Tờ Washington Post đã đăng tải lại thư xin lỗi của cô giáo Patricia Lorenzen gửi đến phụ huynh các học sinh trường Trung học Kingsview sau khi thông tin về bài tập về nhà “có một không hai” của cô được đăng tải trên các mặt báo.
 
Thư xin lỗi có nội dung: “Tôi đã giao học sinh 4 lớp tiếng Anh bài tập về nhà với nội dung yêu cầu các em vận dụng những kiến thức văn phạm vừa học để viết một câu chuyện mô tả cách làm thế nào để giết tôi. Tôi đã cố gắng tạo ra một bài tập mang tính khích lệ học sinh ôn lại các điểm văn phạm, nhưng nội dung như vậy không phù hợp và đáng lẽ tôi không nên ra đề như vậy.”
 
Ảnh minh họa.
 
Sự việc xảy ra từ tháng 11 năm ngoái nhưng mãi đến gần đây mới được công khai trước dư luận. Sau khi hủy bỏ bài tập về nhà này, tất cả các học sinh đều được trọn điểm dù có làm bài hay không, còn cô giáo Lorenzen vẫn tiếp tục làm việc trong biên chế của nhà trường.
 
Cô Lorenzen đã từ chối nói chuyện với báo giới, nhưng hiệu trưởng trường Trung học Kingsview James D’Andrea cho biết “chuyện đã được giải quyết ổn thỏa và sẽ không còn vấn đề gì liên quan đến các bài tập về nhà của của Lorenzen nữa”.
 
Trường Trung học Kingsview nơi cô giáo Lorenzen làm việc.

Không riêng trường hợp cô giáo Lorenzen mà kiểu ra bài tập “nhập vai” này dường như đang trở nên khá phổ biến tại Mỹ trong thời gian gần đây. Mới tháng trước, một giáo viên ở Oklahoma cũng khiến các phụ huynh nổi cơn thịnh nộ khi dùng những chi tiết trong một vụ giết giáo viên ở Massachusetts năm 2013 cho một bài tập về nhà. Những học sinh lớp 8 được yêu cầu khoanh tròn những động từ trong một đoạn văn có những câu: “Cậu ta theo cô giáo của mình vào nhà vệ sinh, đánh và cắt cổ cô ấy…Sau đó, cậu ta quăng xác cô trong khu rừng sau trường…Cảnh sát được thông báo khi người ta phát hiện một vũng máu trong nhà vệ sinh nữ”.
 
Một trong những vụ việc tai tiếng nhất xảy ra năm 2013 khi một giáo viên Manhattan quyết định dùng những kiến thức nghiên cứu xã hội về lịch sử đấu tranh của nô lệ để ra đề môn toán cho học sinh lớp bốn. Đề bài gây tranh cãi có câu: “Một nô lệ bị đánh 5 roi một ngày, vậy ông ta bị đánh bao nhiêu roi trong một tháng (31 ngày)? Một nô lệ khác bị đánh 9 roi một ngày, vậy ông ta bị đánh bao nhiêu roi trong một tháng? Tổng cộng trong một tháng hai người nô lệ bị đánh bao nhiêu roi?”
 
Một đề bài khác thì có nội dung: “Trên một tàu chở 3.799 nô lệ. Một ngày nọ những nô lệ nổi dậy chiếm tàu, 1.897 nô lệ đã chết, vậy còn bao nhiêu nô lệ còn sống?”.
 
Trong cả 2 vụ nói trên, các giáo viên ra những đề bài “sốc” đều được tiếp tục làm việc bình thường sau khi đã bị khiển trách công khai.

Theo Người lao động