Sau ly hôn, dù vợ chồng không còn chung sống, có thể coi nhau như người dưng. Song trách nhiệm làm cha làm mẹ của mỗi người thì sẽ không bao giờ thay đổi cho đến cuối đời.
Loan (34 tuổi) chia sẻ cô ly hôn cách đây 3 năm vì chồng cũ ngoại tình. “Thời điểm đó tôi muốn cho anh ta một cơ hội cũng muốn giữ gia đình trọn vẹn cho con. Nhưng anh ta lại không mặn mà và tôn trọng cơ hội đó…”, Loan nói.
Sau ly hôn Loan nuôi cậu con trai 4 tuổi, Hùng - chồng cô sớm tái hôn với người tình, xây dựng gia đình mới. Trong 3 năm qua, Hùng có gửi tiền chu cấp nuôi con song không đều đặn. Anh cũng không thường đến thăm con, bởi còn bận bịu với gia đình mới.
Hôm vừa rồi, sau 3 năm hai người chính thức ly hôn, Hùng đột ngột mời vợ cũ và con trai đi ăn tối. Anh không trực tiếp nói thẳng nhưng Loan biết vợ Hùng đưa con về quê ngoại chơi, anh mới có thời gian rảnh rỗi. Loan hỏi con trai muốn gặp bố hay không và thằng bé gật đầu, vậy là cô đồng ý lời mời từ chồng cũ.
Trong buổi tối gặp gỡ ấy, sau những lời hỏi han thông thường, Hùng đột ngột nhìn Loan đầy chân thành và cảm kích: “Cảm ơn em những năm qua đã hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân vì con. Trong tương lai anh sẽ cố gắng lo cho con nhiều hơn. Mà chỉ biết nói là sẽ cố gắng hết sức thôi, chứ anh chưa hứa chắc chắn được cái gì…”.
Loan thấy thật nực cười. Một người đàn ông ngoại tình ruồng rẫy vợ con, sau ly hôn không mấy quan tâm đến con đẻ. Vậy thì anh ta có tư cách gì để nói lời cảm ơn cô? Nếu thật sự quan tâm đến quyền lợi của con trai, mong thằng bé được chăm sóc cẩn thận nhất, Hùng đã không cư xử và hành động như thế trong suốt 3 năm vừa rồi.
“Khi ấy tôi đã cười thông báo với chồng cũ một tin khiến anh ta tái mét mặt mày”, Loan kể. Cô bảo thực ra cô sắp tái hôn rồi. Phía nhà trai đã tới gia đình cô bàn chuyện cưới hỏi chính thức, đám cưới được ấn định vào 2 tháng tới.
Chồng sắp cưới của Loan cũng từng ly hôn nhưng chưa có con. Lý do khá tế nhị, bởi vì anh khó sinh con. Song đó cũng là nguyên nhân khiến anh vô cùng yêu quý con trai riêng của vợ sắp cưới. Gia đình anh đồng thời hết mực ủng hộ và vun vén cho mối quan hệ của họ.
“Cô… tôi tưởng cô thế nào… Rồi con trai tôi sẽ phải sống cảnh con chung con riêng, sống giữa một gia đình xa lạ không hề có quan hệ máu mủ với nó? Sao cô có thể nhẫn tâm như thế?”, Hùng lập tức quay ngoắt trách móc vợ cũ sau khi biết cô sắp lấy chồng, con trai anh sẽ gọi người khác là bố.
Sự ích kỷ đến mức nhẫn tâm của Hùng khiến Loan khó bề tin nổi. Quả thật sau khi ly hôn, Loan đã có ý nghĩ ở vậy nuôi con. Bản thân cô có thể tự mình lo cho bé, không cần phải tìm chỗ dựa mới.
Thế nhưng ngày hôm ấy, sự việc xảy ra ở cổng trường con đã khiến cô thay đổi suy nghĩ. Cô tới đón con tan học giữa lúc tan trường, các bậc phụ huynh khác cũng đến đón con em họ rất đông đúc. Khi Loan tới nơi, cô đã bắt gặp một cảnh tượng nhói lòng.
Con trai cô đang nhìn chằm chằm vào một cặp bố con, người bố đến đón con trai về nhà. Anh chu đáo cài quai mũ bảo hiểm cho con, cười trìu mến hỏi đứa trẻ hôm nay ở trường thế nào. Đứa bé ríu rít kể cho bố nghe đủ thứ chuyện, rồi mè nheo bố mua thứ này thứ kia cho mình. Cảnh tượng rất bình dị và đời thường nhưng lại là mơ ước xa xỉ đối với con trai cô.
Hôm ấy về nhà, cả đêm Loan không ngủ được. Nhìn con trai say giấc bên cạnh mà cô rơi nước mắt xót xa. Con cô thật sự cần một người bố bên cạnh, cần một người đàn ông làm gương cho bé. Nếu bố ruột của bé không muốn thực hiện trách nhiệm của mình thì cô sẽ tìm cho con một người bố khác. Cũng là cho bản thân cô và cho cả bé một tổ ấm mới.
“Nghe tôi kể lại đơn giản câu chuyện, chồng cũ câm lặng không nói thêm gì”, Loan cho hay. Từ sau hôm đó, Hùng đã gửi tiền chu cấp cho con đều đặn cũng như chủ động gọi video hỏi thăm con trai.
Thiết nghĩ đó mới là cách cư xử văn minh và trách nhiệm với đứa con máu mủ của mình sau ly hôn. Vợ chồng tan vỡ, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ, bao nhiêu yêu thương và bù đắp cũng chẳng bao giờ là thừa.
Theo Pháp luật và bạn đọc