Concert của BLACKPINK diễn ra tại Hà Nội trong hai tối 29 và 30/7. Sân vận động Mỹ Đình gần như được phủ kín bởi hơn 67.000 khán giả - con số có thể coi là hiện tượng đột biến trong thị trường biểu diễn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thành công này, chúng ta lại một lần nữa đặt ra câu hỏi: Bao giờ thị trường biểu diễn Việt Nam có thể vươn mình ra thế giới?
BLACKPINK trong concert tại Hà Nội.
Thấy gì từ concert của BLACKPINK?
Trước tiên, cần khẳng định BLACKPINK biểu diễn thành công tại Mỹ Đình là một hiện tượng mang tính chất đột biến tại thị trường biểu diễn Việt Nam.
Là một trong những khán giả có mặt tại đêm diễn, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định: “Concert lần này được tổ chức rất chuyên nghiệp, từ âm thanh, ánh sáng tới những hiệu ứng pháo đều được đầu tư rất kỹ lưỡng. Theo tôi được biết thì tất cả thiết bị đều được thuê ở nước ngoài nên chương trình có thể nói mang tầm quốc tế. Nói thật, tôi không có lời nào để chê”.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định: “Từ trước đến nay, cũng không ít nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam biểu diễn. Nhưng nhìn chung họ chỉ đóng vai trò khách mời trong những đêm nhạc. Vì vậy nên có thể khẳng định Born Pink chính là show âm nhạc quốc tế hoành tráng nhất được tổ chức tại Việt Nam. Phủ kín 2 đêm với gần 70 nghìn khán giả, BLACKPINK tạo được điều kỳ tích với thị trường biểu diễn tại Việt Nam", Dương Khắc Linh chia sẻ.
Thành công trong concert của BLACKPINK sẽ khiến các nghệ sĩ quốc tế chú ý hơn tới Việt Nam.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng khẳng định, thành công trong concert của BLACKPINK sẽ khiến các nghệ sĩ quốc tế chú ý hơn tới Việt Nam.
"Hy vọng nhờ sự thành công của Born Pink tại Hà Nội, các nghệ sĩ quốc tế sẽ thấy được rằng khán giả Việt Nam cũng rất chịu chi để được gặp thần tượng. Khán giả hiện nay sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thưởng thức âm nhạc thì không có lẽ nào mà các nghệ sĩ quốc tế không tới đất nước chúng ta", anh nói thêm.
Chung quan điểm với nhạc sĩ Dương Khắc Linh, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ với phóng viên VTC News:“Tôi nghĩ việc BLACKPINK chọn Hà Nội là chặng cuối trong chuyến lưu diễn ở châu Á cho thấy Việt Nam là điểm đến rất nhiều tiềm năng. Các nghệ sĩ khi lựa chọn điểm đến để tổ chức lưu diễn, thường sẽ đo hiệu ứng, số lượng khán giả, điều kiện, thủ tục pháp lý, khâu tổ chức, an ninh, lượng thiết bị,.. ở nước sở tại có đáp ứng được hay không.
Thành công từ hai đêm diễn của BLACKPINK cho thấy Việt Nam đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý, cộng đồng người hâm mộ, chi phí mà họ sẵn sàng bỏ ra để đi xem show diễn... Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ thế giới đến Việt Nam cũng như là cơ hội quảng bá hình ảnh, văn hoá, đất nước con người Việt Nam với thế giới.
Chúng ta cũng có rất nhiều lợi thế, chi phí rẻ so với thế giới. Đặc biệt có lượng người hâm mộ đông đảo, hiện đại để có thể tiếp cận được thế giới”.
Đạo diễn Hoàng Công Cường chỉ ra: “Thực tế, trong những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến của các ngôi sao quốc tế, có thể kể đến Charlie Puth vừa qua hay trước BLACKPINK, nhiều ngôi sao Hàn Quốc cũng đã đến Việt Nam biểu diễn Bi Rain, SNSD, T-Ara, WINNER, Super Junior,.…”
Đạo diễn Hoàng Công Cường trong đêm nhạc BLACKPINK tại Hà Nội.
Việt Nam bao giờ...được như Hàn Quốc?
Nhiều người có chung nhận định, Việt Nam đang dần vươn lên thành thị trường tiềm năng để nghệ sĩ quốc tế lớn chú ý và sang biểu diễn. Điều này tạo cơ hội cho khán giả trong nước được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, tiệm cận với nền giải trí thế giới và cũng góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với thế giới.
Tuy nhiên, để đặt câu hỏi ngược lại, bao giờ Việt Nam có các nghệ sĩ vươn ra quốc tế, bao giờ ngành biểu diễn tại Việt Nam có thể lấy được nguồn thu từ khán giả quốc tế thì nhiều người lại e ngại.
BLACKPINK.
Về việc các nghệ sĩ Kpop tạo được sức hút mạnh trên thị trường quốc tế, Dương Khắc Linh lý giải chính phủ Hàn Quốc đã tập trung đầu tư vào công nghiệp giải trí từ hàng chục năm trước.
Nam nhạc sĩ nhận định, chính phủ Hàn Quốc có chiến lược lớn khi xác định dùng văn hoá của mình để quảng bá cho cả thế giới. Họ coi nó giống như một chiếc "card visit" để cho cả thế giới biết họ là người Hàn Quốc.
"Tôi hay thậm chí nhiều người cũng không thể tưởng tượng một ngày những người da trắng, da màu sẽ thần tượng người Á châu. Đó là điều trước đây không ai nghĩ có thể xảy ra.
Hiệu ứng Gangnam Style đã mở màn cho trào lưu nhạc Kpop xâm chiếm vào thị trường quốc tế. Hiện nay BTS hay BLACKPINK cũng đã trở thành những nhóm hàng quốc tế. Thậm chí BLACKPINK còn vượt qua cả nhóm nhạc huyền thoại Spice Girls. Đó chính là hành trình của một đất nước để tạo ra một xu hướng mới. Điều đó kéo theo cả một nền kinh tế của Hàn Quốc cũng phát triển vượt bậc.
Tôi nghĩ nếu Việt Nam cũng muốn có được sự phát triển như Kpop thì cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người, từ nhà nước cho tới những cấp quản lý cao", nhạc sĩ khẳng định.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh.
Nhiều người tinh ý sẽ nhận ra, ban đầu, Hà Nội không có tên trên bản đồ lưu diễn của nhóm BLACKPINK. Tuy nhiên, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, thông tin BLACKPINK tới biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình được công bố. Điều đó cho thấy, nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc luôn có mối quan hệ mật thiết với nhà nước, cả hai phối hợp hợp ăn ý trong việc thực hiện một mục tiêu chung là quảng bá văn hóa Hàn Quốc.
Ngoài vấn đề mang tính chất chiến lược ở tầm vĩ mô, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng thẳng thắn cho rằng các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay rất giỏi, thậm chí cũng có nhiều người tài năng không thua kém gì các nghệ sĩ Kpop. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang thiếu một công ty đủ mạnh làm bước đệm cho tài năng này được phát triển.
"Điều quan trọng nhất chính là vấn đề tài chính. Các công ty giải trí ở nước ta chưa thể có đủ kinh phí để đầu tư cho các nghệ sĩ của mình như Hàn Quốc. Khi đã có một sản phẩm hay, chúng ta cần phải có rất nhiều tiền để đầu tư cho phần quảng bá. Tôi biết có một số nhóm nhạc Kpop thậm chí phải chi mấy triệu USD/năm chỉ để dành cho quảng cáo. Đây cũng là lý do nghệ sĩ Việt Nam chưa đủ sức để tạo được sức hút như các nghệ sĩ Kpop".
Tuy vậy, nhạc sĩ Dương Khắc Linh hy vọng sẽ có một ngày, các nghệ sĩ Việt có cơ hội vươn tầm quốc tế khi thời gian qua có khá nhiều nghệ sĩ như Chi Pu, Hoàng Thuỳ Linh... cũng tạo được chú ý ở nước ngoài.
Đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ với VTC News: “Nhóm nhạc BLACKPINK là sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Nếu so về chất lượng âm nhạc, tôi đánh giá Việt Nam có nhiều nghệ sĩ có chuyên môn cao hơn, giỏi hơn, hát hay hơn nhưng điều đó thôi thì chưa đủ.
Thực tế rất rõ ràng, đa phần các nghệ sĩ tại Việt Nam đang hoạt động trên tư cách cá nhân là chủ yếu, công ty chỉ là những người trợ lý phụ giúp cho nghệ sĩ đó thôi.
Còn BLACKPINK, họ hội tụ các yếu tố về nhan sắc, giọng hát, vũ đạo. Nhưng yếu tố khiến họ thành công toàn cầu là chiến lược kinh doanh, chiến lược thương hiệu, marketing, PR,… của công ty quản lý. Cùng với đó, tôi nghĩ họ cũng có sự may mắn nhất định khi ra mắt vào thời điểm các nhóm nhạc Hàn Quốc gen 2 như SNSD, T-ara, BIGBANG,… không còn "làm mưa làm gió" nhiều trên thị trường".
Đạo diễn Hoàng Công Cường phân tích thêm: “Các công ty giải trí Hàn Quốc có chiến lược ký hợp đồng độc quyền 7-8 năm với 1 nhóm nhạc. Các nhóm nhạc mới được đào tạo, ra mắt liên tục, tập trung phát triển theo từng thời kỳ. Các nhóm nhạc đã nổi tiếng nếu không giữ được sức nóng sẽ bị thay thế bởi các nhóm nhạc mới". Sự cạnh tranh khắc nghiệt này buộc các nghệ sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc không ngừng phát triển, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.
Trả lời câu hỏi, thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng có không ít các công ty đào tạo mô hình nhóm nhạc thần tượng như Hàn Quốc nhưng tại sao không thành công, đạo diễn Hoàng Công Cường lý giải: “Đào tạo một nhóm nhạc thần tượng rất tốn kém. BLACKPINK ra mắt vào năm 2016, để nhóm nhạc có thể thành công, công ty quản lý mở ra cuộc tuyển chọn toàn cầu, lựa chọn những tài năng và đào tạo, rèn dũa về giọng hát, vũ đạo, hình thể,… trong 7 năm.
Để thực hiện được điều này ở Việt Nam là rất khó. Không ít công ty đào tạo nghệ sĩ ở Việt Nam cũng đã cử sang Hàn Quốc, Mỹ để học tập. Nhưng đều không thành công bởi không có đủ tài chính và chiến lược từ đầu.
Hơn nữa, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã được hình thành và phát triển từ lâu. Hàn Quốc cũng xác định ngành công nghiệp văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm, là "trục xương sống" để phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch, lan toả hình ảnh của Hàn Quốc. Nó là ''quyền lực mềm'' để phát triển các ngành dịch vụ liên quan. Vì thề họ tạo điều kiện để sân chơi này phát triển. Từ đó, các công ty giải trí được hình thành, có chiến lược, chiến dịch nhất định, bài bản.
Còn ở Việt Nam, những năm gần đây, ngành văn hoá cũng đã xác định đây là mục tiêu chiến lược, tuy nhiên vẫn chưa có chế tài và cơ chế hướng dẫn cụ thể".
BLACKPINK biểu diễn thành công tại Hà Nội.
Trước đó, trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên VTC News, nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Khắc Hưng đều có chung nhận định, nền giải trí của Việt Nam muốn được như Hàn Quốc không thể chỉ dựa trên nỗ lực của các nghệ sĩ, mà còn phải có sự chung tay của nhiều bộ phận, hay nói cách khác là một chiến lược mang tầm quốc gia. Cả hai nhạc sĩ cũng khẳng định, nhạc Việt muốn vươn mình, không thể thiếu bệ đỡ là các hãng thu âm lớn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố đó. Và đó cũng là lý do chúng ta có thể có nhiều đêm nhạc như BLACKPINK tại Việt Nam nhưng bao giờ có một BLACKPINK của Việt Nam ra thế giới thì không ai dám trả lời.
Theo VTC