Theo China Women's News, tại Trung Quốc, nhiều cặp vợ chồng là con một hiện chọn ở lại với gia đình mình sau khi kết hôn. Họ muốn chia sẻ gánh nặng nuôi dạy con cái và nối dõi tông đường cho cả hai bên.
Xu hướng xuất phát từ nhu cầu thực tế
Kiểu sắp xếp hôn nhân này được gọi là "Liang tou hun" (tạm dịch: Hôn nhân hai ngả). Trong đó, vợ và chồng đều là con một trong gia đình. Sau khi cưới, họ sẽ không sống chung nhà. Chồng vẫn sống với cha mẹ ruột và vợ cũng vậy.
Các cặp vợ chồng này thường sinh hai đứa con. Một đứa lấy họ cha và chủ yếu do gia đình nhà trai nuôi dưỡng. Đứa còn lại lấy họ mẹ, do nhà gái nuôi nấng.
Trong cuộc hôn nhân đặc biệt này sẽ không có khái niệm "ông ngoại, bà ngoại". Đứa trẻ sẽ gọi người sinh ra cha hoặc mẹ mình là "ông nội, bà nội".
Mô hình "Hôn nhân hai ngả" đang trở nên hot ở Trung Quốc. (Ảnh: China Daily).
Mô hình này đã xuất hiện ở các vùng nông thôn thuộc tỉnh Chiết Giang và Giang Tô (Trung Quốc) những năm gần đây.
"Hôn nhân hai ngả" góp phần loại bỏ những định kiến về độc thân và kết hôn có từ xa xưa. Loại mô hình này đề cao sự tự do cá nhân, hạn chế việc ly hôn do mâu thuẫn gia đình, chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
Theo ông Yang Huili - luật sư của Công ty Luật Zhejiang Nuoliya, kiểu hôn nhân mới đến từ nhịp sống hiện đại, phát triển nhanh - nơi các cặp vợ chồng không còn sức lực và thời gian để chăm sóc con cái mà phải dựa vào cha mẹ.
Ông cho biết thêm, sự phụ thuộc vào các gia đình gốc cũng là kết quả của khả năng sống độc lập kém đến từ một số cha mẹ đơn thân.
Lợi ích của mô hình "hôn nhân hai ngả"
Yang Hong - luật sư từ Đại học Hong Kong, Trung Quốc - chia sẻ: "Trong cuộc hôn nhân này, chú rể không cần tặng quà đính hôn đắt tiền cho nhà gái và cô dâu không phải trả của hồi môn. Điều đó giúp giảm gánh nặng tài chính cho cả hai bên và khuyến khích nhiều người trẻ tuổi kết hôn hơn".
Công ty Siwei cho biết, "hôn nhân hai ngả" giúp giảm bớt vấn đề già hóa dân số mà Trung Quốc đang phải đối mặt bằng cách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh hai con. Việc mỗi đứa trẻ lấy một họ của bố hoặc mẹ cũng có thể ngăn ngừa những tranh chấp về việc nuôi dạy con cái.
Cặp vợ chồng sống riêng có thể nuôi con theo cách mình mong muốn. (Ảnh: China Daily).
Du Peng - luật sư tại Công ty Luật Shunbo tại Chiết Giang, Trung Quốc - cho hay, "hôn nhân hai ngả" sẽ ít gây áp lực tinh thần hơn cho chú rể - những người phải sống với gia đình cô dâu sau khi kết hôn vì nhà anh ta không khá giả.
"Trong mô hình hôn nhân này, khi các cặp đôi kết hôn mà không có gánh nặng về tài chính thì mối quan hệ sẽ bớt áp lực tinh thần hơn đối với người đàn ông", luật sư Du nói.
Tồn tại những khía cạnh tiêu cực
Trong khi "hôn nhân hai ngả" có thể mang lại sự gắn bó giữa người vợ hoặc chồng với gia đình họ thì tính toàn vẹn của gia đình sẽ bị ảnh hưởng và sự thân mật của cặp đôi có thể bị hủy hoại.
Không ít trường hợp, cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn vì tranh cãi về các vấn đề như thời gian không được phân bố đồng đều giữa hai bên.
Mô hình hôn nhân mới có thể gây ra nhiều hậu quả về sau. (Ảnh: China Daily).
Ngoài ra, việc nuôi con riêng còn tạo ra các vấn đề tâm lý như thích con trai hoặc con gái hơn.
Sự thiên vị này sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa những đứa trẻ và khiến chúng khó hòa nhập với gia đình, nhất là khi hai đứa trẻ của một cặp vợ chồng sống riêng trong thời gian dài.
Về triển vọng lâu dài của cuộc "hôn nhân hai ngả", các chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau.
Luật sư Yang Huili cho biết, sự sắp xếp này là kết quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Khi hạn chế về sinh đẻ được nới lỏng và các cặp vợ chồng được khuyến khích sinh nhiều hơn một con, nhu cầu về những cuộc hôn nhân như vậy sẽ giảm đi, hiện tượng này cũng giảm bớt.
Do ngày càng có nhiều dịch vụ giúp việc gia đình chuyên nghiệp và những cải tiến đối với hệ thống giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ mẫu giáo, các cặp vợ chồng sẽ dễ dàng rời bỏ gia đình ban đầu của mình.
Ở chiều ngược lại, luật sư Yang Hong cho rằng, "hôn nhân hai ngả" sẽ trở nên phổ biến hơn.
Theo bà, với sự tiến bộ của giáo dục và xã hội, thái độ của người dân đối với hôn nhân, việc nuôi con cái sẽ cởi mở hơn, nỗi ám ảnh về việc nối dõi tông đường cũng được giảm bớt.
Theo Dân Trí