Từ ngày mới về làm dâu, ông bà nội đã thẳng thừng tuyên bố: Sau này có con, hai vợ chồng tự thuê giúp việc hoặc nhờ nhà ngoại. Bố mẹ già chỉ thỉnh thoảng lên chơi, không nhận nhiệm vụ trông cháu.
Quả thực lúc đầu, tôi hơi sốc vì suy nghĩ của ông bà, nhưng nghĩ lại như vậy cũng tốt. Tôi với ông bà chưa xích mích, quan điểm sống không giống nhau, cứ thẳng tính ngay từ đầu càng dễ sống.
Tôi sinh con ở nhà ngoại, sau một tháng lên hẳn thành phố cho hai bố con được gần nhau. Sau 6 tháng ở cữ, tôi bàn với chồng thuê giúp việc để phụ việc chăm con vì không muốn làm phiền hai bên nội ngoại. Ông bà có lên chơi với cháu, tôi cũng thoải mái.
Tuy nhiên, chồng gạt phăng đi: "Bà ngoại vẫn còn khỏe, em thử nhờ bà trông cháu khoảng 6 tháng đến một năm cho con cứng cáp rồi đi lớp luôn. Tội gì thuê giúp việc vừa tốn kém, vừa không yên tâm".
Thương con, thương cháu, mẹ tôi chủ động nhận lời lên ở với chúng tôi để được gần con cháu và giúp tôi quán xuyến việc nhà.
Từ khi có bà ngoại, tôi chỉ việc đi làm, về nhà chơi với con. Cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đã có mẹ tôi lo hết. Cuộc sống tinh thần khá thoải mái.
Nhưng cũng từ khi có mẹ phụ mọi việc, chồng tôi đâm ra ỉ lại. Thay vì về nhà với vợ con sau giờ làm, anh sẽ đàn đúm bạn bè, hôm bia cỏ, hôm đá bóng mãi 9-10h tối mới về nhà. Việc nhà gần như không phải đụng tay đụng chân.
Kinh tế khó khăn, chồng tôi chỉ biết nhờ bố mẹ vợ (Ảnh: Freepik).
Khó khăn ập đến khi chồng tôi nghe lời bạn, lấy hết tiền tiết kiệm dự định mua nhà của hai vợ chồng và còn vay ngân hàng thêm 300 triệu đồng để cùng bạn mở homestay.
Homestay vừa hoàn thành thì dịch ập đến. Không thể đón khách trong gần 2 năm nhưng trong khoảng thời gian ấy, hai vợ chồng vẫn phải gồng gánh lãi ngân hàng.
Hết dịch, homestay không đón được khách như mong đợi. Số vốn đầu tư quá lớn mà nguồn thu lại ít ỏi, không đủ trả lãi ngân hàng.
Vì không bám trụ được, bạn anh quyết định sang nhượng homestay với giá thấp, chấp nhận lỗ chứ không gánh nổi nữa. Hoặc chồng tôi có thể mua lại.
Cả hai phương án đều đưa nhà tôi vào thế bí. Vì trước mắt, tình hình kinh doanh khó khăn do khu vực homestay của gia đình tôi không còn hot. Do vậy, dù có bán đi cũng không được giá, mua lại cũng khó có thể kinh doanh tiếp.
Lãi mẹ gánh lãi con, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ. Chồng bàn với tôi nhờ bà ngoại vay ít tiền giải quyết nợ ngân hàng để trước mắt chấm dứt lãi, nhưng tôi không đồng ý.
Tôi nói: "Ông bà nội vừa bán mảnh đất đầu tháng, anh nên hỏi mượn ông bà thì tốt hơn. Bố mẹ em không có lương hưu, không dư giả như đằng nội. Hơn nữa, giờ muốn vay số tiền lớn, ông bà ngoại chỉ còn đường thế chấp sổ đỏ".
Hỏi ra mới biết, chồng tôi đã hỏi mượn ông bà nội nhưng bị từ chối với lý do số tiền bán đất để chuẩn bị đám cưới của cô út. Ấy vậy không biết ai đánh tiếng đến mẹ tôi, ông bà bàn nhau cầm sổ đỏ ở quê phụ giúp chúng tôi thanh toán nợ ngân hàng, chấm dứt lãi hàng tháng.
Ngày cầm tiền của bố mẹ trong tay, tôi nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng, thầm cảm ơn bố mẹ đã luôn là chỗ dựa cho vợ chồng tôi và trách bản thân vô dụng, làm ăn thua lỗ khiến bố mẹ lo lắng.
Tôi cũng thẳng thừng tuyên bố với anh: "Ơn này của ông bà ngoại, mình phải nhớ lấy. Sau này, hai vợ chồng có nghĩa vụ phụng dưỡng, bên cạnh ông bà ngoại đến cuối đời".
Theo Dân trí