Sân Mỹ Đình được khánh thành vào năm 2003 - Sea Games 22, chẵn tròn 2 chục năm. Những tấm vé xem bóng đá hồi đấy được bán ở sân theo kiểu trực tiếp, có quầy vé trong sân rồi người dân xếp hàng chen nhau để vào mua vé.

Một thanh niên đầu gấu, trong lúc ngồi chồm hỗm trong hàng để chờ mua vé, bị chen mạnh quá, đã không kiềm chế được mà đứng vụt dậy, rút thắt lưng da rồi vụt tứ tung vào những người xung quanh, tạo ra sự hỗn loạn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được cái cảnh tượng có phần man rợ ấy mà mình tình cờ được chứng kiến.

Cái sân Mỹ Đình xuất hiện, nó đã làm thay đổi cuộc đời, tác động đến cuộc sống của người dân 2 cái làng ở gần đó. Sân được xây, đô thị hóa một góc Thủ đô, một số nhà có tiền đền bù đất, hoặc bán đất khi giá đất khu vực đó bỗng lên vùn vụt. Tự dưng có đống tiền, và một số con em bỗng hóa thành lông bông, cờ bạc bóng bánh hoặc dính vào ma túy.

Sân Mỹ Đình, những chiếc vé và lòng tham-1
Cảnh mua bán vé nhộn nhịp trước cổng SVD Mỹ Đình (ảnh: Toàn Vũ).

Những năm ấy, tôi ở trọ trong cái làng gần sân nên biết. Vài nhà có tiền, còn đất và khôn ngoan tỉnh táo thì xây dãy nhà trọ cho sinh viên thuê. Còn lại hình thành nền "công nghiệp kinh doanh" ăn theo sân Mỹ Đình: ra trông xe, bán trà đá, và nhỡ con có nghiện hoặc "báo nhà" vì nợ cờ bạc, thì mẹ ra cửa sân bán vé thuê.

Cơn sốt đất cát đi qua, tiền hết dần, cả nhà "làm vé" kiếm thêm. Ban đầu là phải tiến hành mua gom vé.

Trước trận đấu bóng đá lớn, khi có lịch bán vé, là được thuê, huy động từ trước để ra xếp hàng. Làng mình gần sân mà, 4h sáng đã ra rồi. Xếp hàng lấy được tích kê, mua được vé rồi thì được trả công, lại xoay vòng ra xếp hàng mua tiếp.

Vé mua được mang ra bán giá cao, lực lượng bán chủ yếu là phụ nữ trung niên, bị chụp đưa lên báo và gọi là "phe vé". Thực ra chỉ bán thuê, kiếm chút tiền công.

Vé bán qua đường công văn, thì dân phe vé cũng ngay lập tức nghĩ ra được trò làm mấy con dấu "củ khoai" có tên công ty, rồi mang công văn vào Liên đoàn bóng đá Việt Nam đăng ký. Rồi theo một cách nào đó, cũng kiếm ra được ít vé, mang ra cửa sân bán.

Công nghệ làm thay đổi nhiều điều trong cuộc sống, và cũng thay đổi luôn cách bán vé. Công nghệ chấm dứt kiểu bán vé trực tiếp xếp hàng chen chúc khốn khổ kiểu cũ. Vé được bán qua các ứng dụng, các app, và tôi đã từng dễ dàng đặt được một cặp vé đi xem chung kết SEA Game 31 năm 2022 cho người thân.

Và từ ngày có app, thì ai ai cũng thành "phe vé". Lực lượng phe vé, bán vé giờ đây không chỉ còn là mấy bà mấy cô ở 2 cái làng gần sân, mà chuyển thành Gen Z (là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012), thành học sinh, sinh viên, nhân viên công sở.

Có app, ai cũng có thể đặt cái vé, rồi thành "phe" trên chợ online, hoặc không bán online được thì ra cửa sân mà bán.

Giá vé cho show diễn của Blackpink rất cao, ai hâm mộ có ý định đi xem ngay từ đầu thì mới đặt mua, những người trót mua rồi mà không đi được thì rất ít. Còn lại, đông, rất đông, là nằm ở nhóm ủ mưu mua đi bán lại rồi kiếm tiền chênh.

Khoảng 67.000 vé được bán ra cho 2 đêm diễn, các em mong gì ở việc tấm vé 7-8-10 triệu có thể bán lên gấp 2, gấp 3? Tiền đâu dễ kiếm vậy. Đã làm ăn, đã đầu tư, thì phải am hiểu thị trường, am hiểu cả các yếu tố khác, tình hình thực tế của đời sống nữa.

Sân Mỹ Đình, những chiếc vé và lòng tham-2
Trên mạng xã hội, không ít người nói vui rằng hội "phe vé" Blackpink là những người đen đủi nhất khi đầu tư sai chỗ (Ảnh: Ong Thùy Dương).

Dạo trước, ông Park là "cơn ác mộng" của dân phe vé. Vì sao? Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông HLV đầu hói người Hàn liên tục vô địch hết AFF Cup đến SEA Games. Vé chợ đen chỉ cao được đúng lần vô địch AFF Cup đầu tiên, sau đó thì sụt dần.

No nê danh hiệu rồi, ai còn khát nữa, nhạt bớt đi. Trận chung kết AFF Cup cuối cùng thời ông Park, ta thua Thái Lan, vé chợ đen bán online chênh có 500 nghìn 1 cặp, bán mãi mới có người mua. Đó là bóng đá, thứ già trẻ trai gái đều máu đều mê. Nhạc Hàn chỉ một nhóm nhỏ thích mà thôi.

Từ dạo dịch tới giờ, kinh tế nhiều mặt khó khăn, sức mua, sức chi tiêu giảm, ủ mưu đầu tư ít vé (giá gốc đã rất cao) rồi bán lên gấp vài lần, đấy là một phi vụ hoàn toàn sai lầm. Trong kinh doanh, mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt. Tham, thì lỗ.

Tôi tình cờ cũng biết một nhóm bạn trẻ, các em đang làm một dự án nhỏ, được công ty trả tiền. Trước đó thì cũng bỏ cả buổi săn vé rồi. Cả tuần nay, công việc đình trệ, vì các em còn đang mải "pass vé" Blackpink.

Lương thì các em vẫn nhận, nhưng đến công ty, bật điều hòa mở máy tính gọi trà sữa uống, rồi ngồi cả ngày vào mấy nhóm pass vé, dùng nick ảo để bán bán mua mua, chưa bán được nên công việc thôi cứ kệ.

Cái sân Mỹ Đình tròn 2 chục năm tồn tại, vẫn đang bị thanh tra vì nợ thuế đất đến mấy trăm tỉ. Ở cửa sân, từ trận bóng đá lớn, đến buổi diễn của "Đen Hồng", cái chợ vé lôm nhôm, lộn nhộn vẫn cứ tồn tại. Từ mấy bà phe vé chen thuê bán thuê của ngày trước, cho đến bây giờ là những bạn trẻ của thời 4.0, vẫn cứ quay cuồng với mấy cái vé, bán bán mua mua.

Thời đại của app, của công nghệ rồi, giới trẻ tiến bộ nhiều, giỏi giang năng động hiện đại lắm, mà lại vẫn cứ ủ mưu, khôn vặt, tham tham như này, thì có vẻ không ổn lắm.

Theo Dân trí