Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-1
Theo Sohu, tiểu thuyết võ hiệp của hai nhà văn Kim Dung, Cổ Long là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho nhiều nhà làm phim. Trong đó, có một số vai diễn sau khi chuyển thể lên màn ảnh được đánh giá là kinh điển, trở thành tiêu chuẩn cho các phiên bản sau này. Giống vai diễn Chu Chỉ Nhược đã được Châu Hải My thể hiện hoàn hảo nhất, trở thành vai diễn chói sáng trong sự nghiệp của nữ diễn viên. Nhắc tới Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, khán giả sẽ nhớ ngay đến Châu Hải My, sau đó mới đến Cao Viên Viên và các diễn viên khác.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-2
Sohu đánh giá trong nguyên tác Ỷ Thiên Đồ Long ký, xung quanh nam chính Trương Vô Kỵ có nhiều người đẹp mỗi người một vẻ. Chu Chỉ Nhược không phải nữ chính, nàng có số phận trắc trở, tính cách phức tạp, sau khi bị nam chính phản bội thì chọn cách cực đoan nhất để thể hiện tình yêu của mình. Châu Hải My đã diễn ra được một Chu Chỉ Nhược với nhiều tình cảm giằng xé khiến khán giả vừa thương vừa hận. Từ những cảnh đầu tiên hiền lành, ôn nhu tri kỷ, đến khi trở thành trưởng môn phái Nga Mi uy quyền, hay lúc đã luyện thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo khiến con người trở nên độc ác, diễn xuất của nữ diễn viên rất lôi cuốn người xem. Nhờ vậy, dù Ỷ Thiên Đồ Long ký 1994 không được đánh giá cao như các phiên bản khác, Chu Chỉ Nhược của Châu Hải My vẫn là vai diễn kinh điển.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-3
Đông Phương Bất Bại trong Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1991) là vai diễn gây ấn tượng nhất trong sự nghiệp của Lâm Thanh Hà, đến nay nữ diễn viên vẫn được gọi là "Giáo Chủ". "Một thân hồng y tiên khí diễm lệ ngập trong nước, tóc đen như suối chảy, ánh mắt khiêu khích, động tác rót rượu hào sảng đã trở thành hình ảnh kinh điển trên màn ảnh Hoa ngữ", Sohu bình luận. Đông Phương Bất Bại là một cao thủ nổi danh trong Tiếu ngạo giang hồ, là giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo. Do luyện môn Quỳ Hoa bảo điển, hắn trở thành một nhân vật ái nam ái nữ. Theo Sohu, Lâm Thanh Hà đã hoàn toàn thể hiện được mẫu nhân vật hào hiệp, phóng khoáng, độc đáo, tạo nên vẻ đẹp anh khí, tuấn nhã rung động lòng người, làm lu mờ ranh giới giới tính. Cho đến nay, theo nhận xét của đông đảo khán giả Trung Quốc không có ai giả trai xuất sắc được như Lâm Thanh Hà.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-4
Tạo hình Tiểu Long Nữ của Lý Nhược Đồng trong Thần điêu đại hiệp 1995 đã ăn sâu vào tâm trí khán giả. Các phiên bản sau đó đều được đem ra so sánh với Lý Nhược Đồng và không có ai đem lại vẻ đẹp băng thanh ngọc khiết lại uy nghiêm không thể đùa giỡn như nữ diễn viên sinh năm 1966 đã làm được. Theo Sohu, đặc điểm gương mặt của Lý Nhược Đồng cuốn hút với đôi mắt sâu thẳm, mặt như viên ngọc được chế tác tinh xảo nên không cần những trang sức cầu kỳ phụ trợ. Khí chất của Lý Nhược Đồng cũng mang vẻ xa cách rất phù hợp với nhân vật Tiểu Long Nữ vốn lánh đời, sống nhiều năm trong cổ mộ, mang trong mình tuyệt học võ công.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-5
Lưu Diệc Phi cũng từng thể hiện nhân vật Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp 2006, tuy nhiên, cô không vượt qua được cái bóng của đàn chị. Vai diễn gắn liền với tên tuổi của Lưu Diệc Phi là Vương Ngữ Yên trong Thiên long bát bộ 2003. Theo Sohu, ở tuổi 15-16, Lưu Diệc Phi có vẻ đẹp tươi trẻ non nớt như nụ hoa đào sắp hé nở dưới cơn mưa nhẹ mùa xuân. Đôi mắt phượng hơi xếch đem lại cho Lưu Diệc Phi vẻ đẹp cổ điển, quyến rũ, mang khí chất của một tiểu tiên nữ xinh đẹp. Nhà văn Kim Dung cũng từng khen ngợi nữ diễn viên: "Nhìn cô Lưu Diệc Phi, khán giả sẽ thấy Kim Dung không nói quá". Nhờ vai diễn này, đến nay, Lưu Diệc Phi vẫn được khán giả gọi với biệt danh "Thần tiên tỷ tỷ", cũng là lời Đoàn Dự bật thốt ra khi lần đầu gặp gỡ Vương Ngữ Yên.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-6
Một nhân vật nữ hiệp khác cũng được khán giả đánh giá là hoàn chỉnh nhất trong các phiên bản là Triệu Mẫn của Lê Tư. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký 2001, Lê Tư đã thể hiện vai quận chúa Triệu Mẫn vừa lộng lẫy xinh đẹp đáng yêu, vừa anh tú, trí tuệ quyết đoán khác với các phiên bản còn lại. Chỉ một cách liếc mắt, Lê Tư đã thể hiện được sự kiêu ngạo, khí phách của nhân vật. Nhà phê bình phim Từ Xuân Mỹ nhận xét Triệu Mẫn của Lê Tư như một đóa hồng tươi mới, luôn sống động trong tâm trí khán giả. "Sau Lê Tư, không còn ai đóng Triệu Mẫn xuất sắc hơn" là nhận xét của khán giả dành cho vai diễn thành công của cô.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-7
Theo Sohu, Tiêu Tường thực sự đã thể hiện hoàn hảo vai diễn "đệ nhất mỹ nhân giới võ lâm" Lâm Thi Âm trong Tiểu Lý Phi Đao 1999. Ngoài đời, nữ diễn viên cũng được mệnh danh là Đệ nhất mỹ nữ Đài Loan. Tạo hình gắn cây quạt trên đầu của Tiêu Tường đến nay vẫn là một trong những tạo hình đẹp, gây ấn tượng nhất của phim cổ trang Trung Quốc. Tiêu Tường đã thể hiện rất tốt một đại mỹ nhân cổ điển dáng người yểu điệu, dịu dàng lại phóng khoáng. Khoảnh khắc khán giả nhìn vào đôi mắt trong veo của cô, họ như cảm nhận được hoàn cảnh đau khổ mà Lâm Thi Âm đang phải chịu đựng.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-8
Bên cạnh nhân vật Tình Nhi trong Hoàn Châu cách cách, vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Vương Diễm là Bạch Phi Phi trong Võ lâm ngoại sử, chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Cổ Long. Bạch Phi Phi là nhân vật phản diện trong phim nhưng nổi bật hơn cả nữ chính. Màn hóa thân xuất sắc của Vương Diễm khiến khán giả không thể giận Bạch Phi Phi, thậm chí quên cả đúng sai để đứng về phía nàng. Cuộc đời nàng chỉ có một mục đích là trả thù, khiến nàng quên mất đi tình yêu và những điều tốt đẹp khác. Bạch Phi Phi đại diện cho vẻ đẹp bi thảm khiến khán giả thổn thức.

Sau Châu Hải My, nữ hiệp kinh điển trên màn ảnh còn những ai?-9
Nữ nhân vật phản diện tiêu biểu trên màn ảnh Hoa ngữ không thể không kể đến Giang Ngọc Yến trong Tiểu Ngư Nhi và Hoa Vô Khuyết phiên bản năm 2004 do Dương Tuyết thủ vai. Dùng thực lực diễn xuất của mình, Dương Tuyết đã thể hiện thành công vai ác nữ điên loạn Giang Ngọc Yến. Đây là vai mỹ nhân phản diện kinh điển, đến ngày nay vẫn trở thành khuôn mẫu cho thế hệ trẻ. Thậm chí, khán giả còn bình luận, bộ phim này có thể lấy tên Giang Ngọc Yến truyền kỳ bởi diễn xuất, ngoại hình của Dương Tuyết đã lấn át các vai diễn còn lại. Giang Ngọc Yến trong phim khi cố tình đóng giả dáng vẻ nhu nhược dễ dàng lấy được sự thương cảm, khiến người khác muốn che chở cho nàng. Nhưng khi nàng trêu đùa tình yêu và quyền lợi trong tay, nàng lại khiến người xem sợ hãi. Vẻ đẹp nguy hiểm của Giang Ngọc Yến là điểm cuốn hút nhất của bộ phim.

Theo Tiền Phong