Bé Dương Ngọc Lâm được sinh non ở tuần thứ 30 sau khi cơ thể người mẹ Nông Thị Hảo (Lạng Sơn) đã quá yếu. Đây là một câu chuyện quý giá về tình mẫu tử.
Sau ca mổ sinh, hai mẹ con họ phải xa nhau. Chị Nông Thị Hảo được chuyển vào Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để điều trị, còn bé Lâm thì được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để nuôi trong lồng kính. Chị chỉ được nhìn mặt con qua bức ảnh do chồng chụp bằng điện thoại.
Giây phút phát hiện mình bị bệnh, chồng chị đã nói rằng: “Bây giờ sức khỏe của em là quan trọng nhất, dù là một việc không dễ dàng với vợ chồng mình nhưng anh mong em sẽ bỏ đứa bé để chữa trị. Sau này em khỏe chúng mình sẽ sinh thêm em bé”.
Chị biết, ngay cả với anh Tùng (chồng chị) việc bỏ đi đứa bé cũng là một nỗi buồn lớn vô hạn. Và chị còn biết, nếu mình bỏ đứa con trong bụng đi thì việc sinh thêm con là điều không tưởng khi bị bệnh ung thư máu.
Những giây phút hai mẹ con bên nhau (ảnh gia đình cung cấp)
Đứng trước sự lựa chọn giữa con và bản thân mình, chị Hảo đã có đáp án nhanh chóng. Chị từ chối điều trị để giữ con. Quyết định vậy nhưng chị cũng không biết cơ thể mình sẽ trụ được đến bao lâu. Khi cơ thể chị yếu đi thì con chị cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Khi chị từ chối điều trị để sinh con, người thân của chị đã khóc. Họ lo cho sức khỏe của chị sẽ xấu đi khi không điều trị ngay bởi bác sĩ bảo nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến cả hai mẹ con.
1 năm qua đi, chị Hảo ở viện nhiều hơn ở nhà. Thời gian sống bên con là những ngày ngắn ngủi khi bác sĩ cho chị về thăm gia đình. Nhiều thì chị được ở nhà 10 ngày, ít thì 5 ngày, sau đó thì lại gói gém đồ đạc xuống viện để điều trị bệnh. Khoảng thời gian bên con chị tranh thủ cho con ăn, chơi cùng với bé.
Từ lúc sinh ra, bé Lâm phải dùng sữa ngoài hoàn toàn bởi mẹ bị bệnh không có sữa cho con. Và cũng vì chị đi bệnh viện liên miên nên không có thời gian chăm sóc cháu. Bé Lâm từ bé do một tay bà ngoại chăm nom. Cũng chính vì vậy, bé không tìm mẹ như những đứa trẻ khác.
“Thực sự không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng khi con không thân thiết với mình lắm. Bé không tìm mẹ mà tìm bà ngoại. Có lẽ, tình cảm mẹ con chỉ thay đổi được khi tôi dành nhiều thời gian cho bé hơn. Nhưng đó là điều không thể, căn bệnh này sẽ phải đến bệnh viện thường xuyên.
Tôi cũng tự an ủi mình là sinh con và chứng kiến con khỏe mạnh đã là niềm hạnh phúc lắm rồi. Tôi không dám đòi hỏi nhiều hơn thế nữa”, chị Hảo cho biết.
Bé Lâm xinh xắn, khỏe mạnh (ảnh gia đình cung cấp)
Chị bảo, cũng chính vì bé không quấn mẹ nên chị cảm thấy yên tâm hơn. Bởi trong tâm khảm chị nghĩ, bản thân mình bệnh tật nên có thể rời xa mọi người bất cứ lúc nào. Và mong rằng bé sẽ vẫn ổn khi có những người thân bên cạnh chăm sóc nếu như không có chị ở bên.
“Tôi tin, nhiều người mẹ khác khi đặt trong hoàn cảnh như tôi thì họ cũng sẽ đưa ra quyết định như vậy. Làm sao có thể bỏ đi đứa con của mình khi nó đã mang hình hài.
Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Chỉ mong sau này con lớn, nghe lời bố, bà và cố gắng học hành, là người tốt trong xã hội. Sau này lớn lên, sẽ là người sống tình cảm, hiểu được tấm lòng của mẹ”, chị Hảo tâm sự.
Theo Gia Đình & Xã Hội