Đối với nhiều người khi có mặt tại khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), nhìn cảnh bệnh nhân cấp cứu nhưng bị buộc tay chân vào giường bệnh chắc chắn sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ, thậm chí những người nhà đang chăm sóc bệnh nhân ở đây thì tình trạng này là quá bình thường.

 Dù đã ở thời điểm cuối ngày, khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) vẫn có ít nhất 5 bệnh nhân đang bị buộc cố định tay chân vào giường bệnh. Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lại như vậy? Các bác sĩ cho biết: “Tất cả là vì rượu”.

roi nuoc mat canh con troi cha vao giuong benh trong phong cap cuu - 1
Nhiều nam bệnh nhân nhập viện do uống rượu.

Nằm ngay ở góc phòng cấp cứu là một trường hợp nam bệnh nhân đã trung tuổi, người gầy gò, bụng chướng to nhưng miệng thì liên tục la hét và chân tay thì đập phá. Ngay lập tức, con trai ngồi cạnh lại phải dùng dây vài buộc cố định chân tay bố vào thành giường để tránh gây kích động.

Chia sẻ với chúng tôi anh Quân (con trai bệnh nhân) cho biết, bố anh mới vào nhập viện trong tình trạng nguy kịch và sảng rượu. "Bố tôi uống uống rượu khoảng 30 năm nay, trung bình mỗi ngày uống từ nửa lít đến một lít rượu. Cả nhà can ngăn nhưng đều không được.

Mãi tới gần đây bố bị chướng bụng, bụng to bất thường đi khám mới biết bị xơ gan. Nhập viện cấp cứu mấy hôm nay nhưng do không được uống rượu, bố bị sảng rượu liên tục kêu gào, chạy nhảy lung tung. Không còn cách nào khác tôi đành phải trói bố lại như vậy", anh Quân chia sẻ.

roi nuoc mat canh con troi cha vao giuong benh trong phong cap cuu - 2
Một bệnh nhân bị sảng rượu đang phỉa buộc vào thành giường bệnh.

Không chỉ anh Quân, những trường hợp sảng rượu khác khi vào nhập viện cấp cứu cũng đều phải dùng biện pháp tương tự. Thậm chí, có trường hợp còn bi thương hơn, khi người thân của mình khi lên sảng rượu, không nhận thức được gì nên đánh cả người nhà. Ví dụ điển hình như trường hợp của chị Hoa (ở Phú Thọ).

Theo chia sẻ của chị Hoa, bố chị khi tỉnh táo thì mọi thứ mọi người nói đều nghe hết, nhưng khi bị sảng rượu thì không làm chủ được bản thân, thậm chí còn tấn công cả người thân của mình. Vì thế, chị Hoa phải dùng dây buộc chặt bố trên gường để không gây hậu quả đáng tiếc.

“Mình là con gái, nhiều lúc một mình không làm được, lại phải nhờ người nhà của những bệnh nhân khác hỗ trợ. Khi đã giữ chật được bố rồi, nhìn lại cảnh bố bị trói quả thật tôi không cầm được nước mắt. giá như bố tôi từ ngày xưa chịu nghe theo lời mọi người không uống rượu thì giờ đâu khổ thế này”, chị Hoa chia sẻ.

Nghiện rượu giống như nghiện ma túy

Từ những trường hợp trên, chia sẻ với chúng tôi TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những cảnh bệnh nhân chửi bới, đập phá, mê sảng xảy ra liên tục tại phòng cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm theo hội chứng cai, trong đó nặng nhất là sảng rượu.

Theo TS Khanh, nghiện rượu giống như nghiện ma túy, nếu ngừng sử dụng đột ngột sẽ rơi vào cơn mê sảng. Lúc này xuất hiện hội chứng cai rượu khiến cơ thể bị xáo trộn. Đặc biệt, người mắc hội chứng cai rượu luôn sống trong tâm trạng lo lắng vô cớ, thái quá, kích động, sẵn sàng gây hấn với bất kỳ ai. Sau vài ngày, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng (luôn nghĩ rằng vợ ngoại tình, có người hại mình), có ảo thanh (nghe tiếng nói bên tai), ảo thị (nhìn thấy những hình ảnh ghê rợn trước mặt).

roi nuoc mat canh con troi cha vao giuong benh trong phong cap cuu - 3
TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai.

TS Khanh cho biết những biểu hiện này sẽ biến mất nếu người nghiện được uống rượu trở lại. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác nặng dẫn tới chi phối hành vi. Do đó các bác sĩ không còn cách nào ngoài việc tạm thời trói bệnh nhân lại để tránh việc bệnh nhân quá khích gây tổn thương cho người khác và chính mình.

Bên cạnh các biểu hiện rối loạn tâm thần, bệnh nhân còn bị các rối loạn cơ thể và thần kinh rất đa dạng. Các rối loạn cơ thể biểu hiện chủ yếu là bệnh lý mạch máu như xung huyết da, đặc biệt là da mặt, vữa xơ mạch, nhịp tim nhanh, tăng thân nhiệt, rối loạn chức năng gan và thận, có thể gặp viêm phổi, viêm gan, viêm tụy.

Theo TS Khanh, sảng rượu là biến chứng nặng nhất từ hội chứng cai rượu. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong. Do đó, từ bỏ sớm rượu bia là cách tốt nhất để tránh căn bệnh này.

Theo Khám Phá