Trước đó, theo Lao Động đưa tin, chiều ngày 12/10, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra sự cố sạt lở đất thủy điện Rào Trăng 3 khiến 10 công nhân làm ở nhà điều hành bị mắc kẹt gây xôn xao dư luận.
Ngay sau khi nắm bắt sự việc, lực lượng cứu hộ gồm 21 người được điều động vào hiện trường giải cứu người mắc kẹt. Tuy nhiên, đường đi rất khó khăn, hiểm trở, khu vực xảy ra vụ sạt lở nước suối dâng cao, không có sóng điện thoại nên việc tiếp cận người bị nạn trở nên khó khăn.
Đến tối cùng ngày, theo thông tin trên Người Đưa Tin cho hay, lực lượng quân đội đã tiếp cận được hiện trường.
Xe múc được đưa vào khu vực thủy điện Rào Trăng. Ảnh: Pháp luật TP. HCM
Liên quan đến vụ việc, đến khoảng 1h sáng ngày 13/10, khi đoàn cứu hộ đang di chuyển đến điểm sạt lở thì bất ngờ quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống Trạm Kiểm lâm số 7, nơi mọi người đang dừng chân khiến 21 cán bộ trong đoàn bị vùi lấp.
Đến sáng cùng ngày, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế liên lạc được với 8 đồng chí, 13 người còn lại vẫn bị mất liên lạc, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Hiện tại, lực lượng chức năng đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ mất tích.
Xe chuyên dụng cùng các loại máy xúc đang mở đường lên Rào Trăng 3.
Theo Pháp luật và Bạn đọc đưa tin, tính đến trưa ngày 13/10, còn 30 người chưa liên lạc được bao gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án thủy điện Rào Trăng 3 cũng đã thuê trực thăng vào hiện trường tiếp cận vị trí sạt lở vùi lấp nhiều công nhân. Như Vietnamnet đưa tin, thông tin mới nhận được, hiện tại Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trực tiếp công tác chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.
Tin mới nhất theo Tuổi Trẻ tường thuật, Đài thông tin duyên hải Huế đã kết nối được với nhà máy Rào Trăng 4 qua tần số 8.149KHz. Thông tin nhà máy báo về cho biết hiện nay công nhân nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày.
Trong khi đó, 40 công nhân ở nhà máy Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã đi đường rừng về đến nhà máy Rào Trăng 4, cũng an toàn.
Đường đi đến 2 nhà máy thủy điện trên đều bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước chảy rất xiết. Nhà máy Thủy điện A Lin B2 bị cô lập chưa có được thông tin.
Cán bộ nhà máy Thủy điện A Lin B1 đã ra đến khu vực huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh và xác nhận toàn bộ công nhân nhà máy A Lin B1 an toàn.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang cử một đoàn cứu trợ đi bằng cano chở đồ ăn đồ uống xuất phát từ Hồ thủy điện Hương Điền ngược lên nhà máy Rào Trăng 4 để tiếp tế cho công nhân ở đây.
H.T (tổng hợp)
Theo Vietnamnet