Từ Hi thái hậu (1835 - 1908) thường được gọi là Từ Hi hoàng thái hậu. Bà vốn là phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế, mẹ đẻ của Đồng Trị Hoàng đế. Ngay cả khi Hoàng đế Đồng Trị và Quang Tự còn tại vị, người phụ nữ này vẫn nắm toàn quyền suốt 47 năm.
Từ Hi thái hậu là một trong những người phụ nữ bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa. Các nhà sử học, chuyên gia lịch sử phân tích rằng, bà chính là một trong những nguyên nhân khiến triều Thanh lâm vào con đường suy vong.
Chân dung Từ Hi thái hậu, một trong những người phụ nữ quyền lực nổi tiếng của triều đại phong kiến Trung Hoa (Ảnh: Sina).
Không chỉ là người phụ nữ quyền lực nổi tiếng của triều đại phong kiến Trung Quốc, xung quanh Hoàng hậu Từ Hi còn vô số giai thoại khiến hậu thế quan tâm. Trong số đó, lối sống xa hoa của vị thái hậu này là chủ đề được bàn luận nhiều nhất.
Nhiều nhà sử học cho rằng, dưới sự lãnh đạo của thái hậu Từ Hi, chế độ phong kiến Trung Hoa suốt hơn 2.000 năm dần kết thúc. Nếu như ở thời vua Càn Long, nhà Thanh thịnh vượng, ngân khố đầy ắp, thì đến giai đoạn của Từ Hi, kho bạc quốc gia gần như trống rỗng. Mặc dù vậy, người phụ nữ quyền lực này vẫn yêu cầu mọi thứ xa hoa bậc nhất.
Vào ngày 15/11/1908, bà qua đời ở điện Nghi Loan. Thế nhưng sau khi băng hà, thi thể bà không chôn cất luôn. Tận một năm sau, tới tháng 11/1909, triều đình nhà Thanh mới tiến hành tang lễ cho Từ Hi Thái hậu.
Tang lễ của thái hậu được tổ chức với quy mô hoành tráng là điều không khó hiểu. Thông tin từ sử sách ghi chép cho thấy, dù không phải là Hoàng đế, nhưng số ngân lượng để phục vụ các nghi thức tang lễ của bà còn tốn kém hơn nhiều so với các vị Hoàng đế trước đó.
Đám rước linh cữu của thái hậu (Ảnh: Sina).
Theo tương truyền, linh cữu được mạ vàng ròng, gắn hàng nghìn viên ngọc trai, 6.000 viên ngọc, hơn 200 viên đá quý màu trắng. Phía sau linh cữu là hàng trăm cung nữ mặc trang phục lộng lẫy màu đỏ, tay cầm cờ và dải lụa trắng treo rủ. Đoàn người cầm cờ đông tới mức khiến người ta liên tưởng tất cả số cờ trong Hoàng cung đều được mang ra để tiễn đưa Thái hậu.
Vào thời điểm đó, một nhiếp ảnh gia nước ngoài được phép tham dự buổi lễ, sử dụng máy ảnh để ghi lại cảnh đại tang của Thái hậu. Đó cũng chính là những thước ảnh cũ hiếm hoi còn lưu giữ tới ngày nay.
Chân dung Long Dụ hoàng hậu, vợ của Hoàng đế Quang Tự, đồng thời là cháu ruột của Từ Hi (Ảnh: Baidu).
Sau tang lễ, Hoàng hậu Long Dụ, vợ của Hoàng đế Quang Tự, cùng một số thân tín đã phát hiện ra căn phòng bí mật nằm ở vị trí kín đáo bên trong phòng ngủ của Từ Hi thái hậu.
Để vào căn phòng này phải đi qua một lối hẹp. Khi mật thất mở cửa, tất cả đều sửng sốt. Bên trong là một kho báu riêng tư, chứa đầy ắp vàng bạc, châu báu, vô số bức thư pháp và tranh cổ của nhiều danh họa nổi tiếng. Đây chính là nơi cất giữ tài sản vô giá của thái hậu.
Các nhà sử học phân tích, phải biết rằng thời điểm này ngân khố nhà Thanh trống rỗng khiến đất nước khốn khó. Thế nhưng Từ Hi thái hậu vẫn có khối tài sản riêng để theo đuổi lối sống xa hoa, hưởng lạc. Nếu kho báu được phát hiện sớm hơn, nó có thể đổi thành khoản có ích phục vụ cho mục đích chung.
Hình ảnh minh họa Từ Hi thái hậu qua đời được chôn cất cùng kho báu (Ảnh: News).
Sau khi tạ thế, Từ Hi được chôn cất tại lăng mộ thuộc quần thể lăng Thanh Đông, cách Tử Cấm Thành hơn 100 cây số. Các nhà nghiên cứu cho rằng, số vật báu đặt tại lăng mộ của bà còn giá trị hơn nhiều.
Tuy nhiên, vào năm 1928, vụ trộm mộ khét tiếng trong lịch sử hiện đại đã diễn ra. Đứng đầu là Tôn Điện Anh cầm toán quân xâm phạm lăng Thanh Đông.
Tại đây, y cùng đồng bọn đã vào lăng mộ của Từ Hi Thái hậu, cậy nắp quan tài và đánh cắp rất nhiều báu vật quý giá bên trong.
Theo Dân Trí