Nếu phải thuê trọ, chắc chắn vợ chồng tôi không thể sống nổi ở Hà Nội với mức thu nhập hiện có.
Gia đình nhỏ 3 người của tôi sống cùng bố mẹ, anh chị chồng ở căn nhà ống nhỏ 3 tầng sâu trong ngõ hẻm. Dù đại gia đình chung sống rất chật chội, mọi người đành chấp nhận vì cả hai cặp vợ chồng trẻ đều không có khả năng mua hay thuê nhà ở riêng.
Tôi làm công cho một nhà hàng, lương tháng cùng số tiền đôi khi khách cho thêm cao nhất là hơn 6 triệu đồng. Chồng tôi sức khỏe kém nên không có công việc làm ổn định. Những ngày khỏe, anh chạy việc vặt hoặc ship hàng cho các hộ kinh doanh trong khu phố khi họ cần, mỗi tháng được 3-4 triệu đồng.
Tóm lại, gia đình 3 người chúng tôi phải chi tiêu trong số thu nhập tầm 10 triệu đồng mỗi tháng, tuy gần gấp đôi chuẩn hộ nghèo (thu nhập dưới 2 triệu đồng/người đối với dân cư thành thị) nhưng với sự đắt đỏ của Hà Nội hiện nay, đây thực sự là mức sống của người nghèo, nghĩa là phải chắt bóp, khéo chi tiêu lắm mới đủ cho những chi phí cơ bản.
Tôi phải rất cố gắng để chi tiêu đủ với thu nhập ít ỏi. (Ảnh minh họa: Freepik)
Con tôi học lớp 4 trường công, tuy không phải đóng học phí nhưng tiền bán trú, tiền học câu lạc bộ Tiếng Anh và những đóng góp khác tầm 1,5 triệu đồng.
Để tiết kiệm, cả gia đình ăn bữa sáng ở nhà. Tôi thường ăn trưa và tối tại chỗ làm. Bữa tối chỉ có chồng và con tôi ăn cơm nhà do mẹ chồng hoặc chị dâu tôi nấu. Mỗi tháng, tôi đóng cho mẹ chồng 6 triệu đồng tiền ăn uống, điện nước và các chi phí chung khác.
Số tiền còn lại, chúng tôi chi vào các khoản xăng xe, hiếu hỉ, thuốc thang, tiền sữa và đồ dùng học tập cho con… Tôi rất có ý thức về việc tiết kiệm để dành, nhưng cố gắng chắt bóp đến mấy cũng không bao giờ để ra nổi 1 triệu đồng mỗi tháng, thường là hết sạch, hoặc tháng này để được mấy trăm nghìn thì tháng kia lại tiêu lẹm vào.
Với thu nhập 10 triệu đồng cho gia đình 3 người, không chỉ hai vợ chồng chưa bao giờ biết đến những thú vui kiểu uống cà phê, xem phim, mà cả con tôi cũng phải thua thiệt bạn bè rất nhiều khi không được hưởng những thứ mà bọn trẻ thành thị dễ dàng có được.
Đến nay đã 9 tuổi, con trai tôi chưa từng được bố mẹ đưa đi ăn tiệm. Như mọi đứa trẻ khác, con thèm ăn vặt, nhưng năm thì mười họa, tôi mới dám mua cho con một xiên thịt nướng, hay miếng gà rán ở quầy dọc đường, chứ không phải loại gà rán “hàng hiệu” như KFC hay Lotteria.
Bữa cơm gia đình cũng thường được chế biến với những thực phẩm bình dân nhất như cá nục, đậu phụ, trứng vịt, thịt lợn rang, gà công nghiệp… Vì thế mỗi lần được đi ăn cỗ, nhìn con hăm hở ăn các món ngày thường không có, tôi rất xót xa và tự trách mình không thể lo cho con cuộc sống tốt hơn.
Hồi chưa sinh con và sức khỏe chồng còn tốt, chúng tôi có để dành một khoản tiết kiệm. Khoản đó, hai vợ chồng để riêng cùng số tiền, vàng mừng cưới, định để mua nhà. Tuy nhiên từ đó đến nay, chúng tôi không tích lũy thêm được gì.
Những ngày qua, nghe mọi người cứ bàn tán sôi lên về chuyện giá vàng tăng phi mã, giá nhà cũng tăng vùn vụt, tôi càng cảm thấy giấc mơ mua một căn hộ nhỏ bình dân ngày một xa tầm với.
Hằng ngày đi làm, nghe ông bà chủ than thở về tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, tôi rất lo sợ, ngày đêm cầu trời khấn phật cho nhà hàng ăn nên làm ra để mình không phải thất nghiệp. Vì tuy lương của tôi không cao, đó vẫn là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình.
Giá cả các mặt hàng cứ lặng lẽ tăng, con tôi lại chuẩn bị bước vào giai đoạn cần học thêm để thi cuối cấp, ngay cả việc đảm bảo chi phí hàng tháng đã là thử thách khi cả hai vợ chồng chỉ kiếm được xấp xỉ 10 triệu đồng mỗi tháng.
Vậy mà tôi nghe nói, ở Hà Nội có những gia đình thu nhập còn thấp hơn chúng tôi, chỉ tầm 8 triệu đồng/tháng, không hiểu họ chi tiêu thế nào!
Theo VTC