Theo bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Bỏng và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trong những vụ hỏa hoạn lớn, người dân có nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí.
Vị bác sĩ này phân tích có nhiều loại khí độc được sinh ra trong đám cháy như CO, CO2, amoniac… Nạn nhân bị ngạt khí sẽ dẫn đến suy hô hấp, mất kiểm soát, suy kiệt và tử vong nếu không kịp thoát ra.
Nếu hít phải khói và các chất độc trên trong thời gian dài, nạn nhân cũng có thể bị bỏng hô hấp, phù nề đường thở. Đặc biệt, trẻ nhỏ dễ bị suy hô hấp hơn người lớn vì đường thở nhỏ.
Bác sĩ Trinh cho biết thời gian nạn nhân bị ngất xỉu hoặc hôn mê trong đám cháy phụ thuộc vào nồng độ khí hít vào, không gian kín hay thoáng, các vật liệu trong đám cháy cũng như độ tuổi, thể lực… không thể có con số chính xác.
Một nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo chuyên gia này, điều quan trọng nhất là thoát khỏi đám cháy an toàn. Vì vậy, trước hết các nạn nhân phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn. Sau đó, sử dụng khăn thấm nước để bịt kín miệng, mũi cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Thấm ướt chăn mền (nếu có) để che cơ thể rồi thoát ra đám cháy càng nhanh càng tốt.
Đặc biệt, trong quá trình di chuyển phải theo tư thế thấp, khom lưng hoặc trườn, bò vì khí độc chủ yếu ở tầng trên, lượng khí sạch ở sát mặt đất. Tư thế này giúp các nạn nhân giảm lượng khí độc hít vào.
Bác sĩ Trinh lưu ý việc người dân trèo, nhảy từ tầng cao có thể gây ra chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, có thể gây tử vong trước khi được sơ cứu bỏng. Do đó, phải đảm bảo an toàn trước khi thực hiện.
Khi nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy, cần lưu ý không làm trầy trợt da trên các vết bỏng; đặt nạn nhân ở khu vực thoáng khí và đánh giá tình hình tri giác, hô hấp, tuần hoàn. Tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở.
“Ưu tiên cấp cứu những vấn đề ảnh hưởng đến chức năng sống trước khi sơ cứu bỏng. Các chấn thương như gãy đốt sống cổ, gãy xương cũng có thể gây sốc và khiến nạn nhân tử vong, vì vậy lưu ý phải cố định các chấn thương gãy xương trước khi vận chuyển”, bác sĩ Trinh nói.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế sớm nhất sau khi đánh giá chức năng sống. Đây là đối tượng phù nề đường thở, dễ suy hô hấp dẫn đến ngưng thở sớm do đường thở của trẻ dễ bị chít hẹp.
Một cháu bé được đưa ra từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội.
Sau khi đảm bảo các chức năng sống, cần tiến hành sơ cứu vết bỏng cho nạn nhân bằng cách: Ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, có thể tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn để xử trí.
Chú ý giữ ấm cho nạn nhân. Che phủ tạm thời vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, hoặc khăn mặt, khăn tay, vải sạch để phủ lên. Không bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Theo Vietnamnet