Sợ ung thư từ thực phẩm bẩn, gạo “dược liệu” tăng giá sốc
Một trong những loại gạo "dược liệu" đang được "hét giá" cả trăm ngàn đồng/kg
(ảnh: Tuệ Chiến)

Gạo thần, gạo tiên (?!)

Trước những đồn đại ngày một gia tăng về các công dụng thần kỳ của loại gạo "dược liệu", chị Hằng ( 35 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) từ nhiều tháng nay đã quyết định mua về cho cả nhà sử dụng, thay thế gạo thông thường.

Loại gạo "dược liệu" chị chọn mua có tên là gạo lứt huyết rồng, được chị coi như tiên dược chữa bách bệnh, tại thời điểm 3 tháng trước có giá 28.000 đồng/kg nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, bỗng dưng vắt vẻo lên đến mức 35.000 đồng/kg.

Chị Hằng than vãn trên facebook cá nhân: "Ai làm ơn giải thích hộ tôi tại sao giá gạo "dược liệu" bỗng dưng tăng chóng mặt thế?"

Phía dưới, nhiều phản hồi có chung quan điểm cho rằng, do thời gian gần đây, truyền thông liên tục đưa tin về nguy cơ ung thư từ thực phẩm bẩn, nên các thương lái được đà tăng giá. Thậm chí đã có những loại gạo dược liệu đã chạm ngưỡng 200.000 đồng/kg.

Sợ ung thư từ thực phẩm bẩn, gạo “dược liệu” tăng giá sốc
Một đại lý chuyên bán gạo "dược liệu" ở Hà Nội (ảnh: Tuệ Chiến)

Để hiểu hơn về loại gạo này, trong vai khách hàng, chúng tôi tìm đến một đại lý chuyên bán thứ gạo này trên phố Châu Long (Ba Đình, Hà Nội).

Theo lời bà chủ hàng, cửa hàng bà có thể đáp ứng hầu hết các như cầu về gạo "dược liệu", từ Vibigaba, huyết rồng hay ngọc trời... Thậm chí, bà còn mách nước, nếu mua gạo với nhu cầu chữa bệnh thì có thể nói qua về tình trạng sức khỏe để bà tư vấn cho phù hợp.

Theo quan sát của PV, đại lý của người phụ nữ này bán khá nhiều loại gạo khác nhau, trong đó đặc điểm chung của gạo "dược liệu' là có màu nâu sẫm, giá dao động từ 70 - 100.000 đồng. Đặc biệt, gạo mầm đen gaba hữu cơ còn có giá 200.000 đồng/kg.

Giải đáp thắc mắc của PV về giá thành cao ngất ngưởng của loại gạo này, bà chủ hàng cho biết: “Vì gạo “dược liệu” có công dụng giống như một loại thực phẩm chức năng chữa được nhiều bệnh, ngăn ngừa ung thư".

Tham khảo giá cả tại một một cửa hàng gạo ở quận Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy không có sự chênh lệch nhiều về giá cả.

Sợ ung thư từ thực phẩm bẩn, gạo “dược liệu” tăng giá sốc
Đặc điểm chung của các loại gạo dược liệu là có màu nâu sẫm (ảnh: Tuệ Chiến)

Ông chủ cửa hàng cho biết: “Tôi thấy mọi người bảo gạo “dược liệu” có chức năng chữa bệnh mỡ máu, tiểu đường và cả ung thư. Mấy tuần qua thấy báo chí đưa tin ầm ĩ về thực phẩm bẩn, rồi khách hỏi nhiều nên tôi mới nhập về bán”.

Chỉ là "đồn thổi để trục lợi"

Không chỉ trên thị trường nhỏ lẻ mà ở một số siêu thị lớn loại gạo này cũng bắt đầu được bày bán và nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, loại gạo được phân phối cũng chỉ là loại có mức giá dễ chịu.

Theo một nhân viên quầy gạo, ở siêu thị này đang bày bán 2 loại gạo "dược liệu" là gạo lứt đặc biệt và gạo lứt huyết rồng. Giá giao động từ 33.000 – 35.000 đồng/kg.

"Nhiều khách hàng sử dụng xong phản hồi rằng ăn gạo này xong thấy khỏe hơn, nên lại mách cho người khác tìm mua", nhân viên này chia sẻ.

Sợ ung thư từ thực phẩm bẩn, gạo “dược liệu” tăng giá sốc
Gạo "dược liệu" cũng đang được bày bán trong các siêu thị lớn và thu hút được nhiều khách hàng (ảnh: Tuệ Chiến)

Nhằm tìm hiểu sự thật xung quanh những đồn đoán này, chúng tôi đã có buổi trao đổi qua điện thoại với GS Nguyễn Lân Hùng (Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam).

Theo lời GS Hùng, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng gạo lứt có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa chất anthocyanin có khả năng chống oxy hóa cao, có tác dụng làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường type 2…

"Còn việc đồn thổi loại gạo “dược liệu” có khả năng chữa bệnh ung thư là vô căn cứ. Thực tế, nhiều tiểu thương cố tình đồn thổi những tác dụng “thần thánh” của loại gạo này với mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi" , GS Hùng thẳng thắn nói.

Vị GS cũng đưa lời khuyên với người tiêu dùng là "nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng" và "nên mua ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận và kiểm soát của tổ chức quốc tế”.

Gạo "dược liệu" là tên gọi chung cho các loại gạo như: hạt ngọc trời, mầm Vibigaba, lứt đen, lứt đỏ hay huyết rồng... là loại gạo chỉ trồng được một vụ/năm ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Loại gạo này khó ăn, không thơm ngon như gạo trắng nên xưa nay nhu cầu sử dụng của người dân không nhiều cộng với giá thành cao nên loại gạo này không được bày bán rộng rãi và trở nên khan hiếm.

Theo Soha/ trí thức trẻ