Sau 5 năm, “Hot boy nổi loạn” vẫn là phim đồng tính chân thật nhất

(2Sao) – Không chiêu trò, không hài nhảm, phim chạm tới khán giả bằng sự chân thật.

Năm 2011, phim điện ảnh “Hot boy nổi loạn, chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” trình chiếu đã mang đến nhiều bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Đây được xem là bộ phim hai trong một khi phản ánh số phận của những người đồng tính, đồng thời phản ánh nỗi niềm của những người làm nghề gái gọi đứng đường. Bộ phim do Vũ Ngọc Đãng thực hiện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Sau 5 năm, “Hot boy nổi loạn” vẫn được khán giả đánh giá là phim Việt Nam phản ánh chân thực về đồng tính, dù đã có một số bộ phim đồng tính khác được sản xuất. Vậy đâu là nguyên do khiến phim sau 5 năm vẫn được đánh giá tốt như vậy?

“Hot boy nổi loạn” là hiện tượng vào 5 năm trước của làng điện ảnh Việt.


Nội dung u buồn và tăm tối

“Hot boy nổi loạn” có 2 câu chuyện diễn ra song song và không liên quan đến nhau. Trong bài viết này sẽ đề cập tới câu chuyện chàng hot boy nổi loạn, cũng là câu chuyện mang chủ đề đồng tính trong phim. Nội dung kể về chuyện chàng trai Khôi do Hồ Vĩnh Khoa đóng đã lên Sài Gòn sau khi bị gia đình đuổi khỏi nhà vì biết anh là người đồng tính. Tại mảnh đất phồn hoa sôi động này, Khôi đã gặp gỡ Lam do Lương Mạnh Hải đóng và xảy ra chuyện tình đầy bi thương với Lam. Bởi Lam xuất thân là trai gọi và thường giở thủ đoạn cướp tiền của khách. Khôi khuyên bảo Lam từ bỏ nghề này và sống lương thiện, song Lam vẫn như con thiêu thân lao vào con đường tăm tối. Để rồi Khôi đã đau đớn chia tay Lam vì anh vẫn chứng nào tật đó. Về phần Lam, anh đã nhận phải cái chết đau đớn vì hậu quả của những trò cướp tiền ngày xưa…

Phim có nội dung buồn và phản ánh đúng thực trạng xã hội


Nội dung phim phản ánh thực tế bằng những vấn đề như cha mẹ đuổi con cái ra khỏi nhà khi phát hiện con mình đồng tính, hay những con người lười lao động đã đi vào con đường trai gọi và khó thoát ra được vì kiếm tiền dễ dàng đã quen. Phim không mang màu sắc lãng mạn mà ngược lại mang màu sắc tối tăm và u ám tột cùng. Bởi hiện thực ngoài xã hội cũng khắc nghiệt như vậy. Nếu có ánh sáng hy vọng cho bộ phim thì đó chính là nhân vật Khôi, khi ở “gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn”. Làm nhiều công việc lương thiện, cố gắng khuyên bảo Lam bỏ nghề, rồi mục tiêu của Khôi là vào Đại Học.

Khôi là nhân vật mang đến thiện cảm cho khán giả về người đồng tính.

Tất cả những gì Khôi thực hiện là thông điệp tốt đẹp mà phim dành cho khán giả: người đồng tính cũng có người này người kia, và Khôi đại diện cho những người đồng tính muốn cuộc sống bình yên tốt đẹp như người thường. Chính nội dung đậm chất nhân văn mà “Hot boy nổi loạn” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giúp khán giả có cái nhìn tốt hơn về những người đồng tính.

Dàn diễn viên hợp vai

Ban đầu khi công bố dàn diễn viên là Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa cho câu chuyện “Hot boy nổi loạn”, khán giả tỏ ra hoài nghi về thực lực dàn này. Lương Mạnh Hải dù có kinh nghiệm diễn xuất, song các phim truyền hình anh đóng chỉ dừng lại ở các vai hiền lành, nóng nẩy. Còn với dạng vai gai góc, sành đời như Lam thì khán giả chưa bao giờ thấy anh thấy. Còn Hồ Vĩnh Khoa là “lính mới” trong làng điện ảnh, việc giao vai diễn đầy tâm trạng cho Hồ Vĩnh Khoa bị đánh giá là quá sức của anh.

Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa từng bị nghi ngờ khả năng diễn xuất


Khi phim trình chiếu thì mọi hoài nghi của khán giả đã tan biến. Lương Mạnh Hải đã lột xác, trở thành anh chàng Lam đầy tâm trạng và rành đời, hoàn toàn khác với các vai diễn trước của anh. Còn Hồ Vĩnh Khoa đã làm tròn vai Khôi, khi mọi cảm xúc của nhân vật này đều được anh cố gắng thể hiện rõ nét, dù đôi chỗ còn hơi vụng về. Diễn xuất chân thực, không gượng gạo đã góp phần mang đến thành công cho bộ phim, cũng như khẳng định diễn xuất của Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa.

Khi phim trình chiếu thì diễn xuất của cả hai được khán giả công nhận.

Không có các tình tiết đùa cợt giới tính

Hiếm phim Việt Nam thực hiện nghiêm túc về người đồng tính. Trong mắt đa số các nhà làm phim Việt, người đồng tính là gộp chung với người chuyển giới. Nên các nhân vật được gọi là “đồng tính” trên phim thực chất lại là chuyển giới và được xây dựng mang tính gây cười là nhiều. Chỉ tới khi “Hot boy nổi loạn” trình chiếu thì khán giả cũng như cộng đồng LGBT mới có một phim nói về đồng tính chân thật như vậy.

Một số phim bị coi là đem người thuộc giới tính thứ 3 ra mua vui cho thiên hạ.

Không còn những màn hài nhảm lấy người chuyển giới mua vui, cũng không còn những chi tiết phản cảm sai lệch về người đồng tính, “Hot boy nổi loạn” là sự chỉnh chu từ nội dung cho đến tạo hình. Hai anh chàng nam tính đến với nhau bằng những tình cảm chân thực, tình yêu của họ cũng có những nỗi khổ tâm giữa cuộc sống cạm bẫy và thiếu thốn vật chất. Khán giả xem phim phần nào cũng hiểu được những tâm tư trăn trở của hai nhân vật chính, khi họ vẫn không được xã hội chấp nhận và bản thân phải trải qua những cạm bẫy trong đời.

Tình yêu đầy đau khổ của Lam và Khôi khiến khán giả tiếc nuối


5 năm qua, đã có một số phim khi quảng bá thì lấy chủ đề đồng tính, còn vô phim lại đề cập tới người chuyển giới. Hay còn có phim gây sai lệch kiến thức khi nam chính đã hết “bệnh đồng tính” vì… tiếp xúc với con gái nhiều. Vì vậy mà “Hot boy nổi loạn” sau 5 năm vẫn được xem là phim đồng tính hay của Việt Nam là vì thế. Không chiêu trò, không câu khách bằng những cảnh hài nhảm đùa cợt giới tính, phim đã đi vào trái tim người xem bằng những gì bình dị, đơn giản, tái hiện một phần đời thực rõ nét.

Nhân Sư
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất