Tuy nhiên The Bachelor bản Mỹ trong 22 mùa lên sóng từng nhiều lần bị chỉ trích, hoãn sóng hoặc cấm sóng vì dính các bê bối tình dục động trời. Khán giả cũng rất lo ngại liệu chương trình hấp dẫn này có phù hợp với bối cảnh văn hoá Việt Nam hiện tại hay không.
Được kì vọng nhất trong thời đại show hẹn hò
Hai năm trước, gần như chỉ có Bạn muốn hẹn hò là chương trình “điểm hẹn” dành cho các cặp đôi muốn tìm kiếm người yêu. Các nhà sản xuất đã sớm thấy đây là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác. Vì thế thời gian gần đây, sự bùng nổ của thể loại show hẹn hò là rất dễ thấy trên sóng truyền hình. Có thể kể đến: Vì yêu mà đến, Khúc hát se duyên, Lựa chọn của trái tim… và gần nhất là Quý cô hoàn hảo.
Hiện tại thể loại show hẹn hò đang có xu hướng thay thế cho sự lụi tàn của trào lưu gameshow hài. Các chương trình này nhìn chung đi theo hướng tạo ra bối cảnh cho nam nữ gặp nhau trên sóng truyền hình. Họ có một khoảng thời gian ngắn để tìm hiểu nhau bằng nhiều phương thức trước khi đưa ra quyết định có hẹn hò hay không.
"The Bachelor" từng là hiện tượng của show hẹn hò khi mới ra mắt vào năm 2002.
Khác với loạt chương trình nêu trên, The Bachelor mang format của một show truyền hình thực tế. Nhân vật trung tâm sẽ là một anh chàng độc thân hội tụ đủ những yếu tố cuốn hút sẽ hẹn hò và trải qua những thử thách cùng 25 cô gái để tìm ra người mà mình muốn gắn bó nhất. Mỗi tập đều có cô gái bị loại nếu không được nam chính trao hoa trong một nghi thức gọi là “buổi lễ hoa hồng”. Dĩ nhiên các cô gái cũng có quyền rời khỏi chương trình bất kỳ lúc nào nếu muốn.
Chiêu trò là đặc sản của mọi thể loại show truyền hình. Song vì thời lượng ngắn, nhiều buổi hẹn hò trên sóng truyền hình thời gian gần đây thường bị phát hiện cài cắm chiêu trò lộ liễu, thô thiển và phản cảm. The Bachelor phiên bản Việt dự kiến có đến 14 tập. Với thời lượng rộng rãi như vậy, việc phân bổ cũng như tạo tình huống cho các chiêu trò sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn.
Được biết, đồng sản xuất The Bachelor phiên bản Việt là MultiMedia JSC. Công ty này từng có nhiều show đi đầu về drama truyền hình thực tế như Vietnam Next Top Model. Vì vậy The Bachelor phiên bản Việt càng có lý do được kì vọng.
Loạt bê bối tình dục ở bản gốc: Rào cản lớn văn hoá Việt?
The Bachelor đến nay đã có hơn 22 mùa lên sóng ở Mỹ, từng là hiện tượng chưa từng có trên kênh truyền hình ABC. Chương trình này đến nay đã được mua bản quyền sản xuất tại hơn 30 quốc gia với hơn 125 mùa và 1000 tập đã được phát sóng tại châu Âu, châu Úc và lan toả đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản với tỉ lệ người xem rất cao.
Tuy nhiên song hành cùng độ phủ sóng và nổi tiếng, The Bachelor từng vướng phải những scandal tình dục chấn động. Gần đây nhất, mùa thứ 16 của chương trình, hai thí sinh đã bị phát hiện quan hệ tình dục trên biển khi máy quay vô tình lia tới. Thí sinh nữ Courtney Robertson thừa nhận đã “yêu” Ben Flajnik ngoài bãi biển vì quên rằng mình tham gia một chương trình ghi hình.
Nhiều bê bối tình dục khiến The Bachelor và các show ăn theo mất điểm.
Trong mùa thứ 14, một scandal khác gây chú ý không kém khi “nam chính” tố cáo thí sinh nữ được anh tỏ tình có quan hệ tình cảm lén lút với một thành viên nam trong ekip sản xuất. Anh tức giận vì cho rằng mình bị chương trình lừa dối. Sau sự vụ, cô gái đã bị buộc phải rời khỏi chương trình còn nhà sản xuất nam cũng bị sa thải.
Bachelor in Paradise – một phiên bản ăn theo của The Bachelor – mùa thứ 4 đã bị ngừng phát sóng sau khi một thí sinh nữ tố nhân vật nam chính ép cô quan hệ tình dục ở bể bơi. Một show ăn theo khác là The Bachelorette cũng dính đầy scandal tình dục. Tháng 10/2017 vừa qua, một cựu thí sinh của show này đâm đơn kiện nhà sản xuất quấy rối tình dục mình. Trước đó, mùa giải thứ 10 của The Bachelorette cũng bị tẩy chay vì cảnh thí sinh nam liếm kem trên khe ngực của thí sinh nữ quá gợi dục.
Thách thức lớn để “Việt hoá”
Nhiều khán giả từng xem The Bachelorette và các chương trình ăn theo khẳng định format này không phù hợp với văn hoá Việt Nam.
Bạn Trần Vũ Hạ Long cho rằng: “Ở các nước phương Tây nói chung, việc phái nữ chủ động tán tỉnh đàn ông là bình thường. Nhưng ở Việt Nam để 25 cô gái theo đuổi một chàng trai, mình thấy không quen lắm. Mình từng xem bản Mỹ cảnh 25 cô gái tìm mọi cách để lấy được trái tim chàng trai kia. Họ nói xấu, chơi xấu nhau nhưng đến khi chàng trai xuất hiện thì cố ưỡn ẹo, gợi tình. Dù văn hoá Mỹ tự nhiên là thế nhưng lắm cảnh xem còn thấy ghê ghê vì quá dung tục. Mình phản đối chương trình này về Việt Nam”.
Đây cũng là thách thức lớn trong quá trình “Việt hoá” The Bachelor. Nếu thay đổi quá nhiều vô hình trung sẽ biến thành một format mới. Như vậy việc nhập format về không còn đảm bảo mục đích ban đầu. Trái lại nếu việc “Việt hoá” không khéo léo sẽ dễ gây phản cảm. Đặc biệt khi khán giả Việt ngày càng nhạy cảm và thông minh hơn.
Làm sao để những cảnh tượng này không lặp lại ở "The Bachelor" phiên bản Việt?
Trên thế giới, The Bachelor cũng là chương trình biểu tượng cho quan điểm về tình yêu hiện đại. Vì thế khán giả mong rằng Anh chàng độc thân cũng sẽ tạo được cái nhìn đúng đắn cho thanh niên Việt về tình yêu thời hiện đại.
Bạn Anh Tú nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên tự sáng tạo, tự tìm tòi những show thông minh, truyền cảm hứng và ý chí cho khán thính giả, những đặc điểm văn hóa có giá trị cao và phù hợp với người Việt. Hơn là đi mua lại những kịch bản câu khách bằng những hình ảnh, âm thanh gợi dục, đề cao vẻ đẹp, lối sống của nước ngoài. Cởi mở nhưng phải sáng tạo và thông minh. Lấy cái đẹp của người khác làm cho mình đẹp và hay hơn chứ không phải bắt chước tất cả”.
Giới tính cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm của một chương trình có format 25 nữ và 1 nam như The Bachelor. Không chàng trai tham gia các show hẹn hò trước đây từng bị nghi ngờ giới tính sau khi lên sóng. Họ được cho là diễn sâu trên truyền hình nhằm tìm kiếm cơ hội nổi tiếng thay vì tìm bạn gái. Nếu chàng trai duy nhất của The Bachelor phiên bản Việt bị nghi ngờ giới tính thì sẽ rất khó cho 25 cô gái cũng như khán giả xem đài.
The Bachelor – Anh chàng độc thân – dự kiến sẽ bao gồm 14 tập, phát sóng hàng tuần trong năm 2018 trên kênh HTV7.
Theo Vietnamnet