Vay mượn, nhờ vả rồi... quên
Kể ra sự ấm ức, khó chịu của mình, chị Nguyễn Ngọc Diệu, 41 tuổi, nữ quản lý tại một công ty truyền thông ở quận 1, TPHCM cũng thấy khó tin. Vậy nhưng, đó là điều chị đang đối mặt ở môi trường công sở mà chưa thể xử lý.
Trưởng phòng phụ trách nội dung, có tiếng là sếp nhưng thật ra dưới chị Diệu chỉ có 4 nhân viên kém chị một vài tuổi.
Nhiều người ức chế vì hay bị sai vặt, nhờ vả ở công sở (Ảnh minh họa: Thedelite).
Chị em làm việc cùng nhau khá thân thiết, không mấy bị giới hạn bởi khoảng cách cấp trên, cấp dưới nên môi trường làm việc khá thoải mái. Tuy nhiên, sự thân tình kiểu "bằng vai phải lứa" với nhân viên kéo theo cho chị Diệu nhiều điều khó chịu.
Chị Diệu kể, lâu nay, cả phòng kéo nhau đi ăn thì mặc nhiên là... sếp trả tiền. Trừ trường hợp cá nhân nào mời cụ thể, còn lại tất cả đổ đầu sếp.
Chị tặc lưỡi cho qua, đôi lần không vui hoặc hết tiền, chị lấy cớ bận việc từ chối đi ăn cùng mọi người. Điều chị khó chịu, ấm ức nhất là trường hợp nhân viên hay nhờ vả mua đồ, thanh toán khoản này khoản kia nhưng ít khi hoàn lại.
Chị không nhớ bao nhiêu lần, với các khoản cùng chia đều (share) hay tiền xe đi lại, mấy em nhân viên tiện nhờ: "Chị gửi luôn rồi về em trả lại". Cả khoản hiếu hỷ, chị cũng bị gửi "bỏ bì thư giúp em" rồi... bơ luôn. Chị ngại, không thể mở lời hỏi.
"Chị đại" ấm ức, bực bội nhất là nữ nhân viên tên Hằng, kém chị chỉ 2 tuổi thường xuyên "sai vặt" nhờ chị mua thứ này thứ kia.
Biết chỗ nhà sếp gần vựa trái cây, hôm Hằng nhắn nhờ mua vài ký bòn bon, hôm nhờ mua cân mãng cầu, hôm ít xoài cát. Chưa kể còn nhờ thanh toán tiền cơm, trà sữa... mà năm thì mười họa mới gửi lại tiền một lần.
Chị Diệu từng nhiều lần mang nỗi bực dọc "bị lính ăn quỵt" về kể với chồng, anh khuyên nếu không rõ ràng thì nên học cách từ chối. Chị cũng nhiều lần tự hứa sẽ nói "không" khi được nhờ vả, gửi gắm những thứ không hợp lý.
Mà rồi khi bên kia mở lời, chị như mắc nghẹn ở cổ họng, lại gật đầu, không thể nói lời từ chối. Chỉ mới tuần rồi, Hằng lại nhờ chị mua con gà ủ muối 285.000 đồng rồi... im re, không thấy trả tiền.
Nói "không" hay từ chối đề nghị của người khác và việc khó khăn với rất nhiều người (Ảnh minh họa).
Một nhân viên khác than túng, vay tạm sếp 1 triệu đồng đưa mẹ đi khám mắt từ tháng trước, nhận lương xong cũng không thấy động tĩnh gì.
Tính ra tiền nong có thể không nhiều nhưng cảm giác ức chế, khó chịu ngập ngụa với chị Diệu. Chị trách bản thân hay cả nể, luôn sợ mất lòng người khác để rồi luôn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Ngoài lở xởi, trong ấm ức
Mới đây, trên một diễn đàn nhân sự sục sôi câu chuyện "đồng nghiệp mượn xe máy". Em nhân viên ngày đầu đi làm kể một người đồng nghiệp mượn xe máy để về nhà vào buổi trưa.
Chẳng nghĩ ngợi gì, nhân viên mới đồng ý và từ hôm đó đến nay, trưa nào người đồng nghiệp kia cũng mượn xe đi đi về về.
Tưởng rằng đồng nghiệp chỉ mượn khi bí bách, ai dè tài sản cá nhân bị đem ra "bào", vậy mà khi đồng nghiệp mượn xe, em nhân viên vẫn cười thoải mái gật đầu, dù trong lòng đầy ức chế.
Ngay lập tức câu chuyện "xài đồ chùa", "nhờ vả, vay mượn rồi quên trả"... ở công sở được đào xới. Nhiều người đi làm mang nỗi ấm ức khi bị đồng nghiệp mượn đồ, nhờ vả, vay mượn rồi... quên luôn.
Tại một chương trình về nhân sự ở TPHCM, một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ, một trong những hạn chế trong môi trường làm việc ở Việt Nam là mọi người hay cả nể, ngại nói lên quan điểm, chính kiến của mình.
Bà phân tích, điều này xuất phát từ tâm lý "mong cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng" của người Việt, chỉ cần mọi thứ bên ngoài yên bình, mặc bên trong sóng gió.
Thực tế, các nghiên cứu về tổ chức nhân sự đã khẳng định, thiếu phản biện, ngại bày tỏ quan điểm không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ tại công sở.
Tại Vĩnh Phúc đã từng xảy ra sự việc chém đồng nghiệp tử vong vì mang nỗi ức chế hay bị nhờ vả, sai vặt.
Một kết quả nghiên cứu từng chỉ ra đặc điểm, người Việt ít tranh cãi nhất châu Á. Còn theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, người Việt thường có xu hướng "dĩ hòa vi quý", khi có tranh cãi hay bất đồng quan điểm xảy ra thường ít nêu quan điểm bản thân, chủ yếu "nhịn cho qua chuyện".
Nhịn có thể là "lành", giúp xoa dịu tình hình lúc căng thẳng nhưng lại dễ dẫn tới ngộ nhận mối quan hệ vẫn đang tốt đẹp và những khúc mắc chưa được giải quyết vẫn tồn đọng. Hệ quả, những mâu thuẫn phát sinh ngày càng khó hóa giải.
Theo Dân Trí