Theo yêu cầu của nhà chồng, cô dâu ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bị buộc phải quỳ năm giờ đồng hồ trong trang phục cưới truyền thống trước khi nghi thức bái đường diễn ra, theo Feidian Video.
Trong suốt năm giờ đồng hồ, cô dâu "không được phép bỏ đi hoặc chạm chân xuống đất, để rèn luyện tính nhẫn nhịn", người phụ nữ quay video họ Lai nói.
Theo Lai, đây là tục lệ phổ biến tại địa phương, nhưng thời gian cô dâu phải quỳ thường khác nhau, từ vài phút cho tới vài giờ đồng hồ, tùy theo tính toán của thầy bói dựa trên giờ sinh của cô dâu và chú rể.
"Cô dâu có thể chơi điện thoại hoặc uống nước", Lai nói. "Yêu cầu duy nhất là không chạm chân xuống sàn nhà".
Trong khi đó, chú rể không cần phải tham gia nghi thức này. Nghi thức được cho là dựa trên niềm tin rằng nếu chân của cô dâu chạm xuống sàn ở nhà chồng trước lễ cưới, cô sẽ mang lại xui xẻo cho gia đình chồng.
Sau khi đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người lên tiếng chỉ trích nghi thức là cổ hủ, phân biệt nam nữ.
"Thứ được gọi là nghi thức hôn lễ này là di sản của những giá trị có hại của thời phong kiến, vốn yêu cầu phụ nữ nghe lời chồng, và hiện đã hoàn toàn lạc hậu", một người dùng Weibo nói.
"Đây là sự lạm dụng và nô lệ, không phải hôn nhân," một người khác viết.
Nhiều người bày tỏ sự thông cảm với cô dâu và không hiểu vì sao cô đồng ý thực hiện nghi thức này.
"Chẳng phải cô dâu đã rất nhẫn nhịn sao? Nếu là tôi, tôi đã đá cái mẹt đi và bỏ trốn khỏi gia đình đó," một người dùng mạng xã hội viết.
"Tôi không biết bằng cách nào mà cô ấy chịu đựng được. Tôi nghĩ sẽ còn nhiều kẻ bắt nạt cô ấy từ gia đình nhà chồng," một người khác bình luận.
Năm 2010, một cặp đôi có bằng tiến sĩ ở tỉnh Giang Tây chia sẻ về lễ cưới của họ, cho biết cô dâu cũng được đề nghị ngồi trên một chiếc mẹt lớn.
Một số đám cưới truyền thống Trung Quốc hiện nay có những cách thức khác nhau để cô dâu không chạm chân xuống sàn nhà khi tới nhà chồng, chẳng hạn như chú rể hoặc anh em trai phải cõng cô dâu, hoặc cô dâu đi trên thảm đỏ.
Theo Đời sống pháp luật