Kể từ sau phần reboot (tái khởi động) vào năm 2009, loạt phim dài kỳ Star Trek trở thành một thương hiệu bom tấn không chỉ dành cho những ai yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng, mà còn  còn phổ biến đến khán giả yêu điện ảnh nói chung. Với thành công đó, phần thứ 3 của loạt phim - Star Trek Beyond nhận được sự mong chờ rất lớn của người xem ngay trước khi ra mắt. Và bộ phim đã không để các fan của mình phải thất vọng.
 
Năm 2016, các tín đồ điện ảnh lại có dịp chứng kiến tàu U.S.S. Enterprise lao vun vút
 vào khoảng không vô định.

Lần này, tàu U.S.S Enterprise có chuyến dừng chân tại trạm không gian Yorktown mới xây dựng của Starfleet. Chưa được bao lâu thì họ lại phải tham gia vào một nhiệm vụ giải cứu cho một con tàu khác gặp nạn. Tuy nhiên, lúc tới nơi thì thuyền trưởng Kirk cùng các thành viên gặp phải sự tấn công của một chủng tộc lạ với công nghệ vượt trội, do ác nhân Krall (Idris Elba) cầm đầu. Tàu bị phá hủy, phi hành đoàn tan rã, Kirk phải cùng những người trốn thoát sinh tồn trên hành tinh lạ đồng thời tìm cách để phá tan một âm mưu thâm hiểm ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ của Krall.

Ở phần mới, J.J.Abrams đã nhường lại ghế đạo diễn cho Justin Lin, người từng cầm trịch phần 3, 4, 5, 6 của loạt phim Fast and Furious. Nhờ sự thay đổi này, Star Trek Beyond trở nên kịch tích và đậm chất hành động hơn hẳn. Dễ nhận thấy, Lin đã áp dụng phong cách đua xe nghẹt thở của mình vào vài phân đoạn của tác phẩm. Bên cạnh đó, những màn cận chiến tay đôi cũng xuất hiện với tần suất nhiều và mãn nhãn hơn so với phần trước là Star Trek Into Darkness. Nói không quá khi Star Trek Beyond chính là một phần Fast and Furious lấy bối cảnh vũ trụ vô cùng hoành tráng. Bổ trợ cho những màn chiến đấu hay rượt đuổi càng thêm sôi động, nghẹt thở là các bản nhạc rock dồn dập và đầy kích thích.
 
Các màn hành động đậm chất “Quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Ngoài ra, phần ngoại cảnh của phim cũng được thực hiện rất chỉn chu. Trạm không gian Yorktown được thiết kế tráng lệ khi nhìn từ xa; nhưng khi tiến lại gần thì mọi chi tiết đều toát lên vẻ hiện đại và tươi mát với những công trình cao tầng, đường tàu điện uốn lượn hay những con sông đầy nước. Trong khi đó, hành tinh của Krall lại bộc lộ được sự hoang sơ, lạnh lẽo của một vùng đất chết với toàn đất và đá.
 


Ngoại cảnh của phim được đầu tư kỹ càng

Điểm cộng tiếp theo của Star Trek Beyond chính là kịch bản hợp lý tạo đủ đất diễn cho các nhân vật. James T.Kirk không còn tính tình nóng nảy và bốc đồng như ban đầu. Sau nhiều năm trong vũ trụ, anh trở nên trưởng thành và điềm đạm hơn. Nhưng đồng thời cũng cảm thấy lạc lối trong không gian bao la cùng cái bóng quá vĩ đại của cha mình. Trong khi đó, Spock thì dần thoát ra được vẻ lạnh lùng, logic của người Vulcan mà bắt đầu sống nội tâm hơn. Tình cảm của anh và trung úy Uhura cũng vì thế mà có bước phát triển cùng với những mâu thuẫn tâm lý của Spock.
 


Tâm lý có hai nhân vật chính Kirk và Spock có nhiều chuyển biến rõ rệt

Các tuyến phụ của Simon Pegg, Anton Yelchin và Karl Urban không hề bị nhấn chìm. Kỹ sư Montgomery Scott do Simon Pegg thủ vai không còn đảm nhận vị trí “cây hài” cho phim nữa. Nhân vật này cũng trở nên người lớn hơn và tình cảm hơn trước. Chekov và Sulu sau nhiều năm phiêu lưu cùng U.S.S Enterprise đã trưởng thành và quyết đoán hơn. Đặc biệt, đây là vai diễn cuối xứng tầm với tên tuổi của Anton Yelchin, người đã bất ngờ từ giã cuộc đời khi phim vừa đóng máy.
 
Nam tài tử bạc mệnh Anton Yelchin

Vai diễn bác sĩ Leonard H. "Bones" McCoy của Karl Urban lần này lại là điểm sáng của phim. Phần kịch bản do chính danh hài Simon Pegg viết nên những câu thoại của McCoy mang đậm tính nghiêm túc mà châm biếm hài hước của người Anh. Mỗi lần anh xuất hiện là khán giả cười ngất.
 

Bên cạnh đó, màn chào sân đầy ấn tượng của nữ chiến binh Jaylah do Sofia Boutella thủ vai cả về tính cách lẫn tạo hình là một điểm cộng đáng giá cho phim. Cô đã có bước nhảy vọt hoàn hảo từ vai phản diện của Kingsman: The Secret Service cho tới Star Trek Beyond.
 

Tuy nhiên, tuyến phản diện của Star Trek Beyond là điểm trừ lớn nhất cho phim. Xuất hiện rất hoành tráng và mạnh mẽ thế nhưng Krall ngày càng đuối dần về cuối phim. Kế hoạch của hắn ẩn chứa nhiều lỗ hổng, cách tiêu diệt lại khá đơn giản. Đồng thời, nguyên nhân khiến hắn căm thù Starfleet lại khá ngây ngô khiến khán giả dễ liên tưởng tới một đứa trẻ con hay hờn dỗi.
 
Krall có phần thua kém hơn Khan của Benedict Cumberbatch (trong Star Trek Into
Darkness) cả về mục tiêu lẫn cách thức hành động.


Trước ngày công chiếu, Star Trek Beyond đã gặp phải 2 sự mất mát cực kỳ to lớn là sự ra đi của Leonard Nimoy, người thủ vai Spock trong loạt phim cũ và Prime Spock trong series reboot, và Anton Yelchin. Ngoài ra, còn vào đúng dịp kỉ niệm 50 năm ngày ra mắt Star Trek nên bộ phim mang tính tri ân rất cao. Star Trek Beyond dành riêng một phân cảnh để gợi nhớ đến dàn diễn viên của series phim cũ, khiến những fan lâu đời cảm thấy xúc động.

Nhìn chung, Star Trek Beyond đã chứng tỏ mình là “đứa con út” xứng tầm với lịch sử 50 năm của dòng phim này. Bộ phim đã kế thừa và phát huy những gì tốt nhất, xứng đáng để người xem bỏ tiền ra rạp tận hưởng.

Minh Phúc
Theo Vietnamnet