Sốc với đường dây bán bào thai từ Nghệ An sang Trung Quốc-1
Chị Lữ Thị P. bên chiếc tivi và loa thùng mới mua từ tiền bán con

Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lần lượt xuất cảnh sang Trung Quốc. Lạ lùng là khi trở về thì cái thai trong bụng không còn. Lần theo những thông tin này, phát hiện nhiều chuyện đau lòng, rất đáng báo động...

Bán con trả nợ

Từ thị trấn Mường Xén, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy, vượt qua hàng chục con dốc thẳng đứng và nhiều khe suối chúng tôi mới có mặt ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.

Tại đây, chúng tôi gặp chị Lữ Thị P. (SN 1982) đã lại tất bật đi rừng, đi rẫy kiếm ăn chỉ ít ngày sau khi trở về từ Trung Quốc. “Hết tiền rồi. Phải đi làm rẫy kiếm lúa, kiếm gạo thôi”, P. nói.

Vừa mới sinh con được khoảng một tháng nhưng cô chẳng “ở cữ” hay kiêng khem gì như những phụ nữ miền xuôi. Khuôn mặt tươi tỉnh, cử chỉ hoạt bát nhanh nhẹn của P. khiến người ngoài nhìn vào không nghĩ người phụ nữ này vừa sinh con.

Theo tìm hiểu, tình trạng bán thai nhi chủ yếu xảy ra với những người phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ - mú ở 3 xã Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Riêng xã Hữu Kiệm đã có 21 trường hợp vượt biên sang Trung Quốc bán thai nhi trở về, 1 trường hợp chưa về.

Người phụ nữ bán thai nhi có thể tự bắt xe ra Móng Cái (Quảng Ninh), số còn lại thì có người “mai mối” “dẫn dắt”… vượt biên. Mỗi đứa trẻ được những người mẹ bán với giá trung bình 40 - 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp vượt biên bán con trở về nhưng không nhận được tiền từ kẻ buôn người hoặc chỉ được trả với cái giá rẻ mạt.

 

P. bình thản kể, không biết bị bệnh gì nhưng những năm gần đây, chồng cô không làm được việc gì để kiếm tiền nuôi gia đình. Gánh nặng đè lên vai, P. một mình lặn lội nuôi 4 đứa con (3 trai, 1 gái), nuôi chồng và mẹ chồng. Để có căn nhà sàn cho cả gia đình làm nơi chui ra chui vào, P. đã phải nợ 17 triệu đồng tiền gỗ và 27 triệu đồng tiền công dựng nhà.

Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi làm rẫy quanh năm cũng chỉ đủ lúa để ăn khoảng vài tháng chứ đừng nói có tiền trả nợ thì đầu năm 2018, P. có bầu thêm đứa thứ 5. Trong cơn bĩ cực, P. được một người phụ nữ ở bản Đỉnh Sơn 1 tên là Lữ Thị K. (SN 1972) bày cách “bán đứa trẻ trong bụng sau khi sinh lấy 80 triệu đồng”. Hỏi chồng, chồng không nói gì nên P. quyết định vượt biên sang Trung Quốc, bắt đầu hành trình bán con.

Trung tuần tháng 8/2018, Lữ Thị P. đón xe ra Móng Cái (Quảng Ninh) khi thai nhi trong bụng đã được 8 tháng. Ở đây có người chờ sẵn rồi dẫn P. vượt biên sang Trung Quốc. “Từ Móng Cái, họ dẫn em đi theo thuyền chở hàng để sang Trung Quốc. Qua bên kia, sau khi lên bờ, họ đón xe đi cùng em”, P. kể và cho biết, cô không biết nơi đó là tỉnh nào mà chỉ biết đi ô tô thêm 2 ngày, 2 đêm nữa mới đến nơi.

Sau đó, P. được dẫn đến ở trong một căn nhà, hàng ngày được chăm sóc khá chu đáo, có người mang thức ăn, nước uống. Được hơn 1 tháng thì P. trở dạ rồi được đưa đến bệnh viện. “Đó là một bé trai. Đẻ xong, họ bồng con đi luôn, con em còn chưa được một tí sữa mẹ”, P. nói.

Cùng chuyến đi với P. ở bàn Đỉnh Sơn 2 còn có Lữ Thị Đ. (SN 1981, cách nhà P. khoảng hơn 100m). Đ. cũng vượt biên sang Trung Quốc bán con khi bầu được 8 tháng. Đ. than trước đây cả nhà phải ở nhà đất, nên phải đi vay 10 triệu đồng để mua gỗ làm nhà, chưa kể khoản nợ ngân hàng 15 triệu đồng. Chồng thường xuyên uống rượu mà không tu chí làm ăn nên để có tiền trả nợ, Đ. không còn cách nào khác ngoài bán đứa con trong bụng.

Để rõ hơn hành trình vượt biên của các sản phụ, chúng tôi đã tìm về nhà Lữ Thị K. Tuy nhiên K. không ở nhà, hỏi người thân thì không ai biết K. đi đâu.

Sốc với đường dây bán bào thai từ Nghệ An sang Trung Quốc-2
Chị Lữ Thị Đ vừa trở về từ Trung Quốc sau khi đã bán đứa con trong bụng mới sinh

Mất con, nợ vẫn… còn

Kể từ khi bán con bên Trung Quốc trở về, ngôi nhà sàn lụp xụp, không kín gió của Lữ Thị P. (SN 1982, ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm) trở nên ồn ào bởi những âm thanh phát ra từ chiếc tivi màn hình phẳng và chiếc loa thùng có cổng cắm USB.

Bên chiếc giường ọp ẹp, P. ngắm nghía, vuốt ve hết tivi rồi sang loa thùng. Không một chút mảy may buồn rầu khi phải bán đi đứa con máu mủ của mình, người mẹ trẻ cười khoe: “Sau khi bán đứa trẻ sơ sinh được 80 triệu đồng trở về, ngoài trả một phần nợ, gia đình còn sắm được một chiếc xe máy 27 triệu đồng, ti vi 2,5 triệu đồng và loa thùng 5 trăm nghìn đồng… số tiền còn lại thì để dành mua gạo. Đến nay thì tiền bán con đã tiêu hết rồi nhưng vẫn còn nợ 3 triệu đồng nữa”.

Cũng giống như chị P., chị Lữ Thị Đ. (SN 1981, cách nhà P. khoảng hơn 100m), sau khi cầm 80 triệu đồng trong tay từ tiền bán con, ngoài trả 15 triệu đồng tiền ngân hàng, 10 triệu đồng tiền gỗ làm nhà; Đ. mua chiếc xe máy 25 triệu đồng và mua gạo nữa là hết. Hết tiền tiêu, chồng đi làm thuê trong miền Nam, còn Đ. ở nhà tiếp tục làm rẫy nuôi con.

Khi được hỏi về đứa con vừa bán của mình, Đ. cho biết: “Em chỉ biết đó là con trai chứ sau khi sinh xong em còn chưa được nhìn con thì họ đã bế đi”. Tuy nhiên, người mẹ lạnh lùng trả lời “không nhớ” đứa con mà mình đứt từng khúc ruột mang nặng đẻ đau.

Đặc biệt cả hai đều khẳng định, đây là lần bán con đầu tiên và cũng sẽ là lần cuối cùng. Tuy nhiên, theo các cán bộ công an xã dẫn đường chúng tôi thì đó có thể chỉ là “lời hứa đầu môi”. Bởi đã có rất nhiều trường hợp được cán bộ tuyên truyền và ký cam kết không đi Trung Quốc bán con nhưng sau đó vẫn âm thầm vượt biên. Thậm chí, có trường hợp bán con lần thứ 2 nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là “mới bán lần đầu”.

Sốc với đường dây bán bào thai từ Nghệ An sang Trung Quốc-3
Để có tiền dựng nhà mới, nhiều người phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ - mú ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sẵn sàng bán con

Bỏ mạng nơi xứ người

Đã hơn một tháng trôi qua nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi làng nhỏ của người dân tộc Khơ - mú ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của chị Mong Thị Lâm (SN 1989) trên đường đi bán con ở Trung Quốc.

Trong căn nhà sàn xập xệ, không một tài sản giá trị, ông Lương Văn Bảo (SN 1952, bố chồng chị Lâm) ngồi ôm đứa cháu nội mới 3 tuổi đang co ro vì rét. Đưa ánh mắt xa xăm về đỉnh núi trước nhà, ông Bảo kể, một ngày đầu tháng 6/2018, con dâu của ông bỗng nhiên “mất tích”, hỏi khắp người dân trong bản cũng không ai biết. Hai cháu gái đầu xé rừng đi sang gần huyện Tương Dương để thông báo cho bố đang làm rẫy biết.

“Về ở với nhau từ năm 14 tuổi, đến nay đã có 4 con nhỏ (3 gái,1 trai). Dù hàng ngày phải vất vả đi rẫy kiếm ăn, còn vợ ở nhà chăm con nhưng chưa một lần con trai tôi nặng lời với con dâu. Cả gia đình linh cảm có điều gì đó không lành nên đi báo chính quyền xã. Lúc đó con dâu tôi đang có bầu đứa thứ 5 được khoảng 6 tháng”, ông Bảo kể.

Hơn một tháng sau, cả gia đình bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ Trung Quốc. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, người con dâu chỉ kịp hỏi thăm sức khỏe các con rồi nói đang đi kiếm tiền, không lâu nữa sẽ về và động viên gia đình đừng quá lo lắng.

Những ngày sau đó, gia đình ông Bảo liên tục gọi vào số máy kia nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Đến một ngày đầu tháng 10/2018, gia đình ông như chết lặng khi nhận được tin con dâu tử vong do TNGT bên Trung Quốc. Lúc này cả nhà mới biết là con dâu theo một người phụ nữ trong bản vượt biên đi bán con.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, vụ TNGT xảy ra ở xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), vào ngày 20/9 đã khiến 5 công dân Việt Nam thương vong. Trong đó, Mong Thị Lâm tử vong tại chỗ, 4 người phụ nữ khác đều đang mang thai và cùng trú ở huyện Kỳ Sơn bị thương nặng.

Cũng có mặt trên chuyến xe định mệnh đó nhưng may mắn hơn, chị Xeo Thị Tiến (SN 1979, cách nhà chị Lâm mỗi cái hàng rào tre) không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng đứa bé trong bụng thì không giữ được.

Ngồi thẫn thờ bên bậc cầu thang nhà sàn, em Ốc Thị Kẹo (SN 2002) kể, đầu tháng 10/2018, đang trong lớp học may dưới huyện Con Cuông (Nghệ An) thì chết lặng khi anh trai gọi điện thoại báo mẹ bị TNGT bên Trung Quốc. Em lao ra đường vẫy vội xe khách về nhà thì mới biết mẹ đi bán em thứ 5 trong bụng.

“Nhà chị Lâm còn có tiền chứ nhà em không có tiền nên chưa ai sang Trung Quốc cả. Hôm đưa thi thể chị Lâm về, em có hỏi thì biết mẹ đã qua cơn nguy kịch. Anh trai đầu đã lấy vợ, cũng nghèo lắm; anh hai đang đi bộ đội cũng không có tiền; nhà không có gì để bán nên em không biết làm gì cả, chỉ cầu trời cho mẹ được về. Em cũng phải bỏ học nghề giữa chừng thôi, không ai chăm em út 6 tuổi cả”, Kẹo vừa nói, vừa lấy ống tay áo lau dòng nước mắt lăn dài trên má…

Theo Báo Giao Thông