Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại tiết Niệu - Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết các bác sĩ tại khoa vừa điều trị cho ca bệnh sỏi thận khổng lồ. Bệnh nhân nữ, 75 tuổi, trú tại ngoại thành Hà Nội. Bà bị sỏi thận từ hơn 50 năm trước nhưng không điều trị. Mỗi lần đau, bệnh nhân uống thuốc dân gian theo người quen mách bảo.

Cuối tháng 2, bệnh nhân đau nhiều, sốt, ớn lạnh, mệt và sờ lưng thấy u cục mới đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy thận do có sỏi ở cả hai bên nên chuyển tới Bệnh viện E.

Bác sĩ Liên cho biết kết quả trên phim chụp cho thấy sỏi thận lớn chiếm gần hết thận và gây suy thận. Nếu phẫu thuật, kích thước sỏi quá lớn. Đối với trường hợp này, nếu bác sĩ sử dụng phương pháp tán sỏi qua da thì phải thực hiện ít nhất 10 lần.

Sỏi thận khổng lồ dài 20cm sau 50 năm tồn tại trong cơ thể-1
Sỏi khổng lồ nặng 500g đã được các bác sĩ bóc tách. Ảnh BSCC. 

Bác sĩ đã quyết định mổ mở để lấy sỏi thận. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ bóc tách được viên sỏi san hô dài tới 20cm, nặng 500g. Bác sĩ Liên cho biết trường hợp này may mắn vì chức năng thận đã phục hồi, bệnh nhân không phải chạy thận chu kỳ. Sau 10 ngày điều trị theo dõi, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và ra viện.

Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến và hay tái phát. Bệnh  thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi từ 30 đến 60. Tổng kết của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho thấy tỷ lệ sỏi thận niệu quản chiếm 30-40% số bệnh nhân có bệnh lý về tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. 

Để dự phòng sỏi tiết niệu nói chung, tránh tái phát, bác sĩ lưu ý người dân nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý như giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalate, canxi, hạn chế các loại thịt đỏ như thịt trâu bò, ngựa… Bạn nên ăn nhạt vì nhiều nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu. Bên cạnh đó, người dân nên tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò. 

Theo Vietnamnet