Anh Xuân kể, vào thời điểm 2010, những thông tin về lợn ăn chất cấm, rau phun thuốc trừ sâu xuất hiện. Người dân Hà Nội bắt đầu tìm nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, trong đó có nhà anh Xuân.
Trong quá trình tìm kiếm, anh phải lặn lội lên tận Hòa Bình, đi khắp các bản làng để tìm mua những con lợn dân bản nuôi nhờ giết thịt rồi đem về Hà Nội, đồng thời bắt đầu sự nghiệp kinh doanh buôn bán thực phẩm sạch của mình.
Nhiều gia đình ở Hà Nội không dám đi chợ vì sợ mua phải thực phẩm độc hại
Khi kinh doanh thực phẩm sạch, ngoài tìm nguồn thịt sạch, anh qua vùng rau sạch ở Đông Anh để khảo sát và mua hàng.
Nhưng đến nơi, anh phát hoảng bởi người dân trồng cả mẫu rau sạch bán mà mỗi nhà vẫn chừa ra một luống riêng để gia đình ăn.
“Thấy vậy, tôi băn khoăn tự hỏi, rằng rau sạch mà họ sản xuất để bán ra thị trường với rau họ làm cho gia đình ăn có gì khác nhau?
Loại rau bán ra thị trường độc hại như thế nào mà những người nông dân trồng rau sạch lại phải chừa ra một luống riêng như vậy?”.
Ngay cả mặt hàng thịt lợn bản anh kinh doanh cũng vậy, chỉ được thời gian đầu là thịt ngon, sạch, càng về sau thịt càng kém chất lượng do nguồn cung cạn kiệt.
Người dân bắt đầu trà trộn, đánh tráo hàng rồi gửi về Hà Nội cho anh bán. Kết quả, anh đã phải trả lại vì thịt không đạt chuẩn sạch như anh yêu cầu.
Trong khi đó, thông tin về rau chiều phun thuốc trừ sâu sáng mai đã cắt bán, lợn cho ăn chất tăng trọng tạo nạc, tiêm thuốc ăn thần, thịt bò bơm nước, gà thì nhuộm chất cho vàng da rồi cả đến hoa quả cũng dùng thuốc ủ chín siêu tốc... ngày một nhiều hơn.
Thế nên, sau một thời gian, anh dừng việc kinh doanh thực phẩm sạch vì không có nguồn cung. Ngay cả lợn bản hầu như đã cạn kiệt, anh chỉ giữ lại 1-2 mối để đặt mua.
Để có nguồn thực phẩm sạch, họ phải tìm mua thực phẩm do người thân ở quê nuôi trồng
Anh Xuân chia sẻ, trong quá trình kinh doanh thực phẩm sạch, anh rút ra cho bản thân mình khá nhiều kinh nghiệm để có thể phân biệt được rau nào ngon hay không ngon, miếng thịt nào sạch hay không sạch.
Thế nên, khoảng 5-6 năm nay, gia đình anh đã bỏ, không đi chợ nữa. Thay vào đó, anh tìm mua nguồn thực phẩm sạch của người thân, họ hàng ở quê.
Đến nay, hầu như tất cả mọi thứ từ thịt rau, trứng cá cho đến củ hành, củ tỏi đều được mang từ quê ra.
“Mới đây, tôi có ra chợ xem tình hình buôn bán ra sao. Kết quả, tôi thấy đúng là ở chợ không có thì gì đáng để mua cả bởi chất lượng thực phẩm bán ở chợ ngày càng tệ”, anh Xuân nói.
Anh Xuân chia sẻ, khi biết vậy, nhiều người nói không nhất thiết phải làm thế, nếu không mua ở chợ thì có thể vào siêu thị, Hà Nội thiếu gì thức ngon sạch.
Song, anh nghĩ, sức khỏe gia đình là điều quan trọng, ăn để sống chứ không phải ăn để chết nên nguồn thực phẩm của gia đình ăn phải được đảm bảo sạch.
Anh cũng cho rằng, chẳng ai có thể đảm bảo thực phẩm ở các siêu thị đều là hàng sạch.
Minh chứng rõ nhất là gần đây, đã có một vài siêu thị lớn bị phát hiện bán rau không an toàn được đóng mác rau an toàn, mà nguyên nhân chính là do họ không kiểm soát được nguồn cung.
“Cơ thể tôi cực kỳ nhạy cảm, chỉ cần ăn rau hay bất cứ cái gì mà 'bẩn' là biết tay ngay”, anh cho hay. Chính vì vậy, gia đình anh cũng cực kỳ hạn chế việc ăn uống bên ngoài.
Mỗi lần đi ăn nhà hàng, anh đều phải xách kèm rau thịt đến để họ chế biến rồi trả công, không thì phải tìm được những quán cực kỳ tin cậy.
Theo Vietnamnet