Xưa nay có rất nhiều người quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", trách nhiệm của người chồng là lo kinh tế, việc lớn ngoài xã hội còn vợ thì lo nội trợ chăm con, quản lý mọi việc gia đình.

Tuy nhiên tư tưởng này thật sự không còn hợp với xã hội hiện đại bởi nam nữ bình quyền, phụ nữ khẳng định được vị trí, tiếng nói của mình ngoài xã hội, đương nhiên trong cuộc sống gia đình, họ cũng có quyền yêu cầu chồng phải san sẻ việc nhà. Song nhiều anh chồng lại ích kỷ không chịu sẻ chia gánh nặng cuộc sống với vợ dẫn đến mâu thuẫn cãi vã giống câu chuyện của một người vợ trẻ kể dưới đây:

"Chồng em gia trưởng, ích kỷ lắm. Anh kiếm ra tiền, lương gấp 5 lương vợ. Sau cưới anh yêu cầu em nghỉ việc ở nhà nội trợ mà em không chịu. Thuyết phục không được, anh quay sang bảo em thích bươn trải chịu khổ bên ngoài thì tùy nhưng việc nhà cửa nhất định không bao giờ giúp vì đó là việc của phụ nữ.

Sau trận cãi vã nảy lửa, chồng tuyên bố lấy vợ bằng thừa và hành động quyết liệt của cô vợ-1
Ảnh minh họa

Thời gian này con mọc răng quấy kinh khủng lại thêm việc công ty bận ngập đầu khiến em bị xoay như chong chóng dẫn đến việc nhà cửa không lo chu toàn được như mọi khi. Chồng em không chịu thông cảm còn chì chiết, nói vợ không ra gì.

Hôm đó 7h tối đi làm về thấy mâm cơm vợ nấu chỉ có 3 quả trứng hấp với đĩa rau xào, đậu luộc, anh trợn mắt hỏi: 'Tôi đi làm quần quật cả ngày mà về cô cho ăn như này là sao? Tiền tôi đưa thiếu à?'.

Chẳng là chồng em trước giờ quen ăn uống cầu kì, bữa nào cũng phải có 2 món mặn, 1 luộc, 1 xào. Hôm đó em đi làm về muộn quá, con lại quấy không đi chợ được đành nấu tạm cho nhanh, giải thích rõ với chồng thế. Vậy mà anh làm ầm bảo lấy vợ về như không. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, anh ấy bảo em cứng đầu cứng cổ rồi quát: 'Cô bận không có thời gian chăm chồng thì thôi khỏi, từ nay tôi tự lo. Cứ có tiền thiếu gì người người cung phụng, phục vụ tôi. Lấy vợ như cô bằng thừa'.

Mọi khi em nín nhịn chứ tối đó nhất quyết em không xuống nước. Vợ chồng cãi vã nảy lửa. Sáng hôm sau đúng như anh muốn, em dạy cho con ăn rồi mang gửi lớp sau đó đi làm luôn, không nấu sáng, không là quần áo cho chồng. Bữa tối em chỉ nấu đồ ăn nhẹ hai mẹ con ăn còn chồng hàng quán thế nào em không hỏi.

Ngày thứ 2, thứ 3 trôi qua y hệt. Tới ngày thứ 4, anh đi làm về sớm hơn, đúng lúc mẹ con em ngồi ăn. Anh ngó nghiêng định ngồi xuống cùng thì em đứng dậy dọn mâm. Nghe vẻ 'độ căng' của anh đã chùng xuống, em càng ra sức 'kéo'.

Sang ngày thứ 7, đi làm về em thấy chồng nằm vật vờ trên ghế, quần áo nhàu nhĩ, người chi chít vết gãi xước da. Chẳng là anh ấy bị nóng gan, mấy ngày ăn quán toàn đồ dầu mỡ bị nổi mẩn. Đêm trước gãi cành cạch em biết nhưng kệ. Hôm nay nhìn bộ dạng tội quá, em vào bếp hãm ít chè mướp đắng đưa cho anh uống rồi đun nước lá cho tắm. Tất cả đều diễn ra trong im lặng, tuyệt đối em không nói nửa lời.

Tối ấy em nấu nướng lại như thường, thấy vợ sắp mâm chồng em tự giác ra chuẩn bị cùng chứ không ngồi ì đợi vợ mời như trước. Lúc ăn còn thủ thỉ được câu: 'Về nhà với vợ là nhất. Anh sợ hàng quán quá rồi'.

Chờ mãi câu này từ miệng chồng, em tranh thủ đáp luôn: 'Em tưởng anh có tiền là có tất. Có tiền là có người phục vụ anh'.

Chồng em gượng cười: 'Anh biết anh sai rồi. Chỉ có vợ mới là người lo và chăm sóc anh tận tâm nhất. Không tiền nào có thể mua được điều ấy'.

Sau trận cãi vã nảy lửa, chồng tuyên bố lấy vợ bằng thừa và hành động quyết liệt của cô vợ-2
Ảnh minh họa

Kể từ hôm ấy, chồng em bắt đầu thay đổi. Anh không bắt vợ nghỉ việc, ngược lại còn chủ động về sớm đỡ vợ việc nhà. Đúng là 'sau cơn mưa trời lại sáng', đôi khi có cãi vã vợ chồng mới biết nhìn lại bản thân và hiểu đối phương hơn. Chứ không phải 1 điều nhịn đã là 9 điều lành các chị ạ''.

Sau cưới, cuộc sống bao giờ cũng khác khi yêu rất nhiều bởi lúc ấy cả hai vợ chồng đều phải gánh trên vai áp lực kinh tế, con cái, nội ngoại hai bên nên khó tránh khỏi những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Nhưng không phải cứ cái vã, to tiếng đã là báo động cho sự rạn nứt hôn nhân, đôi khi chính sau những va chạm, thậm chí có lúc làm tổn thương nhau ấy mà vợ chồng lại tìm ra tiếng nói chung, từ đó càng thêm yêu thương, gắn kết. Quan trọng hơn, hai bên phải biết đặt mình vào lập trường của đối phương để suy nghĩ. Làm được như thế, hạnh phúc gia đình mới giữ bền chặt được.

Theo Pháp luật & Bạn đọc