Trở lại âm nhạc sau một thời gian dài dành tâm sức cho các show diễn sinh viên, Sơn Tùng MTP đã bất ngờ chơi lớn bằng việc tổ chức cả một showcase chỉ để giới thiệu một ca khúc mới. Vào ngày hôm đó trời mưa khá to nhưng các fan hâm mộ vẫn kiên nhẫn xếp hàng và đứng chờ anh trong nhiều giờ đồng hồ. Điều đó chứng tỏ họ không chỉ mong ngóng được gặp mặt thần tượng mà còn chờ đón sản phẩm mới của anh từng giờ từng phút.

Và hơn 00h ngày 2/8 MV chính thức của ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau đã được lên sóng. Cũng như bao ca khúc trước đây của Sơn Tùng, ngay từ khi mới ra mắt, Chúng ta không thuộc về nhau đã tạo ra một cú nổ lớn. Không những vậy hàng loạt những cuộc tranh luận nổ ra với chủ đề Sơn Tùng MTP lại tiếp tục đạo của người ta rồi.


Chúng ta không thuộc về nhau khiến người nghe liên tưởng tới ca khúc We don't talk anymore của Charlie Puth và Selena Gomez đã phát hành trước đó khá lâu. Mặc dù tác giả của We don't talk anymore hay ca sĩ trình diễn ca khúc này chưa từng lên tiếng khẳng định Sơn Tùng có đạo của mình hay không thì khán giả đã vội vàng quy chụp rằng 'lại giống của người khác' hay khó nghe hơn là 'đi ăn cắp nhạc'.

Trong khi 'chính chủ' chưa có phát ngôn chính thức thì trong tuần vừa qua, Heyder - DJ/Nhà sản xuất người Azerbaijan, người tự xưng là chủ nhân của bản remix We don't talk anymore đã nhanh nhẹn 'vạch mặt' Sơn Tùng MTP trên fanpage của mình rằng 'ca khúc Việt Nam này (Chúng ta không thuộc về nhau) khá giống với bản phối của tôi'.

Chúng ta không thuộc về nhau - Sơn Tùng MTP

We don't talk anymore Heyderremix

Dư luận lại tiếp tục một lần nữa xôn xao về câu nói khẳng định một cách chắc nịch của DJ người Azerbaijan này. Heyder cho biết rằng:

"Không cần phải là nhạc sĩ chuyên môn cũng có thể nhận ra sự tương đồng trong 2 ca khúc. Sử dụng một tone khác, những sound tiếng khác không có nghĩa là mình đã tạo ra một ca khúc hoàn toàn mới. Điểm khác nhau rõ ràng nhất ở 2 ca khúc này chính là ngôn ngữ, thế thôi. Chúng tôi có thể khẳng định rằng ca khúc đó là phiên bản tiếng Việt bản remix của tôi".

Tôi không cần phải đi vay mượn chất xám của bất cứ ai. Nếu các bạn đã nghe những ca khúc hoặc các bản remix của tôi, sẽ thấy tôi luôn có những sáng tạo riêng. Nhưng đây không phải lần đầu tôi bị người khác biến sản phẩm trí tuệ của mình thành của họ. Cậu ấy nên tự hỏi chính mình là nêu không có ca khúc gốc và bản remix của tôi thì cậu ấy có thể sản xuất ra ca khúc đó không?"


Vẫn chỉ là lập luận của Heyder và anh cho rằng Sơn Tùng đã 'lấy' nhạc của anh và phổ lại lời Việt. Tuy nhiên, một sự thật rằng bản remix We don't talk anymore của Heyder không phải bản remix chính thức và được phát hành rộng rãi, thậm chí bản mix của anh đã biến mất khỏi Youtube ngay sau khi upload với lí do vi phạm bản quyền. Trong khi đó, Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng đã online được 10 ngày và lượt view vẫn tiếp tục tăng tới 26 triệu lượt và không hề bị gỡ hay nhận bất kỳ khiếu nại nào của nhà quản lý hay bên sở hữu bản quyền ca khúc. Vậy một người lớn tiếng rằng mình không phải vay mượn chất xám của ai mà bị gỡ sản phẩm khỏi Youtube vì lí do vi phạm bản quyền thì Heyder giải thích thế nào?

DJ Huy DX cũng cảm thấy khó hiểu khi thấy Heyder vào 'bắt vạ' Sơn Tùng

Heyder liên tục nhận lời mời phỏng vấn của báo chí Việt Nam và thường xuyên lên fanpage của mình chia sẻ về việc Sơn Tùng 'đạo' tác phẩm của anh với mục đích gì? Thật trùng hợp thay, DJ này đã đáp máy bay tới Tp. Hồ Chí Minh vào hôm nay 12/8 và chuẩn bị cho show diễn của mình tại Việt Nam, liệu đây có phải là một hình thức đánh bóng tên tuổi trước đêm nhạc hay không? Trước khi có sự việc này Heyder là một cái tên quá xa lạ với cộng đồng yêu nhạc tại Việt Nam và chỉ khi có show diễn tại đây anh mới liên tục 'tấn công' Sơn Tùng MTP như vậy.


Thật khổ cho Sơn Tùng khi vừa ra mắt bất kỳ sản phẩm nào đã bị lôi ra soi xét xem chi tiết này giống ở đâu, đoạn nhạc này giống trong bài hát nào, khi mà chủ nhân của những đối tượng được mang ra so sánh kia chưa đưa ra khẳng định chính thức thì một bộ phận khán giả đã mắng nhiếc rằng Tùng chỉ biết lấy của người khác 'xào' lại thành của mình.

Trường hợp điển hình là ca khúc Chắc ai đó sẽ về được phát hành vào năm 2014. Cộng đồng yêu Kpop thật hung hãn khi liên tục đe dọa Sơn Tùng và 'gửi tâm thư' cho Jung Yong Hwa tố rằng Because I miss you có phiên bản tiếng Việt mà chưa được tác giả thông qua. Sau một hồi tranh cãi, ngay cả nhiều nhạc sĩ gạo cội cũng bóc mẽ Sơn Tùng thì phía đơn vị Hàn Quốc đã chính thức xác nhận Chắc ai đó sẽ về không hề đạo Because I miss you. Văn bản cũng như bức thư từ phía ca sĩ Jung Yong Hwa dịch từ tiếng Hàn và được văn phòng luật sư tại Hà Nội xác nhận như một cái tát vào mặt các antifan và nhiều 'bậc tiền bối' trong ngành khi sớm khẳng định nam ca sĩ gốc Thái Bình đạo nhạc.

Quay trở lại câu chuyện của Chúng ta không thuộc về nhau và We don't talk anymore, khi tác giả ca khúc chưa vạch mặt Sơn Tùng thì các fan Việt Nam hãy thôi cái lối sính ngoại và soi mói hàng nội địa. Một ca sĩ từng có 4 hạng mục đề cử trong giải Cống hiến và chiến thắng với giải Ca sĩ của năm tất nhiên anh ấy phải là người có tài và am hiểu lĩnh vực mà mình theo đuổi. Đừng biến hình ảnh ca sĩ Việt hay nền âm nhạc Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt nghệ sĩ, khán giả quốc tế bằng những lời nói tưởng chừng như vô hại của mình.

Nhân chuyện của Sơn Tùng, tôi kể hầu các bạn một câu chuyện nho nhỏ:
 
Bấy giờ ở trong rừng, có một bộ lạc chuyên chặt cây bằng chùy. Một đám thanh niên lực lưỡng, mỗi người cầm một cái chùy, thi nhau đập vào gốc cây cho đến khi gốc cây nát bét, cây đổ xuống và họ hè nhau bê cây về.

Một ngày nọ, một cô gái mảnh mai vào rừng với một dụng cụ lạ lùng, đám thanh niên chưa từng trông thấy. Cô gái lia vật ấy vào thân cây, một lúc cây đổ xuống.Chúng lại gần và hỏi: Cái gì vậy? Cô gái nói: Đây là cái Rìu.

Dân làng bắt đầu thuê thiếu nữ chặt cây vì nuôi nàng ít tốn cơm hơn chứ nuôi bọn thanh niên kia, chúng ăn rất khoẻ, đôi khi lại uống rượu cãi nhau. Mất ăn, bọn thanh niên giận dữ yêu cầu già làng tống cổ cô gái khỏi làng. Già làng tuyên bố cô gái là một mụ phù thuỷ, và rìu của cô là một thứ tà ma.

Mọi người đốt cô gái trên giàn thiêu dựng ngay ngoài bìa rừng, trên cọc gỗ bằng những cây cô mới đốn xuống. Chiếc rìu sắt bị quăng vào lửa.

Từ ấy làng nhỏ ven rừng trở lại cuộc sống như ngày xưa. Hàng ngày lũ trai làng lại ồn ào vác chùy vào rừng đốn củi.

Có lẽ, Sơn Tùng cứ sáng tác những ca khúc nhàn nhạt, thắm thắm, đi diễn tỉnh chuồng gà, hạng B thôi chắc sẽ đơn giản thôi nhỉ?! Cố gắng học hỏi, tìm tòi làm gì cho nhọc đầu.

Sau nhiều cuộc ném đá không thương tiếc như thường niên: đến hẹn lại lên như vậy, nhiều người có lẽ đã ngã gục rồi. Nhưng với Sơn Tùng, càng bị ném đá, càng có nhiều đồng nghiệp sống không xanh chín với cậu, cậu càng phải vững tâm, càng phải kiên định với con đường của mình. Bởi, không biết kiên cường thì biết làm gì nữa bây giờ?. Cũng chỉ muốn hỏi Tùng một câu thôi, sau nhiều ồn ào vậy, có lúc nào Tùng mệt chưa?! Muốn buông xuôi chưa?! Hay cũng chỉ mong một điều đơn giản: "Chỉ xin một giấc ngủ, lúc tỉnh dậy người ta buông tha cho mình!"

KH - TA
Theo Vietnamnet