Sai lầm khi sử dụng quần tất

Quần tất thường được may từ hỗn hợp các vật liệu nhân tạo, gồm cả Spandex và nylon. Những loại sợi này giữ ấm và giữ ẩm, tạo ra môi trường hoàn hảo cho các vi khuẩn và nấm sinh trưởng.

Trang Everyday Health dẫn lời bác sĩ , tiến sĩ Radhika Rible cho biết, các đặc tính này có thể khiến một phụ nữ bị nhiễm trùng nấm hoặc nhiễm trùng tiết niệu (UTI), đặc biệt nếu cô ấy không mặc quần lót coton dưới quần tất bó chặt.

Tuy nhiên, ngay cả với quần lót đóng vai trò như lớp bảo vệ, các chất liệu giữ nhiệt và ẩm của quần tất cũng có thể gây rắc rối ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nơi người phụ nữ toát mồ hôi, kể cả đôi chân.

Chẳng hạn như, quần tất có thể là thủ phạm giấu mặt khiến các quý cô bị nhiễm nấm ở chân, khiến chân sưng tấy và ngứa ngáy.

Vấn đề về độ ẩm càng trở nên trầm trọng do thực tế rằng, quần tất thường được mặc bó sát vào da và đó có thể một nguyên nhân gây mụn.

Trang The Cut dẫn lời chuyên gia da liễu, tiến sĩ Carlos Charles giải thích: "Mồ hôi đọng lại trên cơ thể suốt thời gian dài sẽ dẫn tới sự phát triển quá mức của các vi khuẩn, có thể làm tình trạng mọc mụn nặng hơn".

Tất cả các vấn đề sức khỏe nói trên có thể xảy ra sau chỉ 1 lần diện quần tất, đặc biệt vào một ngày đặc biệt nóng ấm. Tuy nhiên, khả năng mắc nhiễm trùng hoặc kích ứng da tăng lên sau nhiều lần mặc quần tất không giặt, khi vi khuẩn đã nhân lên gấp bội.

Không may là, theo khảo sát của trang Women's Health, chị em phụ nữ có xu hướng trì hoãn việc giặt quần tất tới vài lần mặc hoặc cho đến khi chúng bị bẩn hoặc có mùi hôi.

Ngoài ra, nhiều người cũng ngại giặt quần tất thường xuyên vì lo sợ làm hỏng các sợi vải mong manh.

Bên cạnh đó, nhiều chị em có thói quen giặt chung quần tất, nhưng bạn phải hết sức lưu ý là không giặt máy hoặc chung với tất cả các loại quần áo khác.

Hầu hết quần tất đều cần được giặt bằng tay thì nó mới giữ được lâu và không bị xù bông. Những bông xù sẽ làm cho da bị ngứa ngáy và nổi mẩn.

Và bạn cần lưu ý là các loại quần jeans hay quần tất ôm sát cơ thể sẽ tạo được sự lôi cuốn cho người mặc do khoe được những đường cong cơ thể.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học tại Anh quốc, những người thường xuyên mặc ôm bó chặt rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu, xoắn tinh hoàn (buồng trứng), gây suy yếu chức năng bàng quang.

Những lưu ý khi dùng quần tất

Giặt đúng cách

Do tất quá mỏng, nên bạn tuyệt đối không giặt bằng máy giặt, thậm chí, khi giặt tay, bạn cũng không nên sử dụng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh mà nên vò nhẹ bằng dầu gội đầu hoặc sữa tắm rồi bóp nhẹ chứ ko vắt.

Nên phơi tất ở những nơi thoáng gió, tránh nắng gắt. Khi phơi, bạn cũng không nên dùng kẹp để tránh xước tất, bên cạnh đó, bạn nên tránh phơi tất giấy cạnh các trang phục có khóa sắt hay những vật sắc cạnh.

Có một mẹo nhỏ khi giặt để tất bền hơn. Sau khi đã giặt sạch tất, bạn cho một ít giấm vào chậu nước ấm rồi ngâm đôi tất. Khoảng 15-20 phút sau, bạn hãy đem phơi khô.

Đối với những loại tất dày dặn hơn, bạn có thể giặt máy nhưng tránh rách bằng cách buộc tròn đôi tất lại và cho vào túi giặt nhỏ dành cho đồ lót.

Mẹo xử lý tất mới trước khi sử dụng

Tất vừa mua về, bạn hãy cho vào ngăn đá tủ lạnh để khoảng một ngày rồi mới lấy ra dùng. Nó sẽ bền và dai hơn, nên nhớ cách này chỉ dùng cho tất mới thôi, tất dùng rồi đã bị dão sẽ không có tác dụng.

Theo Khỏe & Đẹp