Hậu táng là một tập tục đã tồn tại lâu đời ở Trung Hoa.

Trải qua nhiều triều đại, có nhiều vị vua đã bỏ ra không ít nhân lực, tài lực để xây dựng lăm tẩm, địa cung cho mình. Để ngăn chặn những kẻ có dã tâm đối với những ngôi mộ cổ này, người xưa đã bố trí nhiều loại bẫy, ám khí trong huyệt mộ.

Hệ thống ám khí bảo vệ lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Từ hơn 2000 năm trước, cổ nhân đã bắt đầu bố trí các phương pháp bảo vệ trong mộ huyệt. Loại phương tiện này có thể bắn chết kẻ trộm mộ, cũng có mục đích giết một người răn trăm người để ngăn chặn những kẻ có ý đồ bất chính.

Nỏ xuất hiện từ thời Xuân Thu, có thiết kế tương đối linh hoạt để khống chế tầm bắn. Nguyên lý hoạt động của nỏ và cung tương đối giống nhau. Tuy nhiên dù mũi tên bắn từ cung có thể bay xa hơn, lực sát thương cũng mạnh, nhưng lại có nhược điểm là tiêu hao thể lực.


Mẫu thiết kế của một chiếc nỏ thời xưa.

Sở hữu lực sát thương rất mạnh, nỏ cũng là loại ám khí được trang bị trong lăng mộ của Tần vương Doanh Chính để trừng trị những kẻ có ý đồ xâm nhập.

Mục “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên có ghi chép: “Khi Tần Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai người đào núi Ly Sơn.

Đến khi thôn tính được thiên hạ, ông tiếp tục cho 70 vạn người đến xây lăng mộ, đào ba con suối, đưa đồng nung vào làm quách. Những đồ quý báu từ các cung điện và những món đồ được cống tặng, tất cả đều được đưa xuống địa cung cất giữ.

Sau đó, Tần vương lại sai thợ làm máy bắn tên, cứ có ai đào lên và đến gần là bắn.”

Việc bố trí bẫy nỏ trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng cụ thể ra sao, cho tới ngày nay vẫn chưa có cách nào xác định.

Tuy nhiên thông qua khai quật đường hầm binh mã, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra loại nỏ làm từ chất liệu gỗ “Chá” (gỗ dâu) lấy từ Nam Sơn. Loại vũ khí này là "kình nỏ" (siêu nỏ), sở hữu tính năng và lực sát thương rất mạnh.


Mô hình tái hiện loại "kình nỏ" (siêu nỏ).

Theo ước tính của các học giả, loại nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tầm bắn lớn hơn 800 mét, sức căng lên tới hơn 350kg và tự động vận hành.

Vì trong lăng Tần Thủy Hoàng có giấu một lượng lớn các loại trân kỳ dị bảo quý giá, nên ở ngay trên cánh cửa và lối vào đều bố trí nỏ. Nếu có kẻ xâm nhập mộ huyệt, khi tiến vào sẽ không tránh khỏi việc dẫm lên các nút khởi động nỏ, sau đó rơi vào tầm bắn xạ kích.

Cách làm này sau đó được các đời sau kế thừa, áp dụng trong việc xây dựng lăng mộ các thời Hán, Đường và được tiếp tục nghiên cứu, phát triển thành tua bin trong quan tài để phục kích đạo chích.

Các tua bin này được lắp đặt ở vách quan tài, vận hành giống như ròng rọc hiện đại.

Nắp quan tài có dây thừng gắn với ròng rọc. Các ròng rọc này lại liên kết với hệ thống cung có tên tẩm độc. Nếu có kẻ phá quan tài, dây thừng thông qua tua bin sẽ khởi động cung để bắn kẻ xâm nhập.

Những cạm bẫy tinh vi và thủ đoạn đối phó của “mộ tặc”

Mặc dù hệ thống bẫy được bố trí công phu, nhưng nếu kẻ trộm nắm được động cơ hoạt động sẽ có thể tìm cách phá giải và xâm nhập mộ huyệt. Xét thấy cung, nỏ khi bắn sẽ có một giới hạn nhất định, nên các triều đại sau đó đã phát minh ra kiểu bẫy liên hoàn.


Kết cấu của bẫy liên hoàn.


Bẫy đao được bố trí trong lăng mộ của một vị tướng Trung Quốc thời cổ đại.

Kiểu bẫy liên hoàn này dùng một cái hố sâu tầm 3 mét, độ rộng hẹp tùy vào quy mộ lăng mộ. Phía dưới hố có cắm các lưỡi dao dài chừng 10cm, bên trên có tấm ván gỗ, ở giữa có trục, mặt dưới còn treo một số vật nhỏ có cùng trọng lượng.

Bề mặt trên hố rất bằng phẳng, được che đậy cẩn thận.


Cơ chế hoạt động của bẫy liên hoàn.

Nếu kẻ trộm mộ bước lên ván gỗ, phiến gỗ sẽ nhanh chóng lật, làm kẻ đó rơi xuống hố đao phía dưới. Những lưỡi đao này sẽ xuyên qua lục phủ ngũ tạng, khiến kẻ này không còn khả năng sống sót.

Một loại bẫy có công năng tương tự như kiểu bẫy liên hoàn là kiểu bẫy dùng xích sắt treo đá.


Xích sắt dùng để treo đá.

Loại bẫy này sử dụng các ròng rọc kim loại được bố trí tại những vách tường kín đáo bên trong huyệt mộ. Hệ thống ròng rọc này được dùng để điều khiển các phiến đá lớn bên trong mộ.

Nền của mộ đạo được bố trí một số phiến gỗ liên kết với xích sắt, kết nối cùng động cơ ròng rọc ẩn trong vách tường. Khi có tác động của ngoại lực, hệ thống này sẽ khởi động khiến phiến đá khổng lồ kia rơi xuống.

Hình dáng của loại bẫy này được bố trí tùy theo quy mô của lăng mộ. Đá treo trên đỉnh hầm mộ có thể được bố trí tới ba lớp liên kết hoặc tách biệt với nhau. Những phiến đá khổng lồ này được gắn cùng với dây xích thông qua lỗ đục phía trên.

Dưới thời Dân quốc, nông dân vùng Thanh Châu (Sơn Đông) trong khi làm ruộng đã vô tình phát hiện ra một ngôi mộ cổ. Mộ huyệt phía trên có đá treo, phía dưới có hầm đao. Khi ấy, bên trong mộ ứ đọng rất nhiều nước.

Sau khi tháo nước, người dân mới bàng hoàng phát hiện ra bộ xương của hai kẻ trộm mộ trong hầm đao.

Tiến vào sâu hơn, những người này còn tìm thấy một số thang gỗ đã mục nát. Không khó để nhận ra rằng những kẻ trộm sau đó đã dùng thang gỗ để tránh khỏi các hệ thống ám khí được bố trí trong mộ.

Những công trình "bẫy người" công phu trên cho thấy, cuộc đấu trí giữa cổ nhân và những kẻ trộm mộ thực sự khiến hậu thế không khỏi rùng mình.

Theo Soha.vn/Trí Thức Trẻ