Bài viết này tổng kết những mối nguy đã diễn ra ở Hà Nội, để giúp độc giả tìm ra những biện pháp phòng tránh thích hợp.
Cây đè, cần cẩu rơi bất thình lình
Chỉ 30 phút của trận siêu giông xảy ra hôm 13/6 đã khiến Hà Nội tan hoang. Theo các chuyên gia, nội thành Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nhất của trận siêu giông này.
Bởi do hiệu ứng đô thị, khu vực thành phố mật độ nhà cao tầng dày, bê tông hóa lớn nên hấp thu nhiệt tạo dòng đối lưu mạnh hơn.
Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, ít dân cư, mật độ nhà cao tầng ít thì sự hấp thu nhiệt thấp hơn nên ít bị ảnh hưởng bởi trận mưa giông này.
Con số thống kê sau "thảm họa" này khiến ai cũng phải giật mình. Theo đó, đã có 2 người chết vì bị cây đổ đè trúng, hơn 13 ô tô bị cây đè, gần 140 nhà bị tốc mái, hơn 1000 cây xanh bị đổ, gãy 21 cột điện...
Người chết ở ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du do bị cây xà cừ lớn bật gốc, đè trúng. (Ảnh: Tiền phong)
Căn nhà tại phường Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm bị lốc xoáy bay mái. (Ảnh: Phạm Hải/Vietnamnet)
Hình ảnh khiến ai cũng rùng mình. (Ảnh: Otofun)
Cây cổ thụ bật gốc trên phố Huế. (Ảnh: Facebook)
Vừa qua, người dân sinh sống ở nội thành Hà Nội cũng đã được nhiều phen thót tim vì những chiếc cần cầu bất thình lình rơi trúng người đi đường.
Điển hình là hôm 12/5, một cần cẩu đang thi công trong dự án đường sắt trên cao đoạn Cầu Giấy bất ngờ sập khiến một bà bầu bị thương. Anh Lê Thanh Hoàng (26 tuổi, quê Nghệ An) khi điều khiển xe qua đây đã bị dây cáp cứa vào cổ.
Ngoài ra, cần cẩu này đã sập trúng 2 cửa hàng trên đường Cầu Giấy.
Hiện trường vụ sập cần cẩu ở Cầu Giấy. (Ảnh: Otofun)
Hai người bị thương. (Ảnh: Lao Động)
Trước đó, dư luận không khỏi bàng hoàng khi chiếc cần cẩu phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh bất ngờ đứt cáp, làm rơi hàng tấn sắt xuống đường. Vụ việc làm một người tử vong, 3 người khác bị trọng thương.
(Ảnh: Tiền Phong)
Chết cháy vì không lối thoát
Ngay trước trận giông lốc 2 ngày, vào rạng sáng 11/6, một vụ cháy đã cướp đi mạng sống của 5 thành viên trong cùng một gia đình ở ngõ 190 đường Hoàng Mai (Hà Nội).
Ngay khi xảy ra cháy, trong nhà có tổng cộng 10 người, tất cả đã cố tìm cách thoát thân, hàng xóm và cơ quan chức năng cũng vào cuộc nhanh chóng nhưng vẫn gây ra đại tang thương tâm khi chỉ có 5 người thoát thân khỏi đám cháy.
Theo quan sát, mặt trước của ngôi nhà bị cháy này chỉ có một cửa chính duy nhất. Hai phòng bên trên có cửa sổ khung sắt kiên cố, cánh cửa làm bằng khung nhôm kính. Do được làm theo kiến trúc nhà ống, ngõ vào lại nhỏ và sâu nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Căn nhà bị cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ. (Ảnh: Đời sống & Pháp luật)
Cửa chính của căn nhà. (Ảnh: Vietnamnet)
Nỗi đau của người ở lại. (Ảnh: Sức khỏe cộng đồng)
Không ai cầm được nước mắt tại lễ viếng các nạn nhân. (Ảnh: Vietnamnet)
Trong khi đó, ở Hà Nội, những căn nhà "chuồng cọp" và nhà ống, hoặc những nhà xây như "lô cốt" xuất hiện khá nhiều do dân số đông trong khi diện tích ở chật hẹp.
Khu phố cổ Hà Nội luôn được nhắc đến với những kỷ lục về ngõ siêu nhỏ và nhà siêu chật. Trong những tình huống tương tự thì rất dễ để lại hậu quả thương tâm.
Một đám cháy trong khu vực phố cổ nên các lực lượng cứu hỏa cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận đám cháy. (Ảnh: VOV)
Mỗi bước ra khỏi nhà tai nạn rình rập...
Mỗi ngày, 25 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ trở về do tai nạn - đây là con số mà ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) công bố cách đây không lâu.
Đằng sau đó là hàng chục gia đình tan nát, hàng trăm người phải chịu nỗi đau xé lòng do tai nạn.
Theo thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu 2015, cả nước có 3.735 người chết do tai nạn giao thông, số người bị thương là 8.554 người. Con số gần nhất, trong tháng 5/2015. đã có 708 người chết và hơn 1.484 người bị thương.
Trong đó, thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, Hà Nội là một trong 5 tỉnh được xếp vào nơi có số vụ tai nạn và gây thiệt hại lớn nhất về người so với cả nước.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đã đăng tải bài viết ông Arve Hansen (nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển và Môi trường - Đại học Oslo Na Uy) về thực trạng giao thông đáng lo ngại của Hà Nội. Trong đó, tác giả này đã dùng cụm từ "ác mộng giao thông" để mô tả.
Tác giả này cho rằng, Hà Nội là một trong những thành phố có mật đô dân cư dày đặc nhất thế giới. Tại Hà Nội, xe máy đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu thông. Tuy vậy, so với những chiếc ô tô mới, lượng xe máy đang không ngừng gia tăng như một loại phương tiện lỗi thời và nguy hiểm.
Giáo sư Seymour Papert (Mỹ) thì đã ví những người điều khiển giao thông ở Hà Nội giống những con ong. Họ di chuyển thành từng đám đông, chẳng theo luật lệ nào, làn đường quy định nào hay tín hiệu giao thông nào.
Xe máy bị nhiều người cho là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc, rối loạn trong giao thông tại Việt Nam.
Hình ảnh được ghi tại ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám (Hà Nội). (Ảnh: Zing)
Một cô gái bị xe container cán qua người tại ngã ba đường Phạm Văn Đồng rẽ vào Hồ Tùng Mậu (Hà Nội). (Ảnh: H.Sơn)
Những cảnh tượng thương tâm. (Ảnh: Báo Giao thông)
Thiệt mạng vì... "hố tử thần"
Tại Hà Nội, có nhiều hố ga, cống bị mất nắp mà không hề có rào chắn bảo vệ, điều này trở thành mối nguy hiểm rình rập người đi đường. Những hố ga, cống mất nắp được người dân gọi là "hố tử thần".
Cách đây không lâu, một võ sư ở Hà Nội đã tử vong khi lọt xuống hố ga trên đường vành đai 3 (đoạn qua đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội).
Một bé trai 1 tuổi cũng đã bị thiệt mạng vì rơi xuống hố ga công trình cầu Đông Trù vượt sông Hồng, đoạn qua phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) vào năm 2012. Được biết, hố ga này sâu 4m, rộng 3m không có nắp đậy, không rào chắn bảo vệ. Đây là nơi các em nhỏ hay ra thả diều và đá bóng.
Những hố ga, cống mất nắp này sẽ nguy hiểm hơn gấp bội và trở thành "cái bẫy chết người" khi Hà Nội xảy ra mưa ngập. Không chỉ người mà xe máy, xe buýt, ô tô cũng có thể "sập bẫy" bất cứ lúc nào.
Chiếc xe buýt này khi đang lưu thông trên đường Trần Phú, theo hướng Hà Đông vào nội thành Hà Nội thì bất ngờ bánh xe sau bị sập hố ga. (Ảnh: Kênh 14)
Những "chiếc bẫy" này nhan nhản ở Thủ đô. (Ảnh: Tiền Phong)
(Ảnh: Lao Động)
Bỗng dưng bị "siết cổ" khi đang tham gia giao thông
Quanh các tuyến phố của Thủ đô, không khó để bắt gặp hình ảnh dây điện, dây cáp quấn quanh các cây, cột điện và thòng lọng xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Có nhiều nơi, dây cáp treo trên cột, trong khi khoảng cách cột khá xa dẫn đến tình trạng dây bị võng xuống đường, lủng lẳng ngay sát đầu người đi đường.
Còn nhớ, trên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) từng xảy ra việc một sợi dây điện thòng lọng đã rơi đúng cổ hai người đang đi xe máy. Nạn nhân bị dây kéo giật ngược lại, cả người và xe đổ ra đường, chiếc xe máy của hai người này bị vỡ nát phần đầu.
Anh Nguyễn Sơn Hà (Cao Bá Quát, Hà Nội) cũng từng bị dây điện trên đường Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) quấn vào cổ dẫn đến bất tỉnh.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do công nhân điện thuộc chi nhánh điện lực Đống Đa trong quá trình gỡ bỏ đường dây điện cũ thay thế đường dây điện mới đã không tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn lao động, làm rơi dây điện thoại xuống đường Giảng Võ.
Anh Hà với vết thương ở cổ do bị dây điện siết vào. (Ảnh: Chu Dũng/ Hà Nội mới)
Người phụ nữ này phải cúi người để tránh dây điện thòng lọng xuống đường ở cầu Định Công (Hà Nội). (Ảnh: Báo Dân sinh)
Lạo có những thời điểm, trên một số tuyến đường người ta còn dùng thang để chống đỡ dây cáp. (Ảnh: Afamily)
Dây điện án ngữ ở vỉa hè Hà Nội. (Ảnh: Lao Động)