"Tử vong do chảy máu sau sinh"
Ngày 15.7, Sở Y tế Bình Định đã có công văn phản hồi về việc sản phụ Phan Thị Yến Linh (29 tuổi, ngụ xã Mỹ Quang, Phù Mỹ) tử vong bất thường sau khi sinh tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ.
Theo đó, lúc 7h30 ngày 24.6, sản phụ Linh nhập viện sinh con thứ hai tại trung tâm trên và được bác sĩ cho sinh thường.
Đến 12h45, sản phụ có dấu hiệu choáng, lơ mơ, môi tím, gọi hỏi không trả lời, mạch, huyết áp, tim thai tụt giảm. Các bác sĩ hồi sức sau 5 phút thì sản phụ dần hồi phục, ổn định. Đến 13h, cổ tử cung mờ hết, go tử cung 3 cơn/phút, đầu lọt, chỉ định sinh thường, tăng go tử cung bằng thuốc.
Đến 13h10, sản phụ sinh thường bé trai bị ngạt tím. Sau khi sinh, sản phụ ra nhiều máu từ buồng tử cung... Bệnh diễn biến nặng nên được hội chẩn chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lúc 13h45.
Dọc đường chuyển viện thì bệnh chuyển biến nặng, sản phụ được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước (Bình Định) cấp cứu nhưng không có kết quả. Đến khoảng 15h cùng ngày, sản phụ tử vong.
Nhân viên kíp trực tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ có sai sót. Ảnh: D.T
Sở Y tế Bình Định nhận định, nguyên nhân tử vong của sản phụ Phan Thị Yến Linh là chảy máu sau sinh nặng do đờ tử cung/nghi rách cổ tử cung khi sinh. Đây là trường hợp bệnh khó, diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là biểu hiện choáng trong quá trình chuyển dạ, chảy máu sau đẻ, đờ tử cung sau đẻ khó xác định nguyên nhân.
Chảy máu sau đẻ là tai biến sản khoa thường gặp nhất trong các tai biến sản khoa và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trên thực tiễn lâm sàng, việc chẩn đoán nguyên nhân và xử lý chảy máu sau sinh trong nhiều trường hợp là rất khó khăn và khó kiểm soát, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.
Yêu cầu kiểm điểm cá nhân sai phạm
Theo ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định, nhân viên y tế kíp trực có sai sót là chưa theo dõi sát sản phụ trong quá trình khởi phát chuyển dạ. Trong quá trình cấp cứu sản phụ, bác sĩ trực chưa kịp thời chỉ định truyền máu, sử dụng các loại thuốc vận mạch cho bệnh nhân, chưa đề nghị hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên. Kíp trực chỉ định chuyển viện khi tình trạng người bệnh nặng, chưa ổn định là chưa phù hợp.
“Nguyên nhân của các tồn tại, sai sót trên là do việc theo dõi sản phụ chưa sát trong quá trình chuyển dạ. Năng lực chuyên môn của nữ hộ sinh, bác sĩ sản khoa, bác sĩ trực viện còn hạn chế trong cấp cứu sản khoa nên mất bình tĩnh, chỉ định điều trị, chuyển tuyến chưa phù hợp. Mặt khác, tình trạng thiếu nhân lực bác sĩ là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc thực hiện quy chế thường trực chưa đảm bảo yêu cầu theo quy chế bệnh viện” - ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ thực hiện kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân có khuyết điểm. Thăm hỏi động viên gia đình sản phụ, có giải pháp chăm sóc cho con của sản phụ Linh. Sở Y tế cũng chỉ đạo rút kinh nghiệm trong toàn ngành đối với trường hợp này. Đồng thời, cử 1 bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường cho Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ từ 17.7 đến hết năm 2017.
Theo Dân Việt