Sau Thái Lan, đến lượt Hàn Quốc ngậm ngùi vì bị Taylor Swift từ chối

“Đáng lẽ tôi nên mang buổi hòa nhạc đến Hàn Quốc và nghe 'Xin chào, Seoul' thay vì 'Xin chào, Tokyo'”, CEO Hyundai Card chia sẻ sau khi tham dự buổi hòa nhạc của Taylor Swift ở Tokyo, Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều fan Đông Nam Á của nữ ca sĩ thất vọng, suy đoán lý do Singapore là điểm dừng chân duy nhất ở khu vực.

CEO Hyundai Card tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội đưa tour diễn của Taylor Swift tới Hàn Quốc

Chung Tae Young, nhân vật nổi bật trong ngành công nghiệp hòa nhạc Hàn Quốc, đồng thời là CEO kiêm phó chủ tịch của Hyundai Card, bày tỏ sự thất vọng trước cơ hội bị bỏ lỡ để đưa ngôi sao nhạc pop nổi tiếng toàn cầu Taylor Swift đến Hàn Quốc. Chung Tae Young từng đưa nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Hàn Quốc để biểu diễn, gần đây nhất là Bruno Mars.

Phó Chủ tịch Chung đã chia sẻ bài đăng có tiêu đề "Buổi hòa nhạc của Taylor Swift tại Tokyo Dome". Ông nêu quan điểm: "Lẽ ra chúng tôi phải nghe thấy cụm từ 'Xin chào Seoul' sau khi đàm phán thành công, nhưng thay vào đó lại là 'Xin chào Tokyo’”.

Theo ông, nhiều chính phủ bày tỏ mong muốn đưa buổi hòa nhạc của Taylor Swift đến quốc gia của họ, tuy nhiên phía Hàn Quốc chưa đáp ứng được yêu cầu từ nữ ca sĩ do thiếu địa điểm quy mô lớn.

Sau Thái Lan, đến lượt Hàn Quốc ngậm ngùi vì bị Taylor Swift từ chối-1

Mô tả bầu không khí tại Tokyo Dome (Nhật Bản) trong buổi hòa nhạc, ông cho biết: "Tôi đã quan sát nhiều khu vực khác nhau tại Tokyo Dome để xem cách tổ chức. Đó là khung cảnh nhộn nhịp với rất nhiều người tham dự, di chuyển xung quanh. Mỗi bài hát đều có cách dàn dựng sân khấu khác nhau. Đặc biệt, đây là lần đầu tôi chứng kiến ​ sân khấu có hai ban nhạc đặt ở mỗi bên, tạo nên hiệu ứng hình ảnh phản chiếu đầy quyến rũ”.

The Eras Tour ở Nhật Bản được tổ chức trong bốn ngày liên tiếp bắt đầu từ 7/2 tại Tokyo Dome, nơi có sức chứa 55.000 chỗ ngồi. Địa điểm tổ chức có rất nhiều người hâm mộ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines và các nước châu Á lân cận khác.

Năm 2011, Taylor Swift từng đến Hàn Quốc tổ chức buổi hòa nhạc tại KSPO Dome (trước đây gọi là Sân vận động Thể dục dụng cụ), kỷ niệm việc phát hành album thứ ba Speak Now. Vào thời điểm đó, nữ ca sĩ không phải là cái tên quá nổi bật ở thị trường Hàn, khiến đêm nhạc trở thành concert duy nhất không cháy vé.

Khoảng 4.725 người đã tham dự buổi diễn tại sân KSPO có sức chứa 15.000 người. Taylor hầu như không được chú ý, ngay cả khi đi tàu điện ngầm ở Seoul, rất ít người nhận ra cô.

Chuyến lưu diễn The Eras Tour dự kiến ​​từ tháng 3/2023-12, dự kiến ​​bao gồm 52 buổi biểu diễn chỉ riêng tại Mỹ, tổng cộng 151 buổi biểu diễn trên toàn thế giới. Lịch trình các đêm nhạc có tên hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Singapore.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại vắng mặt. Sự thiếu sót này là do một số thách thức, chẳng hạn như việc cải tạo đang diễn ra tại Sân vận động chính Olympic Jamsil, địa điểm duy nhất trong khu vực có thể tổ chức buổi hòa nhạc tầm cỡ với sức chứa 70.000 người.

Sau Thái Lan, đến lượt Hàn Quốc ngậm ngùi vì bị Taylor Swift từ chối-2
Nhiều chính phủ muốn mang tour diễn của Taylor Swift về đất nước mình. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, các địa điểm tiềm năng khác không thể đặt trước. Gocheok Skydome có sức chứa 25.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, nó đang được tân trang lại cho giải MLB's Seoul Series dự kiến ​​diễn ra vào cuối tháng 3. Sân vận động World Cup Seoul, có sức chứa khoảng 66.700 người, duy trì các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng địa điểm này cho mục đích phi thể thao do bảo trì sân bóng.

The Eras Tour là tour diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại và là chuyến lưu diễn đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1 tỷ USD doanh thu.

Các cơ quan tài chính Mỹ năm 2023 ghi nhận giọng ca Lover vì đã thúc đẩy nền kinh tế khu vực trong chuyến lưu diễn The Eras Tour tại Mỹ, gọi đó là "Swiftonomics – nền kinh tế Taylor Swift".

Công ty nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, AskPro, ước tính chuyến lưu diễn của cô tại Mỹ đã tạo ra chi tiêu tiêu dùng hơn 5 tỷ USD.

Theo The Japan Times ngày 8/2, buổi hòa nhạc của Swift tại Tokyo tạo ra tác động kinh tế trị giá 34,1 tỷ yên (226 triệu USD).

Đáng nói, khi Canada bị loại khỏi danh sách các nước lưu diễn, Thủ tướng Justin Trudeau đã trích dẫn lời bài hát của Swift trên tài khoản cá nhân để thu hút tour. Các nguyên thủ quốc gia hoặc nghị sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau như Chile, Thái Lan, Hungary và Argentina đã tích cực quảng bá, thể hiện sức hấp dẫn toàn cầu của đêm nhạc Taylor Swift.

Sky News cho biết ông Srettha Thavisin - Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan – bày tỏ sự tiếc nuối và bất ngờ trước nước đi khôn ngoan của chính phủ Singapore. Ông tiết lộ Singapore đã thực hiện thỏa thuận để đảm bảo Taylor Swift sẽ không biểu diễn ở bất kỳ nơi nào khác ở Đông Nam Á.

Ông Srettha nói nếu tour diễn ở Thái Lan, ông tin rằng có thể thu hút nhiều nhà tài trợ và khách du lịch đến đất nước này hơn, dù chính phủ phải trợ cấp ít nhất 500 triệu baht (xấp xỉ 14 triệu USD), ông nhấn mạnh điều đó đáng giá. “Nếu tôi biết điều này, tôi đã mang buổi biểu diễn đến Thái Lan. Các buổi hòa nhạc có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế” - ông Srettha Thavisin nói.

Lý do các quốc gia bị chuyến lưu diễn của Taylor Swift từ chối

Singapore là điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á của nữ ca sĩ 34 tuổi, nhiều fan bày tỏ sự thất vọng vì không đủ khả năng đến gặp thần tượng. Swifties (cộng đồng fan Taylor Swift) suy đoán rằng việc thiếu địa điểm phù hợp, lo ngại về sự nhạy cảm tôn giáo, bất ổn chính trị… có thể khiến các sự kiện quy mô lớn bị hủy bỏ.

Philippine Daily Inquirer phản ánh về những lời phàn nàn của người hâm mộ " làm nổi bật tình trạng đáng buồn của cơ sở hạ tầng Philippine".

Đất nước này là nơi có lượng lớn người hâm mộ nữ ca sĩ lớn. Thành phố Quezon ở Metro Manila từng được Spotify liệt kê là nơi có số lượng người nghe Taylor Swift lớn thứ năm trong bảng xếp hạng các thành phố toàn cầu.

Sau Thái Lan, đến lượt Hàn Quốc ngậm ngùi vì bị Taylor Swift từ chối-3
Người hâm mộ Đông Nam Á tiếc nuối vì Singapore nhanh tay "độc quyền" tour diễn của Taylor. Ảnh: Getty.

Trước khi công bố ngày lưu diễn, nhóm người hâm mộ Swifties Philippines đã thực hiện chiến dịch hashtag #WeWantErasTourPhillipines (Tạm dịch: Chúng tôi muốn Eras Tour đến Phillipines) để cố gắng thu hút nữ ca sĩ đến với đất nước này, thậm chí còn tổ chức sự kiện với nghệ sĩ biểu diễn drag Taylor Sheesh - người tái hiện chuyến lưu diễn Eras tại trung tâm mua sắm đông đúc ở Quezon. Uớc tính 10.000 người tham dự buổi sự kiện của “Taylor giả”, kéo dài trong 1 tiếng 34 phút.

Chia sẻ với The Guardian, Charlyn Suizo, 30 tuổi, kỹ sư phần mềm đến từ Laguna và là quản trị viên của nhóm Swifties Philippines, hy vọng những hành động này sẽ gây sự chú ý đến với Taylor nhưng mọi nỗ lực của họ không thành công.

Suizo rất buồn khi không có thông báo về ngày diễn ra chuyến lưu diễn ở Manila và chỉ ra cơ sở hạ tầng đang có vấn đề. “Chúng tôi không có sân vận động lớn phù hợp với sân khấu, công nghệ sẽ được sử dụng cho công tác hậu cần và các thiết lập cần thiết để Taylor thực hiện buổi hòa nhạc”.

Kết nối giao thông là một vấn đề khác. Không có tuyến giao thông công cộng trực tiếp tới Philippine Arena, sân vận động lớn nhất có sức chứa 50.000 người. Suizo đã dành bốn giờ để đi từ Manila đến địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc của Bruno Mars. Cô nói thêm, khoảng một nửa khán giả đến muộn.

Suizo cho biết Philippines đã bỏ lỡ các cơ hội kinh tế liên quan đến việc tổ chức các buổi hòa nhạc lớn.

Ngược lại, sáu buổi biểu diễn của Taylor tại Singapore, nơi có giá vé bắt đầu từ 80 USD, được kỳ vọng mang lại sự thúc đẩy lớn cho lĩnh vực du lịch của đất nước này.

Truyền thông Singapore đã chỉ ra khả năng kết nối, cơ sở vật chất của thành phố và những nỗ lực của hội đồng du lịch nhằm định vị nơi đây như trung tâm giải trí và sự kiện là lý do tạo nên sức hấp dẫn của nó.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/sau-thai-lan-den-luot-han-quoc-ngam-ngui-vi-bi-taylor-swift-tu-choi-post1613174.tpo

Taylor Swift

Tin tức mới nhất