Thông tin trên được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết chiều 14/10. Theo đó, từ đêm 15 đến ngày 18/10, ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Nam mưa to đến rất to.

Cụ thể, Nghệ An khả năng ghi nhận lượng mưa 100-200 mm cả đợt, cục bộ có nơi trên 200 mm.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có tổng lượng mưa 300-600 mm cả đợt, cục bộ có nơi trên 600 mm. Đây là lượng mưa được đánh giá ở mức cực đoan.

Trong khi đó, khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam được dự báo mưa trung bình 100-300 mm trong khoảng thời gian nói trên.

Sau bão, miền Trung tiếp tục hứng chịu đợt mưa 600 mm-1
Vùng màu hồng sáng là khu vực trọng tâm của đợt mưa lớn những ngày tới. Ảnh: Windy.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, mưa lớn xuất hiện diện rộng khắp các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào sáng 14/10. Từ 7h đến 13h, lượng mưa ghi nhận được ở nhiều nơi trên 50 mm, tập trung ở Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An.

Cơ quan khí tượng cho biết bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên vịnh Bắc Bộ. Lúc 15h ngày 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách Nam Định 68 km, Thanh Hóa 71 km và Nghệ An 125 km. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.

Chiều nay, hình thái này di chuyển nhanh theo hướng tây, vận tốc 20-25 km/h và suy yếu thành một vùng áp thấp, rồi đi vào đất liền. Theo cơ quan khí tượng, vùng áp thấp đi hơi chếch lên phía bắc so với dự báo trước đó, tiến sâu vào khu vực Thanh Hóa - Nghệ An.

Vùng ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 8 được thu hẹp về các tỉnh, thành phố ven biển miền Bắc và từ Thanh Hóa đến phía bắc Hà Tĩnh.

Chiều và tối 14/10, mưa lớn tiếp diễn tại các khu vực trên với lượng phổ biến 30-50 mm, có nơi mưa trên 80 mm. Một số nơi thuộc Thanh Hóa và Nghệ An có thể ghi nhận lượng mưa trên 100 mm trong vòng 6 giờ.

Trong khi đó, vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng cao 2-3,5 m.

Sau bão, miền Trung tiếp tục hứng chịu đợt mưa 600 mm-2
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 đang di chuyển trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An. Ảnh: VNDMS.

Về tình hình thiệt hại, theo báo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn xảy ra ngày 13/10 khiến đường tỉnh 559B cũ phía thượng lưu đập thủy lợi Rào Nan ngập sâu 0,5-2,3 m gây ách tắc. Lực lượng chức năng đang phân luồng lưu thông tại khu vực này.

Đường liên xã Hung Trâu đi Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) cũng bị sạt lở tại ngầm Cu Pi, hiện chưa thông xe.

Còn tại Nghệ An, trước dự báo mưa lớn tiếp diễn trong những ngày tới, một số nhà máy thủy điện đã có thông báo kế hoạch xả lũ để đảm bảo công tác vận hành hồ chứa an toàn ở lưu vực sông Cả.

Từ chiều 14 đến ngày 15/10, các sông khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt này, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông khu vực Bắc Bộ, sông Hiếu (Nghệ An) lên mức báo động 1 và báo động 2; sông ở khu vực khác duy trì báo động 1.

Riêng mực nước vùng hạ lưu cửa sông thuộc tỉnh Hải Phòng khả năng duy trì ở báo động 1 và 2 do ảnh hưởng của nước dâng do hoàn lưu cơn bão số 8 kết hợp với thủy triều.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, TP Hà Nội và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Theo Zing