Chiều tối 30/10, nhiều cột sóng lớn liên tục tràn qua bờ kè chắn sóng, uy hiếp hàng trăm hộ dân ở làng chài Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Mưa to kèm theo gió lớn gầm rú liên hồi ở vùng ven biển nơi đây.
Những cột sóng tràn lên kè chắn sóng uy hiếp các khu dân cư ở làng chài Sa Huỳnh.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận hiện huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ có sức gió đo được ở mức cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao từ 5 đến hơn 7m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Nhiều khu vực cực đoan lượng mưa dự báo tăng lên khoảng 400 mm đến 600 mm.
Trước tình hình này, ông Sỹ khuyến cáo người dân đề phòng lũ ống, lũ quét, khẩn cấp sơ tán ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở các huyện miền núi; ở các vùng ven biển xuất hiện gió giật cấp 9, cấp 10, bà con cần giằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi ở kiên cố, an toàn.
Tại Phú Yên, đến 19h, người dân ở các vùng ven biển đã hoàn tất chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào nơi an toàn.
Đến 19h cùng ngày, các huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã sơ tán hơn 1.100 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết địa phương đã di dời khẩn cấp gần 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở vùng trũng thấp ở thị trấn Chí Thạnh và các xã: An Chấn, An Mỹ, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư đến vùng cao an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
Người dân vùng ven biển Nam Trung Bộ cấp tập giằng chống nhà cửa phòng chống bão.
Trong khi đó Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn cũng cho hay đến cuối giờ chiều nay lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng, thanh niên xung kích các xã, phường đã hỗ trợ sơ tán 837 hộ dân với 3.000 nhân khẩu tại các khu vực có nguy cơ bị triều cường, vùng ven biển, ven sông, suối, trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đến nơi trú bão an toàn.
Ngoài ra, toàn bộ lao động ở 1.860 bè nổi nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài đã hoàn thành việc gia cố lồng bè, di dời vào bờ an toàn. Cơ quan chức năng cũng đã hỗ trợ 10 lao động (quốc tịch Đài Loan) nuôi trồng thủy sản nơi đây vào bờ tránh trú bão an toàn.
Sóng lớn uy hiếp tàu cá công suất lớn của ngư dân ở làng chài Sa Huỳnh.
Cùng ngày sau khi đi kiểm tra thực tế các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành và địa phương tập trung ứng phó với bão số 5. Chiều 30/10, lực lượng quân đội, công an đã hỗ trợ sơ tán hàng nghìn người dân đến nơi an toàn trú tránh bão, lũ.
Ông Dũng lưu ý các địa phương cần bố trí lực lượng túc trực kiểm soát thường xuyên tại các điểm giao thông để hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại tại các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, vùng nguy hiểm..
Trước giờ bão số 5 đổ bộ, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định bày tỏ nhiều lo ngại. Đến chiều tối nay, địa phương vẫn còn 40 tàu cá của ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm. Nếu lũ lớn xảy ra sau bão, Bình Định tiếp tục huy động lực lượng sơ tán hơn hơn 13.000 hộ dân vùng trũng thấp, vùng thường bị triều, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Theo bản tin lúc 17h ngày 30/10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, tâm bão số 5 - Matmo cách Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 120 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 15 km/h và đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía bắc Khánh Hòa. Ngay sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Zing