LTS: Sang cát, sửa sang mộ phần cho người quá cố vào mỗi dịp cuối năm với các gia đình Việt được coi là đại sự. Bởi đây không chỉ là việc quan tâm, chăm sóc của người sống cho người đã khuất mà còn liên quan đến quan niệm “phát” hay lụi bại trong làm ăn của con cháu trong gia đình. Vì thế, các họ thường rất cẩn thận, cầu kỳ, thậm chí tốn kém. Loạt bài “Sang cát, sửa sang mộ phần cuối năm” sẽ giúp bạn đọc có cách hiểu và làm đúng trong việc tâm linh này.
Một đêm hàng chục nhà cải táng
Một gia đình chuyển “nhà mới” cho người quá cố. Ảnh: P.T
Ngày thường tại nghĩa trang Hoan Ái (ở Tân Việt, Yên Mỹ, Hưng Yên) khá hoang vắng, thế nhưng từ đầu tháng Chạp nơi đây náo nhiệt hẳn. Người ta tranh thủ chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng ra các nghĩa địa để sửa sang, xây cất mộ nhộn nhịp như ở công trường. 1 giờ sáng, nghĩa trang bắt đầu sáng đèn. Những gia đình cải táng cho người thân kéo điện, mang đèn, dựng rạp che kín phần mộ để tiến hành cải táng.
Có mặt ở một đoàn đi sang cát, tôi được “mục sở thị” việc làm của người sống cho người đã khuất. Đêm ấy ở nghĩa trang có hai nhà cải táng cho người quá cố. Trong không gian tĩnh mịch của nghĩa trang ngày đông bỗng nhộn nhịp hơn thường ngày. Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn điện, gió thổi mạnh, đến giờ tốt ván thiên được mọi người bật mở. Giữa đêm đen, mùi khó chịu từ áo quan chôn lâu dưới đất xộc lên.
Những người “phu mộ” nhẹ nhàng nhặt từng chiếc xương rửa bằng nước "ngũ vị", rồi đặt sang chiếc tiểu sành có lót một tấm vải đỏ. Tất cả các chi tiết xương đều được xếp theo thứ tự như một bộ hài cốt hoàn chỉnh. Khoảng một tiếng sau, việc bốc mộ được hoàn thành. Những người bốc mộ giao hài cốt cho gia đình hoặc đem hài cốt đặt vào “nhà mới”, tùy theo yêu cầu của gia đình. Cuối cùng, tiểu sành được đem đi chôn cất ở một nơi cao ráo hoàn tất việc “chuyển nhà mới” cho người quá cố.
Ông An, quản trang của nghĩa trang Hoan Ái cho biết, cứ mỗi dịp cuối năm, việc sửa chữa, cải táng lại nhộn nhịp. Có năm một đêm hơn chục nhà tiến hành cải táng. Hôm ấy nghĩa trang như có “hội”. Theo tục lệ, sau 3 năm là có thể thực hiện công việc cải táng. Gần đây, do sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là các hóa chất điều trị ung thư, xác lâu phân hủy hơn rất nhiều. Có những trường hợp sau 10 năm bốc lên vẫn còn dính thịt tại các khớp xương. Bởi vậy, nhiều gia đình thường để 5 – 6 năm mới bốc. Trước việc bốc mộ thường do người trong gia đình làm nhưng đa phần hiện các gia đình thuê những người hành nghề chuyên nghiệp mà người ta thường gọi là “phu mộ”.
Tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Hòa Bình) ngay từ tờ mờ sáng dòng người cũng đã nườm nượp đến đây để chuẩn bị “thay áo” cho người thân. Có mặt tại đồi Kim Quy, gia đình ông Lê Cường (ở Hà Nội) đang tiến hành các thủ tục làm lễ để “chuyển nhà mới” cho ông. Một thành viên trong gia đình chia sẻ: “Tháng 3 năm nay, anh tôi mất đã được hỏa táng gửi tro cốt ở Văn Điển. Khi biết Lạc Hồng Viên là công viên nghĩa trang có đường sá đi lại tiện lợi, gia đình họp bàn và mua 120m2 đất ở đây với giá 15 triệu/m2. Cuối năm là thời điểm cải táng nên gia đình quyết định chuyển “nhà mới” cho anh ấy. Ở đây mộ phần có dịch vụ chăm sóc chu đáo, gia đình cũng thấy an lòng hơn”. Gần ngay bên cạnh, một vài gia đình khác cũng đang tất bật công việc sửa sang mộ phần.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu cho hay, hôm nay không chỉ có gia đình nhà ông Cường mà còn 9 gia đình khác đưa phần mộ lên đây. Để lo cho người quá cố, mai táng mới chỉ là “thủ tục” đầu tiên, còn cải táng hay còn gọi là thay áo, sang cát, bốc mộ… mới là công việc cuối. Việc xây mộ sang cát, di chuyển âm phần về một nơi sinh sống mới là thể hiện lòng hiếu thảo, hiếu đạo của gia đình mong những điều tốt đẹp nhất dành cho người quá cố.
Từ những ngày cuối thu, công tác xây dựng, chuyển mộ, tu sửa ở đây đã bắt đầu tấp nập. Nhiều gia đình người thân của họ mất vào các tháng khác trong năm, lưu tro tại một nơi khác rồi cuối năm mới tiến hành đưa lên công viên nghĩa trang.
Những lưu ý khi sang, sửa mộ phần cho tốt
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, việc bốc mộ với các gia đình Việt được coi là đại sự, không chỉ là việc chăm sóc cho người đã khuất mà còn liên quan đến sự hưng suy của gia tộc, đến chuyện “phát” hay lụi bại của con cháu nhiều đời. Vì thế, các gia đình thường rất cẩn thận, “cầu kỳ”. Quan trọng nhất trong công việc cải táng, sang cát là phải xem tuổi của người đứng ra làm (con trưởng) trong năm có ý định sang cát có phù hợp để thực hiện. Cùng với đó, xem hướng đặt mộ, chọn vị trí đặt mộ, kích thước để xây lăng mộ sao cho hợp với phong thủy.
Tùy điều kiện mỗi gia đình xây mộ to hay nhỏ nhưng các gia đình rất cẩn thận tính toán, đòi hỏi chính xác từng centimet kích thước bề ngang, dọc, sâu bao nhiêu khi xây dựng phần âm trạch. Các gia đình cần phải áp dụng theo các chỉ số đo kích thước 4 cung tốt: Cung quý nhân, cung thiên tài, cung phúc lộc, cung tể tướng thì mới giúp cho việc âm dương thuận hòa.
Về hình dáng, các chuyên gia cho rằng có nhiều kiểu mộ khác nhau: Hình chữ nhật, hình tròn, hình trứng ngỗng, hình mai rùa, mộ nấp liếp, mộ trúc cách… Mộ có thể xây hình tròn hay hình chữ nhật đều được. Nhưng có một nguyên tắc cần nhớ là trên mộ phải có cỏ xanh. Đó là cửa giao lưu thông thoáng âm dương, giúp cho mộ luôn nhận được sinh khí và cân bằng âm dương khí. Các gia đình có thể trang trí ngôi mộ cho người quá cố bằng ốp gạch bao quanh, trên có trồng cỏ, trồng hoa. Nhà có điều kiện họ xây dựng ngôi mộ với đá nguyên khối và chạm khắc đường nét tỉ mẩn.
Điều tối kỵ là trồng cây lớn cạnh mộ. Theo thuật phong thủy, trồng cây lớn trước mộ hoặc chôn mộ gần gốc cây lớn vì có thể dễ cây sẽ quấn vào hài cốt sẽ khiến con cháu ảnh hưởng.
Khi xây dựng huyệt mộ cần chú ý chỉ xây ở xung quanh bằng gạch chỉ và phần dưới cùng, đất phải để nguyên đất huyệt thổ, không được trát vữa hay đổ bê tông vào lòng huyệt. Bởi làm như vậy sẽ ngăn cản địa khí không nhập vào huyệt mộ được. Dưới đáy huyệt phải đánh độ dốc khoảng 3 độ từ đầu tới chân (đầu cao hơn chân). Khi đào huyệt mộ chẳng may gặp phải đất là huyệt hung táng đã cải đi rồi, tốt nhất là tránh ra chỗ khác. Trường hợp bất khả kháng đào hết đất cũ đi đến phần đất liền thổ rồi đặt quách và tiểu chìm hẳn vào lớp đất liền thổ đó. Sau khi lấp huyệt phải dùng đất sạch để lấp.
Cải táng nên thực hiện buổi đêm
Thầy Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (ở Hoà Bình) cho biết: Công việc sang cát, cải táng thường thực hiện vào đêm. Tùy vào việc xem giờ tốt, xấu mà công việc nhặt, rửa xương cốt chuyển sang tiểu sành được tiến hành nhưng nhất thiết phải xong trước khi trời sáng để hài cốt không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bởi người xưa quan niệm, khi mặt trời chiếu vào, phần cốt sẽ bị sạm đen không được tốt. Điều này cũng để hợp với quy luật âm dương và vệ sinh môi trường.
Ban đêm thời tiết lạnh là lúc thích hợp nhất để đưa lên một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều khí và vi sinh vật độc hại có khả năng gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật. Nếu khai quật buổi trưa nắng sẽ tạo ra không khí không tốt cho môi trường xung quanh. Với gia đình chọn phương án hỏa táng, phần cốt được đựng sẵn trong hũ kín thì hoạt động di chuyển có thể diễn ra trong ban ngày.
Theo Gia đình & Xã hội