Dân văn phòng từng cho rằng đối với những người có năng lực tốt, kinh nghiệm lâu năm thường sẽ nằm trong vùng an toàn.
Thế nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp các sếp, bậc quản lí với chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm lại chật vật hơn và khả năng thoát nạn thất nghiệp khó hơn trong hiện tại.
Méo mặt vì bị thất nghiệp hơn 2 năm
Chị Phương Thanh (31 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, chị có kinh nghiệm ở vị trí Marketing manager (Quản lý truyền thông) được hơn 5 năm, tham gia quản lý cho 3 công ty về dịch vụ và bất động sản. Tuy nhiên, trước làn sóng của suy thoái kinh tế, từ năm 2022, chị bắt đầu thất nghiệp.
Năm đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị Thanh đã nằm trong trường hợp cắt giảm của một công ty khởi nghiệp vì mức lương quá khả năng chi trả. Mấy tháng sau, chị tìm được việc làm mới nhưng lại tiếp tục bị sa thải vào tháng 8 năm ngoái.
Nhiều cấp bậc quản lý cũng chật vật tìm việc vì cơ hội tuyển dụng hạn hẹp (Nguồn ảnh: Pexels).
"Mình đã có một buổi trao đổi với CEO và biết lí do không phải vì năng lực yếu kém hay không mang lại hiệu quả công việc, mà ở hiện tại thì vị trí của mình không phải là nòng cốt để quyết định doanh thu.
Với mức lương hơn 1.000 USD/tháng, công ty chia sẻ có thể dùng chi trả cho 2 chuyên viên mang lại hiệu quả trực tiếp hoặc là một khoản ngân sách dùng cho nhiều việc khác. Trong tình trạng suy thoái, điều này cũng được mình dễ dàng chấp nhận", chị Thanh chia sẻ.
Tương tự, chị Trân Đào (36 tuổi, ngụ TPHCM) cũng vô cùng bất ngờ khi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự vào tháng 3 vừa qua. Sau khi rời bỏ vị trí trưởng nhóm nội dung, đến nay gần nửa năm nhưng chị vẫn chưa tìm được công việc tương đương vị trí cũ.
Nhiều vị trí quản lý buộc phải làm trái ngành ở vị trí nhân viên để đảm bảo thu nhập (Nguồn ảnh: Pexels).
Kiệt sức vì tìm việc
Hiện tại, chị Phương Thanh phải duy trì sinh hoạt bằng quỹ tiết kiệm và trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra chị cũng bắt đầu tập kinh doanh online mỹ phẩm xách tay.
Trước vấn đề kinh tế hiện nay, chị cho biết không chỉ bản thân mà rất nhiều bạn bè, người thân cũng đang trong tình trạng "không tìm ra việc".
"Thị trường bây giờ rất khắc nghiệt. Ngay cả người yêu mình đang ở bậc quản lí mà vẫn chịu cảnh sa thải vào tháng 4 vừa rồi. Với chuyên ngành của mình, các thông tin tuyển dụng nhân viên như nội dung, thiết kế… thì nhiều, còn vị trí quản lý lại cực kì hiếm hoi, hoặc mức lương doanh nghiệp đề nghị rất thấp", chị Phương Thanh nói thêm.
Nhiều nhân sự kiệt sức vì đã tìm hiểu rất lâu nhưng không ra việc (Nguồn ảnh: Pexels).
Khác với chị Thanh, chị Trân Đào tiết lộ chị đã tìm được một công việc trái ngành và làm hơn 2 tháng. Tuy nhiên chị cũng chia sẻ, trước sức ép vì độ tuổi cao và độ nhanh nhẹn của Gen Z, chị thường bị đặt vào các tình huống khó xử.
"Mình đã rải hồ sơ đều đều khi quét việc trên các trang tuyển dụng và thử đi phỏng vấn khi được giới thiệu. Thực tế, các doanh nghiệp hứng thú với các bạn trẻ vì họ có tư duy cởi mở, cập nhật nhanh và sáng tạo hơn mình.
Thế nhưng, nếu nằm nhà chờ thời, có khi mình phải thất nghiệp từ 1-2 năm. Trong thời gian này, mình đành làm tạm một công việc thiên về quản lý chuỗi cung ứng. Mọi thứ khá đơn giản nên mình tạm hài lòng", chị Đào cho biết thêm.
Theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý II của Tổng cục Thống kê (GSO), tỷ lệ thiếu việc làm đã tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lao động ở vùng Đông Nam Bộ (bao gồm TPHCM và 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu) chịu tác động nhiều nhất.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý II khoảng 940.700 người, tăng 54.900 người so với quý trước và tăng 58.900 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,07 triệu người, tăng 25.400 người so với quý trước và tăng 1.900 người so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, hội công sở không còn quá ngạc nhiên khi nghe xung quanh có người vừa mới bị sa thải hoặc đang chật vật tìm kiếm việc làm phù hợp.
Theo Dân Trí