Hôm nay (8-3) đánh dấu tròn 2 năm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cùng 239 nạn nhân khi đang trên đường từ Kuala Lumpur - Malaysia đến Bắc Kinh - Trung Quốc.

Vớt vát thể diện

Chiến dịch tìm kiếm ròng rã đến giờ vẫn chưa đạt kết quả cụ thể. Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB) Martin Dolan - người đứng đầu cuộc tìm kiếm quốc tế - hôm 7-3 tự tin nói chiếc máy bay sẽ được tìm thấy trong 4 tháng tới.

Trước đó một ngày, ông Johnny Begue - người dân trên đảo Réunion (thuộc Pháp) trên Ấn Độ Dương - cho biết mới tìm thấy một mảnh vỡ mới nghi là của MH370. Mảnh vỡ dài 40 cm, rộng 20 cm, có màu xanh lơ ở mặt trên và màu ghi xám ở mặt dưới. Hôm 2-3, một mảnh vỡ khác với vật liệu tương tự mảnh vỡ trên được tìm thấy ở Mozambique, cách đảo Réunion khoảng 2.100 km về phía Tây. Kết quả điều tra liên quan tới mảnh vỡ ở Mozambique dự kiến được đưa ra trong ngày 8-3.

Cho tới nay, mới chỉ có mảnh vỡ đầu tiên - do chính ông Begue tìm thấy hồi tháng 7-2015 ở gần như cùng nơi với mảnh vỡ mới tìm thấy - được xác nhận thuộc MH370.

Khởi kiện nhưng người thân của các nạn nhân vẫn chưa từ bỏ hy vọng MH370 sẽ quay vềẢnh: REUTERS
Khởi kiện nhưng người thân của các nạn nhân vẫn chưa từ bỏ hy vọng MH370 sẽ quay vềẢnh: REUTERS

Kể từ ngày 31-3-2014, ATSB đã dẫn đầu cuộc tìm kiếm MH370 theo giả thuyết được giới chức điều tra tin tưởng, đó là “chuyến bay ma” không có ai điều khiển khi rơi xuống. Theo đó, sau khi hết nhiên liệu, chiếc máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương, phía bờ biển Tây Úc.

Tính đến tháng này, 4 chiếc tàu đã “soi được” hơn 85.000 km2 trong tổng số 120.000 km2 cần tìm kiếm nhưng không có kết quả. Ông Dolan cho rằng MH370 đang nằm ở khu vực 30.000 km2 chưa được rà soát, đồng thời bày tỏ niềm tin chiếc máy bay sẽ được tìm thấy chậm nhất là vào tháng 7 tới - thời điểm cuộc tìm kiếm dự kiến khép lại.

Theo tờ Guardian, lời tuyên bố nghe như một sự đánh cược nhằm giữ thể diện của cuộc tìm kiếm “ngốn” hết 133,3 triệu USD từ Úc và Malaysia, cộng với 14,8 triệu USD và nhiều trang thiết bị từ Trung Quốc.

Hồi tuần trước, báo The Australian (Úc) dẫn lời phi công dày dạn kinh nghiệm Byron Bailey chỉ trích ATSB đã phí phạm 2 năm vì tìm kiếm lạc lối. Viên phi công từng điều khiển cả máy bay chiến đấu RAAF (không quân hoàng gia Úc) và là huấn luyện viên cấp cao của hãng hàng không Emirates trong 15 năm này cho rằng cuộc tìm kiếm bị đẩy quá xa về phía Bắc và phía Đông do những giả thuyết thiếu thực tế của ATSB.

Chưa dứt hy vọng

Từ hôm 6-3, nhiều người thân của các nạn nhân tập trung tại một lễ tưởng niệm tự tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia. Những quả bóng bay màu trắng ghi tên các hành khách cùng dòng chữ “MH370 mãi ở trong tim chúng tôi” được thả lên bầu trời như những lời nhắn gửi tha thiết của những người ở lại.

Không ít thân nhân chưa từ bỏ hy vọng. Trong suốt 2 năm qua, ông Văn Hoàn Thành (ở Trung Quốc) thường mặc chiếc áo in dòng chữ: “Cầu cho MH370 an toàn trở về”. Có cậu con trai duy nhất mất tích cùng MH370, người cha 63 tuổi thật thà chia sẻ về chiếc áo sờn bạc và dòng chữ sắp hoen mờ: “Phải có biểu tượng của cuộc tìm kiếm chứ. Khi mọi người thấy tôi mặc chiếc áo này, họ biết tôi đang tìm con trai!”.

Hôm 7-3, thân nhân của 12 hành khách Trung Quốc đã nộp đơn kiện ra Tòa án Giao thông Đường sắt Bắc Kinh, cơ quan được giao xét xử vụ án MH370.

Khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết thời hạn khởi kiện, một số người lặng lẽ gạt nước mắt, quay sang những người đồng cảnh ngộ mượn khăn giấy trước khi ký vào hồ sơ gửi giới chức tòa án. Đại diện cho nhóm các gia đình nói trên, luật sư Trương Khởi Hoài cho biết dù khởi kiện đòi bồi thường, nhiều người vẫn không khỏi mâu thuẫn dữ dội bởi họ tin người thân của mình còn sống.

Giải thích về quyết định vào giờ chót này, vị luật sư nói: “Họ lo rằng nếu kiện sớm và nhận được tiền bồi thường, Malaysia Airlines sẽ thoái thác trách nhiệm và phủi tay khiến mọi chuyện chìm xuồng”.

Theo Người lao động