Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, trong đó yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều trường tại Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp. Có nơi, mỗi lớp phải xếp đến 50 học sinh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Liên quan đến quy định năm học tới bậc tiểu học không được xếp quá 35 em/lớp, nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, yêu cầu này đối với Hà Nội là rất khó trong tình hình hiện nay và là ước mơ của cả giáo viên và phụ huynh.
Chị Linh An (phụ huynh ở Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái, con chị bước vào lớp 10, sĩ số là 46 bạn/lớp. Năm nay, số học sinh tăng thêm 3 bạn. Các lớp khác sĩ số học sinh đều không dưới 45 em/lớp. Chị An than: "Khi bước vào lớp con do đông quá, tôi cảm thấy không khí rất ngột ngạt, ồn ào. Nhưng các trường công ở Hà Nội đều đa số như vậy, tìm đâu ra lớp học ít học sinh?".
Học trò Hà Nội (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)
Từng công tác tại một trường tại quận Cầu Giấy, cô giáo Thu Trang cho biết, mấy năm nay, lớp cô chủ nhiệm chưa khi nào dưới 48 học sinh, có những năm sĩ số còn trên 50.
Theo cô Trang, tại Hà Nội không hiếm gặp những lớp tiểu học hơn 50 học sinh, thậm chí có lớp lên tới 60. Với diện tích phòng học như hiện nay, các dãy bàn chật kín cả lối đi, gây khó khăn cho việc dạy và học. Lớp đông, giáo viên cũng không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng học sinh trên lớp.
"Vì thế, năm học tới nếu chỉ có 35 học sinh/lớp sẽ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, quy định là một việc còn thực tế lại là việc khác. Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp. Nhưng hiện nay chỉ còn 1 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, liệu có kịp để chuẩn bị?", cô Trang băn khoăn.
Theo cô, việc giảm sĩ số học sinh cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiệnc. Việc áp dụng luôn trong năm học tới là rất khó.
Chia sẻ với VietNamNet, hiệu trưởng một cơ sở giáo dục tại Hà Nội thừa nhận, việc sĩ số quá tải gây khó khăn cho dạy học, học sinh yếu kém cũng không được kèm cặp sát sao vì thời gian có hạn.
"Những lớp sĩ số tới 50 học sinh, giáo viên các môn ít tiết dạy còn khó để nhớ tên, nhớ mặt học sinh chưa nói đến việc đánh giá, sát sao phát hiện những yếu điểm của học sinh để uốn nắn", vị hiệu trưởng chia sẻ.
Vị này đưa ra ví dụ, sĩ số của một lớp là 50 em. Các em sẽ học môn tiếng Anh 2- 3 tiết/tuần với thời lượng vài chục phút/tiết. Muốn toàn bộ học sinh trong lớp luyện nói là điều không thể, chưa nói đến việc luyện kỹ năng nghe, dạy ngữ pháp cho học sinh. Bên cạnh đó, trình độ các em không tương đương, có em nổi bật nhưng có em yếu hơn, cần kèm thêm nhưng giáo viên không đủ thời gian.
Thực tế hiện nay, phòng học có hạn, giáo viên không tăng, thậm chí còn bị tinh giản biên chế, sĩ số lớp học lớn khiến giáo viên rất áp lực vì quá nhiều “đầu” công việc phải triển khai ngoài việc làm chuyên môn. Vfi vậy, theo hiệu trưởng này, nếu có thể giảm sĩ số còn 35 học sinh/lớp là điều quá tuyệt vời nhưng không dễ vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, những năm trước, quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang quận Hà Đông. Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn học sinh.
Gần đây, các trường tiểu học tại quận đa số sĩ số dưới 50 học sinh/lớp, cũng đỡ áp lực về sĩ số do trường học đã được xây dựng trong khu đô thị.
“35 học sinh/lớp là điều mong muốn của nhiều trường, mơ ước của tất cả chúng ta. Tôi tin là thế. Nhưng, thực tế để làm được rất khó do quỹ đất Hà Nội có hạn, dân cư càng ngày càng tăng, các quận cũng đang cố gắng giảm sĩ số tối đa nhưng khó. Tôi chỉ mong thành phố có thể dành thêm quỹ đất cho giáo dục để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định hoặc thay đổi quy định số tầng với trường học, cho phép xây cao tầng hơn để có nhiều phòng học cho các trường”, bà Hằng cho hay.
Bà Hằng cũng cho biết, năm nay, quận Hà Đông có 1 trường THCS Hà Đông xây mới và đi vào hoạt động, 7 trường được xây thêm phòng học trên nền trường cũ... góp phần giảm áp lực sĩ số nhưng cách sĩ số lý tưởng còn rất xa.
Không chỉ Hà Đông mà các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… hằng năm cũng chịu áp lực rất lớn về tuyển sinh đầu cấp do tăng dân số cơ học. Đa số các trường đều có sĩ số 40-50 học sinh/lớp, một số trường quá tải, sĩ số hơn 50 em/lớp. Nhiều năm trở lại đây, các quận đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm phòng học, tách trường, tuy nhiên sĩ số lớp học giảm chưa đáng kể.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, quy hoạch mạng lưới trường học đang được cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, trường mầm non, tiểu học, THCS đã được phân bố đủ ở các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số phường trong các quận nội thành thiếu trường công lập do hết quỹ đất...
Theo Vietnamnet