Nạn mê tín dị đoan đã khó kiểm soát, nay các đối tượng này còn chuyển sang làm dịch vụ online khiến lực lượng chức năng gặp càng nhiều khó khăn.
Đã có giai đoạn, nhiều nghệ sĩ Việt còn đồng loạt "lùa gà" cho "thầy" tử vi (Ảnh minh họa).
Các "thầy bói online" phán về đủ thứ
Theo Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chỉ cần cầm trong tay chiếc điện thoại, comment họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh và đợi các thầy hữu duyên gọi tên là mọi muộn phiền sẽ được hóa giải.
Những lời nói nước đôi, lấp lửng, khen chê, có người phấn khởi bỏ buông công việc, có người chủ quan bởi "thầy phán": "năm nay may mắn, lộc tự nhiên vào nhà", "không cần làm vẫn có ăn", "số quan chức". Tuy nhiên, thông tin thì khá chung chung, mơ hồ và độ tin cậy về những thông tin này thì không ai dám khẳng định. Nhưng vẫn có nhiều người chỉ tin và làm theo lời thầy bói.
Trò lừa tâm lý
Một số người quan niệm xem bói online cho vui và chẳng mất gì, nhưng thực tế, hàng nghìn thông tin cá nhân được công khai và chia sẻ lên các nhóm rất có thể bị đối tượng xấu lợi dụng.
Điều đáng nói, xem bói online là hình thức bói toán trá hình cho hoạt động mua bán đồ mang tính mê tín dị đoan. Để giải vận hạn, đắc tài lộc, đạt tình duyên..., phần lớn người xem bói được "thầy" yêu cầu chuyển tiền để cúng sao hoặc phải mua nhẫn tài lộc, vòng phong thủy, dầu se duyên do "thầy" bán hoặc chỉ định nơi mua thì mới được như ý.
Theo Luật sư Quách Thành Lực, trên thực tế bói toán qua mạng chỉ là trò lừa tâm lý, đưa ra những thông điệp và miêu tả chung chung. Muốn xem bình giải đầy đủ về mọi mặt từ tiền tài đến sức khỏe, công danh, vận hạn người dùng phải nạp tiền bằng cách thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế hoặc thẻ điện thoại.
Sau khi có được niềm tin, đối tượng lừa đảo thường sẽ bán các mặt hàng tâm linh như vòng tay, búp bê… để mang lại may mắn, hóa giải bệnh tật, không thì cũng sẽ nói những điều tai ương khiến người xem mất ăn, mất ngủ rồi phải tìm đến nhờ các "cô", "cậu" để làm lễ giải hạn, giải xui.
Theo Luật sư, bói toán, mê tín dị đoan là tệ nạn xã hội, cần phải loại bỏ. Điều 8 Luật An ninh mạng quy định: "Nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ, Khoản 7, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: "Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan thì bị phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng" thì các đối tượng hành nghề này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan, bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Cùng với đó, trong công điện tối 30/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành không để xảy ra tình trạng trục lợi, phản văn hóa. Những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi phải bị xử lý. Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các địa phương không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, cúng oan gia trái chủ tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Cũng theo Luật sư, dân gian đã có câu "bói ra ma, quét nhà ra rác". Mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề này, không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang.
Người dân cần giữ cho mình thói quen cập nhật tin tức trên các kênh báo chính thống. Đồng thời tìm hiểu các quy định của pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Bởi, dù thế nào thì điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.
Theo Dân Trí