tên khởi tử, có thể nấu canh vừa bổ máu, bổ thận lại lợi sữa. Hỏi thăm mãi, mình mới tìm ra địa chỉ để mua loại rau rừng rất tốt cho người mới sinh.

Theo mình, rau rừng đắt mấy cũng được lòng khách là vì lạ miệng, chỉ có theo mùa, và ưu điểm lớn là hàng sạch” – chị Xuân vừa bưng giỏ rau đặt mua tại BigGreen vừa nói với chúng tôi.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội

Những loại rau rừng ban đầu rất khó ăn vì đều có vị hơi đăng đắng, nhưng ăn vào sẽ thấy mát, thơm.

Cũng cùng suy nghĩ như chị Xuân, cô Bùi Thị Nhâm (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng là người thường xuyên mua rau rừng về ăn.

Cô cho rằng rau rừng ngoài ngon, lạ miệng còn đảm bảo an toàn vì không có thuốc bảo vệ thực vật, giúp các bà nội trợ yên tâm nấu bữa ăn cho gia đình.

Sắp Tết đến, cô Nhâm tư vấn cho con gái nên mua rau rừng để làm quà tặng cô giáo của con.

“Những loại rau rừng, ban đầu rất khó ăn vì đều có vị hơi đăng đắng, nhưng ăn vào sẽ thấy mát, thơm, mùi vị đậm đà, ăn quen thì thích hơn các loại rau thường mua ở phố.

Cô giáo của con gái tôi từng giảng dạy ở Bắc Hà, đã quen với cách chế biến và những món rau quen thuộc của vùng rừng núi này, vì vậy, tôi nghĩ món quà rau rừng là phù hợp nhất” – cô Nhâm nói.

Tại Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở đặc sản rau rừng Như Bình mỗi ngày bán 200 – 300kg rau rừng cho các đầu mối mua sắm, bán lẻ trong cả nước.

Ông cho biết: "Người dân không nên lo rau rừng giả hoặc nhái, chỉ có giá cả ở ngoài thị trường và trong các nhà hàng đắt – rẻ khác nhau thôi".

Trong khi đó, tại Hà Nội, chị Lê Thị Ánh Nguyệt , chủ nhân của trang Facebook tên “Đặc sản rau rừng” lưu ý: Trong 6 - 7 loại rau rừng đang bán phổ biến ở Thủ đô, chỉ 2 – 3 loại có thể dùng hàng nhái.

Ví dụ như rau Gia Lai (hay còn gọi là rau lủi), nếu trồng ở Tây Nguyên chuyển ra, rau rất chất lượng, ngon, có màu đỏ, nhưng nếu trồng ở Hà Tây, rau thu hoạch nhanh sẽ có vị chát.

Người dân muốn chọn đúng rau rừng thật, nên sờ vào rau bởi rau rừng chính hiệu sẽ giòn, tươi và vẫn còn hơi chút phấn lá.

“Bò khai, ngồng tỏi luôn có phấn. Ngồng tỏi có nụ hơi chum chúm nở hoa. Nhưng nếu người mua thấy ngồng tỏi có nụ chum chúm, đoạn giữa tươi nhưng đoạn dưới lại thâm thì đó là hàng đã được ướp thuốc và người dân không nên mua” – chị Nguyệt nói.

Cận cảnh một số loại rau rừng được chuộng tại Hà Nội:

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Lá giang - loại rau rừng nấu canh hoặc xào với thịt gà, cá nước ngọt, thịt bò hoặc làm canh chua rất ngon.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Rau khởi tử có nguồn gốc ở Bắc Hà dùng nấu canh hoặc nấu xôi giúp bổ máu, lợi sữa.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Nắm rau mà bạn gái này đang cầm bên tay phải là một trong những loại rau thơm từ núi rừng không thể thiếu để ăn sống với món bánh tráng.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Rau cải mèo gốc Bắc Hà khác với cải mèo ở những vùng khác bởi độ ngọt đậm, không ngái, không đắng chát.

Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Măng tây rừng dù giá cao 100.000 đồng/kg nhưng vẫn rất đắt hàng.


Rộ mốt săn rau rừng làm quà Tết ở Hà Nội
Rau bò khai - đặc sản vùng cao Hà Giang, gần Tết rất khan hàng.

Theo Soha/ Tri Thức Trẻ