Ngổn ngang hài cốt

Bà Nguyễn Thị Xuân năm nay tròn 60 tuổi, là người gắn bó gần trọn cuộc đời và có công rất lớn đối với các bệnh nhân phong tại bệnh viện Phong - Da Liễu (tỉnh Bắc Ninh). Trước đây, khu điều trị này còn được biết đến với cái tên trại phong Quả Cảm.

Từ những năm 60 thế kỷ trước khi nhà nước có chủ trương chữa trị tập trung cho các bệnh nhân phong thì trại phong Quả Cảm trở thành nơi trú ngụ cho lớp lớp bệnh nhân phong.

Họ đến đây, định cư để chữa bệnh khi qua đời rất ít trường hợp được người thân đón về, còn lại đều được chôn cất ngay tại trại. Bãi đất hoang vắng ấy nằm khép mình ở sườn đồi thuộc khuôn viên bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh.
 

Hàng nghìn bộ hài cốt vô danh dưới lớp bê tông này. Ảnh:H.Phương

Hàng nghìn bộ hài cốt vô danh dưới lớp bê tông này. Ảnh:H.Phương

Bà Xuân chia sẻ: "Trong lúc đào đất cứ lộ ra, chỗ thì xương tay, chỗ xương chân, dưới lại hàm răng. Nó cứ lộn xộn như thế. Tôi về hỏi các cụ bệnh nhân sống lâu năm ở đây sao lại như thế. Các cụ cho biết, ngày xưa ai chết là cuốn chiếu rồi đem chôn chứ không có quan tài như bây giờ. Có ngày đến 3 người chết, được vùi cùng với nhau. Có biết hài cốt của ai là ai đâu. Xót ruột lắm. Từ ngày khu này có nhà tang lễ, hễ nhặt được đoạn xương nào tôi lại mang về đó".

Năm 2011, bà Nguyễn Thị Xuân đã huy động vốn để xây dựng một bể xương. Cô Xuân bảo: "Bể xương rộng hơn cái nhà cấp 4 bình thường. Dưới đó trên dưới 1000 hài cốt không tên tuổi".

Bà Xuân cho biết còn rất nhiều hài cốt nằm rải rác ở nghĩa trang và sẽ phải quy tập dần, không thể một sớm một chiều làm quy củ được.

Đó là những hài cốt được chôn trước khi người phụ nữ này đến với trại phong. Từ ngày bà đến với những bệnh nhân phong, mỗi khi ai đó qua đời, nếu không có người nhà đến nhận, bà sẽ cùng với Ban quản lý bệnh viện đứng ra lo chôn cất.

"Hiện nay, sẽ có quan tài, gắn bia mộ cẩn thận. Tất nhiên đào sâu chôn chặt chứ chưa có điều kiện sang cát cho sạch sẽ và tiết kiệm quỹ đất nghĩa trang", bà Xuân nói.

 

Những ngôi mộ hình tròn được ban quản lý xây lại. Đó là những bộ hài cốt bệnh nhân phong vô danh. Ảnh: H.Phương
Những ngôi mộ hình tròn được ban quản lý xây lại. Đó là những bộ hài cốt bệnh nhân phong vô danh. Ảnh: H.Phương

 

Những nấm mộ vô danh

Bệnh nhân Vũ Xuân Thìn, 70 năm tuổi đời thì hơn 30 sống trong trong trại phong. Khu nhà ở của ông Thìn gần với nghĩa trang nên bất cứ chuyện gì ở đây ông cũng biết. Dẫn chúng tôi ra những nấm mồ vô danh ông Thìn bảo: "Ngoài bể xương còn rất nhiều hài cốt không biết tên. Mộ họ được xây bằng bê tông hình tròn. Những khối tròn ấy khắp nghĩa địa. Quanh năm không ai hương khói vì có biết là ai đâu. Chúng tôi chỉ thắp vào bát hương chung cho cả nghĩa trang".

Bể xương mà ở đây người ta gọi là ngôi mộ vô danh tập thể nằm ở triền đồi. Bể xương được phủ một lớp bê tông bằng phẳng. Ông Thìn nói: "Nhiều xương lắm. Hàng nghìn bộ được xếp chung với nhau".

Bể xương nằm ở nơi quạnh vắng, lạnh lẽo quay năm mới có một vài nén hương của bệnh nhân hoặc bệnh viện thắp.

 

Ông Thìn sửa sang lại lọ cắm hương trước tấm bia khu mộ vô danh do lâu ngày không ai lui tới. Ảnh: H.Phương
Ông Thìn sửa sang lại lọ cắm hương trước tấm bia khu mộ vô danh do lâu ngày không ai lui tới. Ảnh: H.Phương

 

Ở khu nghĩa trang này, mới mọc lên khá nhiều ngôi mộ được xây dựng cầu kỳ, ốp đá cẩn thận và bia mộ ghi tên rõ ràng ngày sinh năm mất. Tuy nhiên theo ông Thìn thì đó là những ngôi mộ gió.

"Mộ không có hài cốt. Nhiều gia đình đi "xem" thấy phần âm nhà mình nói nằm ở đây, không được thờ cúng. Giờ mà tìm cho được đúng hài cốt thì không thể nên họ xây một ngôi mộ như thế để hương khói", ông Thìn nói với chúng tôi. Nghe thật xót xa, những bệnh nhân phong sống đã khổ, chết còn khổ hơn.

 

Theo Giadinh.net