Miếng bánh bị "xâu xé"

"Trước đây, doanh thu một ngày 5-10 triệu đồng là bình thường. Còn giờ bán được hơn 1 triệu là vui rồi, có ngày còn chẳng bán được cái áo nào. Nhìn đường phố, người xe qua lại đông đúc vầy thôi chứ tầm 20h là vắng hoe rồi, chủ shop (cửa hàng) chán tới mức không thèm ra luôn", anh Tí, nhân viên cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) nói về thực trạng kinh doanh từ sau Tết Nguyên đán 2023 tới nay.

Theo anh Tí, anh là nhân viên bán hàng trên đoạn đường Nguyễn Trãi đã được hơn 7 năm. Đây cũng là cửa hàng quần áo của em trai anh và đã kinh doanh khoảng 10 năm. Anh chưa từng thấy cảnh tượng ế ẩm đến thế ở khu phố thời trang sầm uất bậc nhất TPHCM.

Shop thời trang chết la liệt: Hết thời hay hết tiền?-1
Không khí mua bán tại các thời trang trên tuyến phố sầm uất bậc nhất TPHCM trầm lắng lạ thường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Giám đốc nghiên cứu thị trường, Công ty Macromill Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhận định, ngày nay, các shop thời trang bán lẻ rơi vào tình trạng ế ẩm, nguyên nhân có thể xuất phát từ tình hình kinh tế đang đi xuống.

"Điều đó làm ảnh hưởng đến ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng. Bởi đa phần các shop thời trang nhỏ, lẻ có đối tượng khách hàng chiếm phần lớn là học sinh, sinh viên, người có thu nhập trung bình đến thấp,…", anh Tuấn phân tích.

Vị chuyên gia thị trường này cũng nhận định, những shop thời trang hiện nay đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các kênh kinh doanh online (Shopee, Lazada, Zalo, Facebook, Tiktok,…).

Cụ thể, các shop online thường có lợi thế về mặt giá cả vì không phải chịu chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân viên… Nhờ vào nền tảng kỹ thuật, công nghệ, họ có thể tối đa mức độ phổ biến, tiếp cận người tiêu dùng, tăng khả năng nhận diện khách hàng quen để cung cấp trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, người bán hàng trực tuyến cũng có thể xoay vòng mẫu mã nhanh từ nhiều nguồn khác nhau.

Shop thời trang chết la liệt: Hết thời hay hết tiền?-2
Tình trạng kinh doanh ế ẩm khiến các chủ shop thời trang phải "đau đầu", tìm cách thay đổi (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tuy nhiên, thị trường hiện đang dần bão hòa với rất nhiều shop thời trang, kể cả online hay offline. Miếng bánh chỉ có bấy nhiêu, càng nhiều shop thì sự phân mảnh, chia doanh thu trên thị trường sẽ càng lớn", anh Tuấn phân tích.

Vị chuyên gia dự đoán, tình trạng này chắc chắn sẽ kéo dài do xu hướng người tiêu dùng dần chuyển đổi. Thực tế, người tiêu dùng luôn muốn mua sắm với giá tốt hơn, nhanh chóng được cập nhật xu hướng và các mẫu mã mới. Ngoài ra, họ cũng muốn có thêm nhiều ưu đãi, khuyến mãi và có người giao hàng đến tận nơi.

"Dần dần, thị trường online (mua bán trực tuyến) sẽ chiếm lĩnh. Các tiểu thương bán trực tiếp tại cửa hàng sẽ thu hẹp quy mô và giảm bớt, chuyển dần sang mô hình online hoặc online-to-offline (thu hút khách đến cửa hàng thông qua kênh trực tuyến). Chỉ còn lại các chuỗi cửa hàng thời trang lớn sẽ dần chiếm lĩnh các mặt bằng", vị chuyên gia nói.

Người tiêu dùng ngày càng thông minh

Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam Anh Nguyễn Minh Đức cho biết, nếu tình trạng kinh doanh online ngày càng phát triển, các tiểu thương buộc phải tìm cách thay đổi.

Cụ thể, tiểu thương có cửa hàng trên phố cũng phải xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử và học cách bán hàng online. Trong đó, không gian buôn bán chủ yếu phải là các sàn, siêu ứng dụng, kênh riêng như mạng xã hội, website,…

Shop thời trang chết la liệt: Hết thời hay hết tiền?-3
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, các tiểu thương shop thời trang cần thay đổi để bắt kịp được xu hướng trên thị trường kinh doanh online (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Qua 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, người tiêu dùng đã được 'huấn luyện' và trở nên quen thuộc với việc mua hàng online. Người mua nhận ra rằng thị trường này có nhiều ưu điểm như dễ lựa shop bán rẻ nhất; đa dạng kiểu mẫu để lựa chọn; chi phí giao hàng ngày càng rẻ; thời gian nhận hàng không quá lâu. Họ thậm chí có thể sẵn sàng chờ lâu hơn để chọn được món hàng ưng ý với giá rẻ nhất", anh Đức nói.

Từ đó, vị chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, các tiểu thương cần nhanh chóng thay đổi và đầu tư mạnh về kênh online. Sau đó, chủ shop có thể tinh gọn chi phí vận hành truyền thống, đẩy mạnh phát triển các mặt hàng ở kênh bán hành mới.

"Nếu không thay đổi, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Hãy xem shop offline (cửa hàng bày bán trực tiếp) là nơi trưng bày và tạo sự tin tưởng, còn online là kênh quảng bá, bán hàng chính. Thời đại đã thay đổi, người kinh doanh rất cần học cách vận hành bán hàng online để theo kịp xu hướng", ông Đức khuyến cáo.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Anh Tuấn, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những trải nghiệm mua sắm hiện đại với nhiều tiện ích, chi phí hợp lý hơn. Hay có thể nói, người tiêu dùng ngày càng thông minh khi chủ động chọn lọc những sản phẩm để tối đa lợi ích.

"Khách hàng đã và đang phát triển thói quen kiểm tra chéo chất lượng và giá tiền của sản phẩm, cũng như lướt qua đánh giá của những người mua khác, trước khi quyết định xuống tiền.

Với các shop online trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần xem kỹ lượng tương tác và tính chất của những thông tin tương tác đó, tìm cách xác thực thông tin những shop mới, để tránh những trải nghiệm không tốt. Do vậy, nhu cầu mua hàng online càng phát triển hơn", ông Tuấn nói.

Theo Dân Trí