Sự đổi thay ấy, Luyện cho biết, đã đến từ những ứng xử đầy tình người của cán bộ quản giáo. Năm qua, kết quả cải tạo của Luyện đạt khá. Anh ta đã nói về nỗi khát khao được làm người một lần nữa. Phải chăng, chút mầm thiện mong manh ấy đang lớn dần dưới sự chăm bẵm của những người thầy nơi đây?
Những ngày mới nhập trại
Lịch sử tư pháp Việt Nam đã ghi nhận vụ án Lê Văn Luyện như một ví dụ kinh hoàng nhất của tội phạm vị thành niên. Ngày 24/8/2011, Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (ở Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) cùng con gái 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ, 8 tuổi, bị chém đứt tay. Sau khi hạ sát dã man các nạn nhân, Luyện cướp đi số tài sản gần 1,3 tỷ đồng.
Vụ án đã gây rúng động cả nước bởi sự tàn bạo, man rợ. Dư luận chờ đợi những hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho sát nhân máu lạnh này. Thông thường, những tên cướp như Luyện, luôn phải đối diện với án tử. Đó là sự trả giá tương xứng với tính chất, mức độ của tội ác.
Phóng viên trao đổi với Luyện.
Tuy nhiên, quy định về độ tuổi áp dụng hình phạt tử hình đã cho Luyện cơ hội thoát chết. Tính đến thời điểm gây án, Luyện còn thiếu 54 ngày, mới tròn 18 tuổi. Cho nên, dù đã phạm hàng loạt trọng tội, thì tổng hợp hình phạt mà Luyện phải chịu chỉ 18 năm tù.
Ngày 4/6/2012, Luyện đến Trại giam số 3 (thuộc Tổng cục 8 - Bộ Công an) để cải tạo. Ở giữa vùng đồi núi cách TP Vinh hơn 100 km, trên diện tích khoảng 700 ha thuộc địa bàn xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), trại giam như một ốc đảo chứa đựng trong nó một xã hội thu nhỏ.
Thiếu tá Hoàng Công Thành (Trưởng phân trại số 1) cho biết: "Khi mới nhập trại, Luyện tỏ ra khá ngang tàng. Không chỉ thiếu tự giác chấp hành nội quy và kỷ luật lao động của trại, Luyện còn 'dính' vào mấy vụ việc nghiêm trọng.
Năm 2013, anh ta đã đứng tên nhận thay một gói quà gửi theo đường bưu phẩm vào trại cho phạm nhân. Đó là một gói kẹo trông bình thường, nhưng bên trong là ma túy. Một lần khác, Luyện đánh lại Đội trưởng phạm nhân, khi bị nhắc nhở về ý thức lao động. Sau những sự việc trên, Luyện đều bị kỷ luật".
Kể về những ngày đầu "ăn cơm tù" tại Trại 3, Luyện thẳng thắn cho biết: "Khi mới nhập trại, một số đại ca đã 'thổi' vào cháu những suy nghĩ tiêu cực. Đang buồn bã, chán nản vì 'tù lâu, án dài', cộng với cá tính ngang tàng..., nên cháu phớt lờ mọi quy định.
Sau lần bị phạt cùm đầu tiên, cháu càng thêm căm tức các thầy. Lúc này cháu chỉ muốn trốn trại và nung nấu cách thoát ra. Không chỉ riêng cháu, bất cứ ai rơi vào cảnh tù tội đều có khao khát được tự do.
Trốn không được thì bất tuân, phá phách cho xả nỗi bực dọc bên trong. Cháu lại là thằng chẳng còn gì để mất. Cả xã hội đã lên án, coi cháu như con quỷ khát máu, không thể cải tạo.
Người ta chỉ nhăm nhăm đòi bắn. Gia đình cũng vì cháu mà tan nát. Bố thì đi tù, em trai thất học, mẹ cháu cũng vì suy nghĩ mà lâm bệnh... Cháu đã quen sống bản năng từ nhỏ, không chịu nghe ai, làm việc không cần suy nghĩ, nên việc nảy sinh tư tưởng chống đối là dễ hiểu thôi".
Những diễn biến tâm lý của Luyện, luôn trong tầm mắt kiểm soát của trại giam. Tại đây, chỉ những phạm nhân có ý thức chấp hành nội quy và kỷ luật lao động, mới được bố trí ra ngoài ruộng đồng, nương đồi làm việc. Còn trường hợp như Luyện phải lao động dưới sự giám sát nghiêm ngặt, trong phạm vi bảo vệ.
Đại tá Bùi Minh Châu (Phó Giám thị) kể: "Luyện có tiếng ở ngoài đời, nhưng vào đây, so với nhiều phạm nhân chúng tôi đang quản lý thì chưa có 'tuổi' gì cả, nếu xét về thứ bậc, đẳng cấp, thủ đoạn, vây cánh... trong thế giới tội phạm. Đây Trại giam loại 1, chuyên giam giữ phạm nhân cộm cán, nguy hiểm nhất, có mức án rất cao từ mọi miền đưa đến.
Do làm tốt công tác quản lý và cảm hóa giáo dục phạm nhân, kết hợp với nắm tình hình, kịp thời giải quyết những nhân tố bất ổn, nên từ nhiều năm nay, trại không để xảy ra bất kỳ cuộc vượt ngục, trốn trại nào".
Tự vấn để đổi thay
Lúc tôi đến Trại giam số 3, xin gặp Lê Văn Luyện vì muốn biết "sát thủ" ngày ấy bây giờ ra sao. Thiếu tá Hoàng Công Thành nói: "Trước đây đã có một số nhà báo tới hỏi chuyện rồi đành phải về tay không, vì Luyện lầm lỳ, không chịu hợp tác.
Nhưng hơn một năm trở lại đây, anh ta đã có một số chuyển biến tích cực, như vượt nhiều định mức công việc, chấp hành khá tốt nội quy của trại và kỷ luật lao động. Kết quả xếp loại cải tạo của Luyện năm 2014 đạt khá".
Phạm nhân Lê Văn Luyện.
Gặp Luyện sau giờ lao động tại xưởng gia công mi mắt giả, anh ta trông khá rắn rỏi. Trên khuôn mặt khá dễ nhìn, nét u uẩn và tàn bạo trong ánh mắt đã mờ dần. Thay vào đó là thái độ tích cực, chủ động khi tiếp xúc. Luyện cho biết vẫn giữ được 55 kg, sức khỏe tốt, không ốm đau, bệnh tật gì.
- Cháu bắt đầu có những suy nghĩ tích cực từ khi nào?
- Từ tháng 9/2013, vì lỗi không chấp hành kỷ luật lao động, đánh lại anh Đội trưởng nên cháu bị cùm chân 10 ngày trong buồng kỷ luật. Cũng trong thời gian đó, cán bộ Giáp, quản giáo Thành đã thường xuyên xuống thăm, phân tích cho cháu thấy điều hơn, lẽ phải.
Mặc dù cháu phạm kỷ luật nhưng các chú ấy không tỏ thái độ ghét bỏ, mà rất kiên trì thuyết phục để cháu hồi tâm chuyển ý. Họ khuyên giải cháu nhiều điều, còn khuyên cháu đọc sách về đạo Phật trong tủ sách hướng thiện của trại. Cách nói chuyện của họ gần gũi như bậc cha chú, khuyên dạy con cháu.
Chính sự chân thành ấy đã giúp cháu nhận ra rằng, cháu vẫn sẽ được đón nhận trở lại cộng đồng nếu thành tâm hối cải, sửa chữa. Những ngày đó, cháu tự vấn lương tâm rất nhiều. Lời chú Giáp, chú Thành nói luôn văng vẳng bên tai. Dần dần, cháu nhận ra mình chưa bao giờ thực sự nghe ai nói.
Vậy là cháu suy ngẫm rất kỹ và thấy điều cán bộ bảo ban là đúng. Suy nghĩ thông suốt rồi cũng là lúc cháu hết thời gian kỷ luật, được trở lại buồng. Cháu đã thay đổi cách sống, tích cực hơn trong công việc và chấp hành nội quy của trại.
- Việc cháu viết thư xin lỗi gia đình nạn nhân như thế nào? Cháu đã viết những gì? Có phải là những suy nghĩ thực sự chân thành của cháu không?
- Thời gian qua, trại giam có mở cuộc vận động phạm nhân viết thư xin lỗi. Đây là dịp để chúng cháu nhìn nhận lại mọi tội lỗi của mình đã gây ra. Cháu đã hưởng ứng bằng việc viết hai lá thư xin lỗi. Một lá gửi ông ngoại của các nạn nhân, một lá cháu gửi cho bố mẹ.
Trong thư gửi gia đình nạn nhân, cháu viết: Hằng đêm, mỗi khi nhắm mắt lại là hình ảnh chém giết lại hiện lên trước mắt. Cháu như bị quả báo vì toàn mơ thấy bị người ta cầm dao, súng đuổi theo chém giết, làm cháu bị cụt chân, cụt tay, bị xẻo từng miếng thịt và vứt vào vạc dầu sôi. Sau mỗi cơn ác mộng, người cháu lại ướt sũng mồ hôi, không tài nào ngủ lại được nữa.
Luyện lao động, cải tạo tại Trại giam số 3.
Cháu cứ nghĩ mãi tại sao mình lại giết người tàn bạo đến thế. Lúc đó cháu như con chó dại, cứ gặp người là cắn. Cháu rất ân hận vì đã không tu chí học hành tử tế, mà lại tụ tập, đàn đúm lêu lổng, mới dẫn đến hậu quả làm tan nát gia đình người ta và làm cả gia đình mình dính vào vòng lao lý.
Cháu hận bản thân rất nhiều và thấy không xứng đáng có mặt trên cuộc đời này nữa. Và nếu cháu chết đi để làm người ta sống lại được thì cháu sẵn lòng xin được chết, dù cái chết có như thế nào, cháu cũng cam lòng.
Trong thư, cháu đã hứa cải tạo thật tốt để đánh đuổi con quỷ trước đây đã ngự trị, điều khiển cháu. Cháu sẽ làm hết sức mình để trở thành một con người lương thiện. Tất cả những điều trên cháu đã viết từ suy nghĩ thật sự trong thâm tâm của mình.
- Ngoài giờ lao động, cháu làm gì?
- Cháu đọc sách. Hiện nay, cháu đang đọc các cuốn sách về đạo Phật, Kinh Dịch và Khí công, có trong tủ sách hướng thiện ở các buồng giam. Trước đây, cháu không để ý đến chúng, nhưng nay nhờ đọc sách Phật mà tâm hồn cháu bình an dần trở lại. Cháu sẽ kiên trì sám hối, để dần đoạn tuyệt với cái tâm ác độc trong mình. Ngoài ra, ban đêm cháu còn luyện khí công để ổn định về sức khỏe và giúp tâm được an tĩnh.
- Cháu muốn làm gì khi được ra trại?
- Vì cháu không có tiền bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân nên rất khó được miễn giảm án. Cháu cũng nghĩ không nên sốt ruột, cứ thuận theo tự nhiên. Nếu được ra trại, cháu muốn làm nghề Đông y, cắt thuốc chữa bệnh cứu người, để mong gột rửa, chuộc lại lỗi lầm tày trời mà cháu đã gây ra. Chú ơi, chú có thể gửi vào đây cho cháu xin mấy quyển sách thuốc Đông y được không?
Theo Cảnh sát toàn cầu