Dĩ nhiên Khánh Ly gắn liền với tên tuổi nhạc Trịnh Công Sơn rồi! Ở đất nước hình chữ S này ai qua mặt được giọng hát của danh ca này khi hát nhạc Trịnh? Bao nhiêu năm đã trôi qua, hình như vẫn chưa ca sỹ nào thay thế được Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh.

Vì sao lại chỉ có Khánh Ly mới hát được hay và ra chất nhạc Trịnh Công Sơn?

Nếu nói chất giọng của danh ca thì chưa đủ và không đúng. Thậm chí, có khi đó lại là môt yếu điểm của Khánh Ly. Chất giọng Khánh Ly, cứng, lạnh, nam tính, lý trí, tỉnh táo và thực sự ít tình, ít cảm xúc, nồng nàn.

Giọng hát Khánh Ly cũng không hẳn ma mị, liêu trai như ai đó đã từng nhận định. Tính chất ma mị này, khán thính giả đã gặp ở ca sỹ Thanh Thúy trước năm 1975 tại Sài Gòn, sau này thấp thoáng thấy ở Hà Trần với chương trình và đĩa Nhật Thực (Nhạc Ngọc Đại) và Tùng Dương trong những bài hát gần đây.

Thế thì tại sao Khánh Ly vẫn gần như không có đối thủ khi hát nhạc Trịnh? Vì sao có điều kỳ lạ và gần như nghịch lý ấy?


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Quay trở lại một chút về hoàn cảnh thân phận Khánh Ly, để từ đó hình thành nên một chất giọng, một lối hát, xử lý bài hát đặc biệt, độc đáo không giống ai của danh ca.

Khánh Ly có một số phận khá đặc biệt. Sinh ra ở Hà Nội nhưng lại lớn lên và lập nghiệp ở miền Nam. Cuộc đời đầy truân chuyên sóng gió, từ lúc nhỏ cho đến mãi về tận sau này, và bây giờ. Hình như cuộc đời Khánh Ly là cuộc đời đầy biến động. Hoàn cảnh riêng cộng với hoàn cảnh đất nước chiến tranh khói lửa, đã khiến Khánh Ly sống gần như thân phận của những cô gái bụi đời.

Cuộc sống giang hồ đã ảnh hưởng rất nặng tới giọng hát và tâm hồn cũng như tính cách nghệ sỹ của Khánh Ly. Điều may mắn, tuyệt vời nhất là Khánh Ly đã tải được, truyền được cái chất bụi bặm đã được tiêu hóa thanh lọc theo hướng tích cực nhất ấy vào trong câu hát hay cách thể hiện bài hát của mình. Lối hát, lạnh, tưng tửng, hát như không, hát như chơi, như nói của danh ca, cực kỳ phù hợp với tính chất của nhạc Trịnh Công Sơn. Như vậy, Khánh Ly đã tiêu hóa được cuộc sống vào những nhạc phẩm của Trịnh.

Rất nhiều ca sỹ cùng thời và sau này, có lối sống gần như Khánh Ly, thậm chí cả chất giọng, cách thể hiện bài hát nhưng không tài nào hát nhạc Trịnh cho ra chất, cho hay, sâu lắng, nỗi niềm như Khánh Ly được bởi họ, không thể, dù đã cố gắng đem chất đời, chất bụi phủi vào câu hát của mình được. Như thế có nghĩa là họ, không tiêu hóa được cuộc sống, không trải đời trải nghiệm trong chính câu hát, cách hát của mình. Hoàn cảnh sống đặc biệt ấy, cũng đã vun đắp nên một tâm hồn nghệ sỹ, một tính cách nghệ sỹ của Khánh Ly khi hát nhạc nhạc Trịnh. Khánh Ly như một giang hồ nghệ sỹ! Và cái chất nghệ sỹ, phiêu bạt ấy đã được Khánh Ly đem tất cả vào giọng hát của mình, với những phần tinh túy long lanh nhất, đẹp đẽ nhất, sâu thẳm nhất, nỗi niềm nhất, thời danh ca còn sống chết vong thân với nhạc Trịnh như là điều đầu tiên và duy nhất. Danh ca hát tự nhiên, thản nhiên đau, như là phải thế, như là chấp nhận, không cầu kỳ uốn éo, không gồng mình. Vì thế ra chất nhạc Trịnh. Vì thế, thành đặc sản quý hiếm mang tên Khánh Ly!

Sau này, ở Hà Nội có ca sỹ Hồng Nhung (Bống) cũng bước vào thánh địa nhạc Trịnh, và người ta cũng tưởng ca sỹ này sẽ thay thế được Khánh Ly… Dù ưu điểm hơn Khánh Ly về sức trẻ, trình độ văn hóa, xử lý bài hát rất tinh tế và có văn hóa, giọng hát nhân văn, có tình có cảm xúc, hát mềm mại hơn, nhưng Hồng Nhung vẫn không thể nào sánh được với Khánh Ly. Lối hát đầy kỹ thuật, salon, chất giọng sáng vang, đẹp, biểu cảm... tưởng là ưu điểm thực ra lại là nhược điểm của ca sỹ này khi hát nhạc Trịnh.

Nhạc Trịnh thiên về tính nữ, nỉ non, thánh thót, thủ thỉ như lời tâm sự giãi bày của tình yêu và thân phận, lối hát khỏe khoắn trong sáng của Hồng Nhung (Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Đưa nhạc Trịnh về phía dương, làm mới lại nhạc Trịnh”, “Xanh muộn và chín sớm”) thực tế, không đúng chất, không phù hợp khi hát nhạc Trịnh. Có chăng, Hồng Nhung chỉ hát được đôi ba bài của nhạc Trịnh và hơn các ca sỹ đang mày mò từng bước vào cõi Trịnh mà thôi! Chính cái sự, không trải đời, không cảm được hết toàn bộ tính chất sâu xa cùng những triết lý sâu sắc của Hồng Nhung đã khiến cô, không tài nào đi hết tận cùng của nhạc Trịnh được dù cô đã thấm đẫm mồ hôi trong từng câu hát. Nhạc Trịnh, gần với lối hát giản dị, không màu mè, không đề cao kỹ thuật, rất cần nội tâm, rất cần sự thấu hiếu, sự cảm, thậm chí sự va đập chan chát với thân phận và tình yêu, đã là những cửa ải vô cùng gian nan cho các ca sỹ khi họ tìm cách thể hiện những điều đó trong bài hát của ông.

Khánh Ly đã làm được cái điều vô cùng quan trọng, tưởng đơn giản mà vô cùng khó khăn khi hát nhạc Trịnh, là thấu hiểu và cảm được điều Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm trong những tác phẩm của ông. Có lẽ bởi thân phận và tình yêu của danh ca, cùng thời, và gần như là những nhân vật, câu chuyện trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, nên Khánh Ly hát dễ dàng hơn, đơn giản hơn y như đang hát đang kể về chính nỗi niềm cuộc đời của mình. Chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, như là tình nhân, như là “tuy hai là một” chưa kể mối quan hệ đời thường thân thiết gắn bó, đã khiến Khánh Ly với những bài hát của Trịnh, như là tri âm tri kỷ, thấu hiểu và thông cảm cho nhau hơn rất nhiều. Người ta sẽ có cảm giác,Trịnh Công Sơn,sáng tác chỉ để dành cho Khánh Ly mà thôi, và Khánh Ly, sinh ra làm ca sỹ, cũng chỉ vì nhạc Trịnh mà thôi. Giống như hai gam màu của ngày và đêm, để cho một ngày là một ngày đầy đủ trọn vẹn!


Ca sĩ Hồng Nhung và Khánh Ly

Đương thời, Khánh Ly chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là ca sỹ (Hồi ký Khánh Ly) và Trịnh Công Sơn cũng không đặt nặng chuyện mình là nhạc sĩ, ông coi mình như một kẻ rong chơi. Hai quan niệm ấy, trùng nhau, cùng tần số, cùng tầng bay, để ra đời một phong cách Khánh Ly, hát như chơi, mà đầy trải nghiệm sâu sắc rất phù hợp với nhân sinh quan và thế giới quan của người nhạc sỹ tài hoa này!

Như vậy Khánh Ly, đã đầy bản lĩnh, đầy chất đời, đầy sự thấu hiểu số phận con người trong tiếng hát tưởng như lạnh lùng vô cảm của mình, mà lại không phải thế. Và điều đó đã tạo nên một Khánh Ly hát nhạc Trịnh không dễ gì thay thế.

Người hoài niệm, vẫn đắm say tha thiết hơn với Khánh Ly thời trước 1975 với cây đàn ghi ta gỗ, giọng hát mộc mạc, chân thành đến mức thật thà và những cảm xúc ban sơ của ca sỹ mới vào nghề, hơn là hiện tại, với không biết bao nhiêu là công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Người ta không còn thấy một Khánh Ly thuở nào, đắm say mê man đến mức mụ mị, phiêu lãng hết mình với nhạc Trịnh nữa. Có lẽ bởi sự thay đổi của thế thời và hoàn cảnh sống cũng như thời đại chăng?

Nhạc Trịnh Công Sơn, như những truyện ngắn ngụ ngôn về thân phận và tình yêu, đầy thấu hiểu thông cảm và thương yêu đến mức yếu mềm u ám, không phải ca sỹ nào cũng đủ tầm và trình độ để hiểu và cảm được nhạc của ông.

Vì thế, mới thiếu quá nhiều thứ cho một giọng hát, một ca sỹ đích thực cho cái gọi là dòng nhạc Trịnh Công Sơn.

Đã thấy thấp thoáng, đã hy vọng ở một vài ca sỹ hát nhạc Trịnh, nhưng rất tiếc họ chỉ thể hiện được rất ít rồi chững lại vì không biết làm sao để phát huy tiếp tục hành trình gian nan với nhạc Trịnh.

Đến bây giờ vẫn chỉ còn, một và duy nhất Khánh Ly!

Theo Người Đưa Tin