Dọc mùng được sử dụng trong nhiều món ăn như canh chua, sườn, bún bung, canh cá... và hầu hết mọi người đều rất thích nó. Tuy nhiên, dù thích ăn mùng, nhiều người e ngại vì đã có lần bị ngứa miệng, họng khi ăn.
Việc chế biến món mùng càng gây lo ngại hơn vì da tay có thể bị ngứa khi tiếp xúc với mùng trong quá trình lột vỏ, làm sạch. Do đó, bạn cần có bí quyết giảm ngứa tay khi sơ chế dọc mùng.
Rửa dọc mùng bằng thứ nước này sẽ không bị ngứa tay
Cách ngăn ngừa tình trạng ngứa tay đơn giản nhất khi sơ chế dọc mùng là đeo găng tay cao su để tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng trong loại cây này.
Tuy nhiên trong trường hợp không có găng tay, hoặc không quen dùng găng, bạn có thể rửa dọc mùng bằng nước muối để không bị ngứa tay.
Một số mẹo sẽ giúp bạn giảm ngứa tay khi sơ chế dọc mùng. (Ảnh: Shutterstock)
Cách làm cụ thể như sau: Rửa sạch dọc mùng để loại bỏ bùn đất, sau đó tước bỏ lớp vỏ xanh dai bên ngoài như cách tước vỏ chuối.
Dùng dao cắt hết phần bụng của dọc mùng (phần cong bên trong) rồi cắt dọc mùng thành miếng vừa ăn. Nên thái vát để dọc mùng dễ vắt và ngấm gia vị hơn.
Rắc một thìa muối hạt lên dọc mùng đã thái vát và trộn đều, để khoảng 15 phút. Khâu này giúp dọc mùng bớt ngứa và hấp thụ gia vị một cách đồng đều. Sau đó, bạn cho nước vào chậu dọc mùng, dùng tay vò nhẹ, sau đó vắt nhẹ cho ráo nước.
Đun sôi nồi nước, cho dọc mùng đã rửa sạch vào chần trong vài phút để tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ chất gây ngứa. Cuối cùng, bạn ngâm dọc mùng trong nước muối đậm một lần nữa rồi ngâm xả vài lần với nước lạnh. Lúc này, dọc mùng sẽ không còn gây ngứa.
Ngoài muối, bạn cũng có thể sử dụng giấm để rửa dọc mùng. Giấm giúp làm sạch mà không gây ngứa tay.
Để tay giảm tiếp xúc với dọc mùng, bạn có thể rửa dưới dòng nước chảy.
Cách giảm ngứa do dọc mùng
Nếu bị ngứa do tiếp xúc với dọc mùng, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm tình trạng khó chịu này.
- Thoa sữa: Nếu tay của bạn bị ngứa sau khi tiếp xúc với dọc mùng, hãy đổ một ít sữa tươi lên tay và thoa đều. Sữa có thể giúp làm dịu cảm giác ngứa và khó chịu một cách nhanh chóng.
- Sử dụng đường: Đổ một ít đường ra tay và chà nhẹ nhàng cho đến khi đường tan hết. Rửa lại tay bằng nước sạch để loại bỏ cảm giác ngứa.
- Hơ nóng: Khi cảm thấy ngứa quá, bạn có thể hơ tay qua ngọn lửa hoặc hơ nóng một chiếc khăn và chà nhẹ lên tay. Độ nóng giúp giảm cảm giác ngứa và khó chịu.
- Uống nước ấm: Nếu bạn cảm thấy miệng ngứa sau khi ăn dọc mùng, hãy uống một ít nước ấm để làm dịu cảm giác này.
- Súc miệng với nước muối gừng: Đập dập gừng tươi và bỏ vào nước muối loãng. Sử dụng dung dịch này để súc miệng.
Nếu tình trạng ngứa kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ.
Cách phân biệt dọc mùng và cây ráy
Dọc mùng và cây ráy có ngoại hình tương đối giống nhau nên để phân biệt được chúng, bạn cần quan sát thật kỹ. Nhiều người không có kinh nghiệm sẽ dễ mua nhầm phải cây ráy.
Nếu ăn nhầm cây này, bạn không chỉ bị ngứa miệng mà thậm chí còn có thể gặp tình trạng bỏng rát, nước bọt chảy liên tục, lưỡi cứng đờ, cổ trọng rát, sưng tấy.
Cây dọc mùng và cây ráy có nhiều điểm giống nhau. (Ảnh: TL/Báo Lao động)
Để chọn đúng dọc mùng, bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
Cây dọc mùng thường có bề ngoài mềm mại hơn, màu sắc hơi ngả vàng. Cây ráy trông thô cứng và khó uốn cong, màu xanh đậm hơn.
Dọc mùng thường có kích thước tương đối nhỏ so với cây ráy. Lá của cây ráy thường có hình khiên, phần hợp sinh giữa hai thùy gốc là phiến rất hẹp. Cuống lá của cây ráy thường to và mập. Sự mập mạp của phần cuống lá là một đặc điểm nhận dạng rõ ràng của cây ráy.
Nếu phân vân, bạn có thể cắt một phần nhỏ của thân cây và ngửi mùi. Dọc mùng thường không có mùi khác thường, trong khi cây ráy có thể phát ra mùi hôi khó chịu.
Cây ráy chứa một loại độc tố gọi là sapotoxin. Đây là chất gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe, bao gồm tình trạng bỏng rát môi, lưỡi, cứng hàm và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với hệ hô hấp.
Để tránh rủi ro, hãy kiểm tra kỹ càng và đảm bảo bạn không nhầm lẫn giữa cây ráy và dọc mùng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với cây ráy.
Theo VTC