Cả nhà tiêu chảy vì uống sữa đậu nành

Không ít người tiền mất tật mang khi uống sữa đậu nành được bán tràn lan ở vỉa hè. Đã có rất nhiều nạn nhân gọi điện lên đường dây nóng báo CL&XH, kể lại sự việc của mình. Chị Nguyễn Thị Phượng (40 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) là một nạn nhân như thế.


Sữa đậu nành làm từ hóa chất có thể để được từ 2-3 ngày không đổi màu

Trao đổi với PV, chị Phượng cho biết, do được bạn bè chia sẻ về tác dụng rất tốt của sữa đậu nành nên chị đã mua về làm thức uống hằng ngày. Cũng theo lời chị Phượng, một lần gần đây, sau khi cả nhà uống sữa đậu nành mua ngoài vỉa hè thì cả nhà bị đau bụng đi tiêu chảy. Lúc bấy giờ, chị Hương thấy sữa đậu nành mình mua về có màu trắng đục, nổi nhiều bọt, nhiều khi có váng màu vàng.

“Nếu để từ sáng đến chiều muộn thì trong cốc sữa đậu nành có lớp bột trắng đục như thạch cao cặn lại bên dưới đáy, khi uống thì phải dùng muỗng đảo mạnh mới tan vì lớp bột này bết lại gần giống với đậu hũ. Lúc đầu, tôi cứ cho rằng đó là điều bình thường, vì thực tế, bản thân cũng chưa biết quy trình để làm ra một cốc đậu nành như thế nào.

Thêm nữa, người bán sữa cũng khẳng định sữa của cô ta không hề có hóa chất, hay đường hóa học. Đậu nành cũng là giống đậu ta, chứ không phải là đậu nhập từ Trung Quốc, khiến tôi rất yên tâm tin tưởng vào lời quảng cáo này. Tuy nhiên, mẹ tôi nói nếu là sữa đậu nành nguyên chất thì không có các dấu hiệu như trên”, chị Phượng cho biết.

Để kiểm chứng những thông tin trên, PV vào vai người mua sữa đậu nành về uống từ 6 người bán hàng khác nhau tại chợ Bình Triệu và chợ Hiệp Bình (quận Thủ Đức). Một điểm giống nhau đó là những người bán hàng đều khẳng định, là sữa đậu nành của mình làm là nguyên chất, không hề pha thêm hóa chất hoặc dùng đậu nành ngoại lai. Tuy nhiên, 6 túi sữa mà chúng tôi mua chia làm hai nhóm mầu sắc, hương vị đặc điểm nhận dạng khác nhau hoàn toàn.

Có túi sữa đậu nành mầu trắng ngà, nước trong hơn, dưới đáy có lớp cặn đậu, vị thanh nhẹ, chỉ sau một ngày là bốc mùi chua. Túi khác có mầu trắng đục như nước vo gạo. Tuy nhiên, nó không còn ở dạng lỏng nữa mà bắt đầu rắn cục lại, và chúng lần lượt hư hỏng từ 1 – 2 ngày sau.

Theo tìm hiểu của PV, sữa đậu nành nguyên chất dù được bảo quản tốt cũng không để quá được 1 ngày. Rõ ràng, việc những bịch sữa đậu nành để được từ 1- 2 ngày sau thời hạn trên là điều bất thường. Có một chi tiết quan trọng, đó là lớp cặn đọng lại bết lại, có mầu trắng đục, phải dùng muỗng đánh mạnh thì tạp chất này mới tan ra được.

Hiện tại chất này là gì thì vẫn là bí ẩn, nhưng nhiều nạn nhân đưa ra giả thiết rằng, nhìn bằng mắt thường thì rất giống với thạch cao. Do vậy, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang, khi cho rằng mình đang uống sữa đậu nành được làm từ thạch cao

Sự thật về công thức sản xuất sữa đậu nành

Để xác minh nguồn gốc những hóa chất phù phép ra cốc sữa đậu nành nguyên chất không được làm từ những hạt đậu nành, PV tìm đến chợ Kim Biên (quận 5, TP. HCM), nơi có bày bán tràn lan, công khai những loại hóa chất này. Trong vai một tiểu thương nhỏ muốn mở hàng bán sữa đậu nành vỉa hè, PV hỏi mua loại hóa chất này.


Sữa đậu nành 2 -3 ngày không bốc mùi hư hỏng được bày bán

Theo đó,  những loại hóa chất bí ẩn này được bán tại các cửa hàng bán hóa chất thực phẩm, khu vực phía tây của chợ Kim Biên. PV bước vào cửa hàng H.T. của bà K.. Thấy khách hàng, bà K. đon đả nhiệt tình đón tiếp. Khi PV hỏi mua thạch cao để về làm sữa đậu nành, thì bà K. cưới phá lên, rồi bảo: “Chú hỏi thật hay đùa vậy”?

“Từ trước đến này chỉ có khách vào hỏi mua thạch cao về cho vào đậu hũ, chứ chưa có ai hỏi tôi là mua về cho vào sữa đậu nành bao giờ cả”, bà K. giải thích thêm. Theo lời bà K. khi làm đậu hũ, nhiều người thường sử dụng thạch cao để công đoạn được rút ngắn, khiến cho bìa đậu rắn chắc và nặng hơn.

Không để chúng tôi phải chờ đợi, bà K. chào hàng luôn: “Giờ người ta làm sữa đậu nành là dùng bột béo hoặc sữa thơm”. Bột béo mà bà K. nói ở đây đó là loại bột có mầu trắng đục có giá 80 nghìn đồng/kg. Còn loại sữa thơm là dạng nước, đựng trong can nhựa, cũng có mầu trắng đục tương tự. Tuy nhiên, loại nước có giá 200 nghìn đồng/lít. Sau khi đưa ra giá, bà K. nhiệt tình hướng dẫn PV luôn cả công thức chế biến sữa đậu nành từ hóa chất.

Bà K. hướng dẫn: “Đun sôi nước để nguội, sau đó cho vài muỗng bột, hoặc nước sữa thơm vào khuấy đều lên là có thứ nước màu trắng đục giống như đậu nành. Tiếp đến, chú cho thêm ít đường hóa học tạo ngọt là xong. Trước đây, cần thêm chất tạo hương liệu nữa, nhưng giờ người ta cải tiến rồi, trong bột béo, và sữa thơm đã có hương đậu nành luôn rồi”.

Theo bà K., 1 kg bột sữa có thể làm ra 200 ly (còn 1 lít nước sữa thơm thì có thể làm ra 400 lít đậu nành - PV). "Cứ với giá 5 nghìn đồng/ly, tính ra mỗi ngày các chú lãi gần 1 triệu đồng bạc. Trong khi đó, 1kg đậu nành giá đã gần 20 nghìn đồng, nhưng cũng chỉ  được có hơn chục ly đậu nành nguyên chất với nhiều công đoạn phức tạp”.

PV cũng tiếp cận thêm một cửa hàng khác. Đó là cửa hàng của ông H., nằm ở phía tây chợ Kim Biên. Theo ông H. thì mỗi ngày ông bán được cả trăm ký bột béo và sữa thơm. “Khách đến mua tôi cũng chẳng hỏi người ta mua để làm gì, thuận thì mua vừa thì bán thôi. Nhưng nói thế, chứ ai mà không biết cái này để làm sữa đậu nành”, ông H. tiết lộ.

Tại cửa hàng ông H., giá cả để mua những loại bột  này tương tự như tại cửa hàng của bà K., đó là bột béo có giá 80 nghìn đồng/kg, và 200 nghìn đồng/lít. Theo ông H. thì đó là giá chung. “Nhưng nếu các anh cần nhập lượng lớn thì tôi sẽ giảm cho đôi chút. Tương đương với giá những cánh buôn nhỏ cất hàng của tôi đưa về miền Tây”, ông H. đề nghị.

Ngoài ra, ông H. cũng giới thiệu chúng tôi về công thức pha chế sữa đậu nành giống như cửa hàng của bà K.. Tuy nhiên, ông còn tiết lộ “độc chiêu” có thể biến sữa đậu nành rởm không khác sữa đậu nành nguyên chất là mấy. “Giả thì mãi vẫn là đồ giả, phải người tiêu dùng thông thái, am hiểu họ nhận ra được ngay. Bởi sữa đậu nành nguyên chất luôn có váng ở bên trên. Nhưng tạo váng lại quá đơn giản, cần có một ít bột đậu nành thật cho thêm tí thạch cao là thành.

Nhưng có một nhược điểm là, thạch cao sẽ tạo thành cặn rắn bết lại ở bên dưới đáy. Do vậy, chỉ cần cho một lượng ít đủ để tạo váng”, ông H. tiết lộ. Ngoài ra, ông H. còn cho biết, muốn cho màu của sữa đậu nành hóa chất giống màu của sữa đậu nành nguyên chất thì khi nấu nước, cho thêm vài lá khóm vào đun sôi cùng.

Theo Công Lý