Ngay từ tập đầu phát sóng, Cây Táo Nở Hoa đã thu hút khán giả nhờ các tình tiết xoay quanh câu chuyện giản dị về các thành viên gia đình Ngọc (Thái Hòa).
Dàn diễn viên được khen ngợi về diễn xuất. Đây cũng là bộ phim truyền hình được đầu tư chỉn chu từ bối cảnh, ánh sáng, máy quay...
Đạo diễn Thạch Thảo tiết lộ, nhà sản xuất đã đầu tư kinh phí gấp đôi so với mặt bằng của các phim truyền hình khác.
Tuy nhiên, Cây Táo Nở Hoa vẫn có nhiều điểm trừ.
Nút thắt được gỡ đơn giản
Ở tập 30, Ngà (Trương Thế Vinh) bị tạm giam vì có nhiều đơn tố buôn bán hàng giả, kém chất lượng. Tất cả các tài liệu, hợp đồng đều không thể giúp anh thoát tội. Tuy nhiên, Thu (Oanh Kiều) đã cung cấp bằng chứng, chứng minh người đứng sau mọi việc là Hải.
Trước khi Thu đến trao tài liệu cho công an, cô đã bị giam giữ tại địa điểm sản xuất mỹ phẩm giả. Cảnh Thu "tương kế tựu kế" để thoát khỏi tay xã hội đen diễn ra khá đơn giản, có phần gượng gạo.
Khán giả đặt câu hỏi: Một cô gái kiệt sức, mất nước và cầm một đạo cụ nhỏ liệu có đủ sức mạnh đánh khiến gã đàn ông bặm trợn nằm bất động?
Cảnh Thu trốn khỏi gã giang hồ bặm trợn được dàn dựng có phần gượng gạo. Ảnh: Chụp từ màn hình.
Xem phim, khán giả cảm thấy cú đánh của Thu hoàn toàn thiếu sức mạnh. Gã đàn ông kia không hề chảy máu nhưng vẫn kịp run run và nằm bất động dưới sàn.
Khi Thu chạy ra ngoài, bất ngờ gặp nhóm người sản xuất mỹ phẩm giả đang uy hiếp Mê Trần. Lúc này, dù đứng núp ở một bên nhà, Thu cũng kịp quay lại toàn bộ sự việc với góc máy khá cận. Điều này thiếu thuyết phục bởi lẽ một người quay lén không thể có góc máy cận, rõ nét từng chi tiết như thế.
Tiếp đó, cảnh Thu được đưa vào bệnh viện chăm sóc cũng được lý giải không hợp lý. Bác sĩ chẩn đoán cô bị kiệt sức, mất nước, chấn thương phần mềm. Cô phải nằm viện bất tỉnh đến hai ngày. Và khi tỉnh dậy, cái thai trong bụng cô vẫn an toàn.
Chi tiết Thu nằm bất tỉnh hai ngày cũng thiếu thuyết phục. Ảnh: Chụp từ màn hình.
Rõ ràng lý giải liên quan đến sức khỏe, y khoa trong trường hợp của Thu khó được khán giả đồng tình. Đa số ý kiến cho rằng việc nằm bất tỉnh suốt hai ngày thường liên quan đến chấn thương nặng.
Hóa trang giả
Trong phim, Hồng Ánh được khen ngợi khi để mặt mộc hóa thân vào vai Hạnh. Không cần trang điểm kỹ lưỡng, nữ diễn viên vẫn nhận nhiều tình cảm của khán giả bởi diễn xuất biến hóa, đa dạng. Hơn hết, việc không son phấn khiến khán giả cảm thấy Hạnh chân thật, đời thường.
Đáng tiếc, trong những phân cảnh có dàn diễn viên phụ, đạo diễn và ê-kíp đoàn phim lại thể hiện sự thiếu chỉn chu. Chẳng hạn, với phân đoạn hàng trăm người phụ nữ bị hỏng da mặt vì mua mỹ phẩm của Ngà ở tập 30 được dàn dựng sơ sài. Cụ thể tất cả đều được đánh một khối hồng đậm trên má. Người xem bật cười vì cách hóa trang kiểu sân khấu, giả tạo như vậy.
Diễn viên phụ được hóa trang giả trân. Ảnh: Chụp từ màn hình.
Ở những tập đầu của phim, cảnh bà Ích (Mỹ Duyên) túm tóc, đánh nhau với một người phụ nữ lớn tuổi vì bị cướp bồ cũng được thực hiện sơ sài, thiếu chân thực. Theo đó, hai người phụ nữ ghen tuông lồng lộn, lao vào đánh nhau nhưng sau đó tóc, quần áo vẫn gọn gàng, thẳng nếp.
Đẩy kịch tính nhưng bị chê gượng gạo
Ở tập 30, phim có nhiều cảnh cảm động song người xem cũng nhặt được không ít sạn. Trong đó, cách xây dựng tình huống khiên cưỡng khó làm khán giả đồng cảm. Đó là sự xuất hiện của bà Ích trong đám cưới của Châu. Bà chỉ đến chớp nhoáng nhưng đã nhanh chóng ôm được thùng tiền mừng của cô dâu chú rể.
Tình tiết bà Ích trộm thùng tiền mừng của con gái cũng bị đánh giá vô lý. Ảnh: Chụp từ màn hình.
Nhiều ý kiến cho rằng người ngồi nhận thiệp mừng trong đám cưới đều là người nhà hoặc rất thân với cô dâu và chú rể. Bản thân Châu hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của mẹ cô. Vì vậy, thật vô lý khi hai người bạn của Châu nhanh chóng giao thùng tiền cho một người lạ mặt - tự xưng là mẹ cô dâu.
Đạo diễn cần gia tăng kịch tính, đẩy tình tiết lên cao trào nhưng cũng không nên quá tham. Điều này có thể tạo nên tác dụng ngược, khiến người xem cảm thấy vô lý, lê thê, mệt mỏi.
Theo Zing