Giữa tháng 2, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (NRTA) củng cố nghiêm ngặt quy định trả lương cho nghệ sĩ tại showbiz xứ tỷ dân.

Nguyên tắc giới hạn thù lao diễn viên không chiếm quá 40% tổng kinh phí sản xuất, trong đó cát-xê của diễn viên chính không được vượt quá 70% tiền lương của các diễn viên còn lại, một lần nữa được đề cập. Để đảm bảo lệnh giới hạn lương được thực hiện nghiêm túc, NRTA thông báo sẽ liên tục mở các cuộc tổng thanh tra thu nhập, rà soát chi phí sản xuất trong ngành giải trí từ năm 2022 đến năm 2027.

Nhà sản xuất Giang Giang khẳng định với Sohu, mức thù lao hàng chục triệu USD đã biến mất khỏi showbiz Trung Quốc. "Sau hàng loạt động thái xử lý mạnh tay các ngôi sao vi phạm, bài trừ 'văn hóa vùng cấm' từ cơ quan quản lý vào năm ngoái, không còn nghệ sĩ nào dám hét giá thù lao. Hãy quên đi thời sao được nhận lương cao ngất trời", Giang Giang cho biết.

Sao Trung Quốc bị giảm nửa giá cát-xê

Theo giám chế Tạ Hiểu Hổ, thù lao của diễn viên Trung Quốc đã giảm 30-50%, ngưỡng giới hạn hiện nay là 6,2 triệu USD. Con số này thấp hơn 2,8 triệu USD so với năm 2021, thời điểm lằn ranh đỏ cát-xê với các ngôi sao tên tuổi là 9 triệu USD.

Ông cho biết lớp nghệ sĩ hạng A từng nhận mức cát-xê trung bình 12,5-14 triệu USD trong lĩnh vực phim truyền hình hay show giải trí, nay con số này giảm hơn một nửa. Lứa nghệ sĩ trẻ Trung Quốc hiện cũng chỉ thu về 740.000 USD/dự án, thay vì con số 1,5-3 triệu USD như trước.

Sao hạng A Trung Quốc hết thời làm triệu phú nhờ đóng phim-1Sao hạng A Trung Quốc hết thời làm triệu phú nhờ đóng phim-2Sao hạng A Trung Quốc hết thời làm triệu phú nhờ đóng phim-3Sao hạng A Trung Quốc hết thời làm triệu phú nhờ đóng phim-4
Các ngôi sao hạng A hay có danh tiếng cao trên thị trường chỉ được nhận tối đa 6,2 triệu USD thù lao. Ảnh: Sina.

Nhà sản xuất Giang Giang tiết lộ một nữ diễn viên nằm trong top Tiểu hoa đán 8X, từng được trả 7,8 triệu USD/show truyền hình, nhưng đã bị giảm một nửa giá vào ngày trở lại ngành sau khi sinh con. "Nhà sản xuất đưa thẳng con số 3,1 triệu USD để cô ấy suy nghĩ ký hoặc không ký. Với tình hình khó khăn hiện tại, nữ diễn viên đó dù không muốn cũng đành nhận việc", Giang Giang nói.

Giang Giang cho biết thêm một nữ nghệ sĩ nổi tiếng với thể loại phim lịch sử - chiến tranh cũng có tiền lương tụt dốc không phanh, giảm gần 10 lần so với trước đây. Trước thời bình ổn thù lao, nghệ sĩ này nhận 1,5 triệu USD/phim truyền hình.

Theo Tô Hiểu, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình SMG, showbiz Trung Quốc hiện trải qua làn sóng cắt giảm tiền lương mạnh mẽ, chỉ số ít ngôi sao giữ được giá thù lao ổn định, song số tiền họ nhận về cao nhất cũng chỉ 4,7-5,2 triệu USD. "Cơ quan quản lý văn hóa đang dần loại bỏ văn hóa 'thù lao ngất ngưởng' để đưa ngành giải trí Hoa ngữ thoát khỏi tình trạng làm công cho nghệ sĩ", Tô Hiểu cho biết.

Chấm dứt sự bành trướng của giới nghệ sĩ

Trước khi quy định siết cát-xê được đưa ra, những ngôi sao kỳ cựu như Hoắc Kiến Hoa, Châu Tấn từng bỏ túi hơn 10-16 triệu USD/phim truyền hình. Các tiểu hoa đán nổi tiếng như Dương Mịch, Angelababy, Châu Đông Vũ cũng được trả thù lao hậu hĩnh 12 triệu USD cho mỗi tác phẩm họ tham gia.

Ngô Diệc Phàm được xác nhận thu về số tiền hơn 12,3 triệu USD ở show 72 tầng kỳ lâu vào năm 2017. Trong đó, nhà sản xuất đưa mẹ của nam ca sĩ đi mua sắm hết 900.000 USD để Ngô Diệc Phàm có thái độ hợp tác tốt trong quá trình quay. Năm 2021, Trịnh Sảng từng khiến khán giả "sửng sốt" khi bỏ túi cát-xê 25,1 triệu USD cho 77 tập phim của Thiến nữ u hồn.

Sao hạng A Trung Quốc hết thời làm triệu phú nhờ đóng phim-5
Angelababy giảm 90% thù lao từ năm 2020 để nhận phim mới. Ảnh: Sohu.

Con số cát-xê khổng lồ trên được các ông lớn ngành sản xuất phim Trung Quốc sẵn sàng chi cho các gương mặt hot nhất thị trường để gây chú ý cho dự án.

Cuộc nhúng tay từ hai phía trong vấn đề thu nhập dẫn đến hệ quả lạm phát thù lao mất kiểm soát trong showbiz Hoa ngữ khi nghệ sĩ bành trướng quyền lực, không ngại miệng đòi hỏi lương bổng hậu hĩnh, còn nhà đầu tư vì đáp ứng yêu cầu cũng mạnh dạn chi số tiền lớn để "chiêu dụ" sao.

Điều này dẫn đến chất lượng phim đi xuống do không được đầu đúng mức, tình trạng thiếu công bằng trong cách trả lương và chênh lệch thu nhập gấp hàng trăm lần giữa diễn viên phụ, nhân viên sau máy quay với nghệ sĩ đóng chính.

Theo Tô Hiểu, trước năm 2018, showbiz Trung Quốc là chiến trường "đấu giá" lộn xộn giữa các công ty sản xuất phim. Lợi ích lớn do ngôi sao xu hướng mang lại khiến các ê-kíp dành phần lớn chi phí để mời họ góp mặt trong tác phẩm. Vì muốn giành lấy ngôi sao tiếng tăm nhất, nhà sản xuất mặc nghệ sĩ đẩy thù lao tăng theo bội số đến khi chạm ngưỡng 15 triệu USD.

"Năm 2016, thù lao của diễn viên hạng nhất và hạng 2 tăng gần 250%. Tham gia một dự án, các minh tinh lấy đi 31,3 triệu USD, trong khi chi phí sản xuất là 47 triệu USD", Vương Lôi Thanh - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Shanghai Tienan cho biết.

Vì vậy, thù lao đắt đỏ của nghệ sĩ Trung Quốc từng là vấn nạn nhức nhối, gây bức xúc dư luận trong hơn một thập kỷ qua.

Từ năm 2018, chính quyền Trung Quốc ra quyết định hạn chế mức lương trả cho nghệ sĩ. Theo Tô Hiểu, các ngôi sao tuyến một từng thể hiện sự bất mãn trước việc bị giảm 50% thù lao, nhưng hiện tại mọi người đều chấp nhận thực tế đã qua thời "đóng phim hai ngày mua được penthouse".

Tô Hiểu cho biết hiện tại thu nhập của nhiều ngôi sao giới giải trí Hoa ngữ không chỉ bị suy giảm vì chính sách "bình ổn thù lao", mà còn chịu ảnh hưởng của yếu tố thị trường, danh tiếng và tài năng.

Nhà sản xuất Tiêu Phong tiết lộ hầu hết diễn viên bị khán giả phàn nàn kỹ năng diễn xuất đều nhận thù lao rất thấp, và mất quyền đòi hỏi cát-xê cho dù đó là ngôi sao hạng A. Họ chỉ có thể nhận con số 3,1 triệu USD hoặc thấp hơn cho một dự án truyền hình.

"Cơn địa chấn loạn thuế, cộng với tình hình dịch bệnh và nhiều nghệ sĩ vi phạm bị lột trần như nhộng khiến showbiz Trung Quốc thay đổi", Tô Hiểu nói.

Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình SMG cho biết ba năm qua, ngành sản xuất phim Trung Quốc chứng kiến hàng trăm công ty phá sản hoặc rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Do đó, cơ chế sản xuất độc quyền dần bị triệt tiêu.

Hiện nay, các nền tảng video như iQIYI, Youku, Tencent, Mango nổi lên như những nhà đầu tư, sản xuất và phát hành phim chủ lực. Tuy nhiên, họ không "chịu chơi" đổ những khoản tiền khổng lồ vào túi nghệ sĩ như đơn vị đầu tư phim ảnh trước năm 2018.

"Thù lao của nghệ sĩ Trung Quốc thực sự đã giảm, không phải giảm bình thường mà là giảm sâu", Cung Vũ khẳng định. Trong Hội nghị Kế hoạch hoạt động 5 năm của ngành truyền hình và điện ảnh vừa qua, Giám đốc điều hành iQIYI khẳng định việc hạ giá cát-xê là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc.

Theo Zing