Chị Út Phến ở ấp Thọ Hậu, xã Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết gần đây khi trời sụp tối, muỗi tràn vào nhà. Hôm nào về trễ, gia đình phải chui vào mùng ăn cơm để tránh muỗi.

1
Ngồi trong mùng học bài, làm việc để tránh muỗi.

Gần nhà chị Út Phến, bà Ngô Thị Tư suốt ngày thắp nhang trừ muỗi để xua loài côn trùng hút máu. Anh Phong Khê (con bà Tư) cho biết lúc làm việc ngoài vườn cây, gió lùa liên tục nhưng vẫn bị muỗi đốt khắp tay, chân. Vợ anh này vừa chăm con, vừa đốt lửa để lấy khói xua muỗi giúp chồng.

"Vợ tôi rửa chén bát ngoài bờ ao ban đêm, tôi phải ngồi cạnh để quạt xua muỗi", anh Khê kể.

Không chỉ tại Bạc Liêu, các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng… muỗi cũng xuất hiện rất nhiều. Ông Trịnh Văn Mĩnh (ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bơm nước vào ao hơn chục ngày, chờ thả tôm giống thì thấy nhiều mảng đen trôi tấp vào bờ.

2
Muỗi dày đặc trên một khúc gỗ cắm dưới ao.

Ông Mĩnh tưởng là trứng cóc, nhái nhưng vớt lên kiểm tra thì phát hiện toàn lăng quăng.

Tương tự, anh Sơn (ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có đầm tôm tại huyện Trần Văn Thời. Lần nào lấy nước vào để xử lý trước khi thả giống, anh này cũng thấy lăng quăng xuất hiện dày đặc dưới ao.

"Những năm trước muỗi cũng có nhưng không nhiều như bây giờ. Con, cháu ban đêm học bài phải chui vào mùng, ngồi ở ngoài muỗi đốt không chịu được", anh Sơn nói.

2
Muỗi bám đầy chân người vào ban ngày.

Theo nhiều nông dân miền Tây, những năm gần đây các ao quanh nhà và đầm nuôi trồng thủy sản đa số đều được xử lý bằng thuốc cá để nuôi tôm. Đây là nguyên nhân khiến các loài cá ăn lăng quăng là lia thia, cá sặc… chết hết. Từ đó, muỗi ngày càng sinh sôi, khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp và y tế các tỉnh miền Tây khuyến cáo người dân thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà, đổ hết nước tù đọng trong các chum, vại... Cá bảy màu được khuyến khích thả vào các ao, hồ.

"Cá bảy màu rất thích ăn lăng quăng, góp phần làm hạn chế sự sinh sôi của muỗi", một kỹ sư nông nghiệp cho biết.

Theo Tri thức