Tôi và chồng vốn ở cùng quê, nhà cách nhau chỉ một con sông. Hồi nhỏ, chúng tôi học chung trường, thỉnh thoảng cũng trêu chọc nhau, không ngờ khi lớn lên lại thành vợ chồng.

Chúng tôi phải lòng nhau từ khi đi họp hội đồng hương đang làm việc và sinh sống ở thủ đô. Giữa thành phố đông đúc này, có thể gặp người cùng làng cùng xã, cùng học chung với nhau thật là vui.

Vậy nên cả hai nhanh chóng kết nối, rồi nảy sinh tình cảm.

Hồi yêu nhau, tôi nhận ra bạn trai chuyện gì cũng hay nói quá, phóng đại. Anh nói chuyện ở công ty, sếp quản lý của anh xét về trình độ còn thua anh một bậc, mấy lần được anh "cứu thua" trước mặt cấp trên.

Anh kể, ở cơ quan cũ, sếp nữ thích anh, chỉ cần anh "chiều" chị ta, chị ta sẽ cất nhắc anh lên trưởng phòng nhưng anh từ chối. Anh nói anh đi làm bán sức lao động chứ không bán thân.

Sự cố muối mặt vì chồng suốt ngày ba hoa, khoác lác-1
Tính khoác lác của chồng mang đến rắc rối, khiến chúng tôi nhiều lần cãi nhau. (Ảnh minh họa: Xinhua).

Những chuyện qua lời kể của anh thực thực hư hư, không biết lúc nào anh nói đùa hay nói thật. Nhưng khi đó còn đang yêu, cũng không va chạm nhiều, tôi chỉ thấy nó vô hại, thậm chí nghe còn thấy vui tai.

Tôi thật sự không nghĩ đó là điểm xấu, là điều gì phải bận tâm, cân nhắc. Sau khi cưới nhau về sống chung, tôi mới thấy tính khoác lác của anh nghiêm trọng. Nhất là mỗi dịp lễ Tết về quê, anh ba hoa không có điểm dừng.

Quê chúng tôi vốn nghèo, bà con chủ yếu sống thuần nông, mỗi năm chỉ vài ba vụ lúa, không có thêm nghề phụ. Chỉ những người trung tuổi còn bám trụ ruộng đồng, còn lứa trẻ mới lên, nếu không theo được con đường học hành thì tha phương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Chúng tôi là một trong số ít người đi học đại học thời điểm lúc bấy giờ. Vậy nên lúc nào anh cũng nghĩ mình giỏi giang hơn người.

Mỗi khi ngồi ăn cơm với mấy anh em, anh ra vẻ giọng đàn anh nhắc nhở: "Các chú phải học hành tử tế thì mới đổi đời được. Như anh chị đây, giờ thu nhập mỗi tháng 50-60 triệu đồng, cuộc sống không phải lo nghĩ gì".

Tôi nghe mà ngượng thay, khi thực tế thu nhập hai vợ chồng cộng lại chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi đã phải cố gắng lắm mới mua được một ngôi nhà cũ ở vùng ven thành phố. Nhưng theo chồng tôi, không phải vì chúng tôi không có tiền, mà như lời anh nói là: "Anh thừa tiền mua nhà đẹp nhưng nhà cửa chỉ là tiêu sản, đủ ở là được, không cần rộng, không cần to".

Anh khoe một tháng lương của anh có khi hơn cả thu hoạch một vụ mùa của người nông dân dãi nắng dầm mưa suốt mấy tháng trời.

Có lần dịp Tết đông đúc, vì con ốm nên tôi bàn chồng không đi xe khách. Chúng tôi thuê một chuyến taxi về cho con đỡ mệt, tính ra số tiền khá tốn kém. Lúc về đến nhà, mọi người hỏi sao không đi xe khách cho rẻ lại đi taxi tốn tiền, tôi chưa kịp trả lời thì chồng tôi bảo:

"Cháu nói thật, ngày trước khó khăn mới phải chen chúc xe khách, giờ có điều kiện hơn nó phải khác. Cháu định mua ô tô mỗi lần muốn về quê cho tiện. Nhưng tội gì, mỗi lần về, cứ bỏ ra mấy triệu thuê chở riêng một chuyến thế này, vừa an toàn, vừa khỏe người".

Chồng tôi nói mà mặt không hề đổi sắc, không vấp từ hay ngọng nghịu một chút nào. Chỉ có tôi thấy ngượng ngùng vì chồng khoác lác, chỉ đành cười trừ: "Mọi người đừng nghe chồng cháu, anh nói cho vui thôi".

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu vài tuần trước, cô ruột chồng tôi không gọi điện. Con trai cô bị bệnh nặng, muốn kéo dài sự sống phải phẫu thuật tốn rất nhiều tiền.

Với hoàn cảnh của cô, đó là khoản tiền lớn không dễ gì xoay xở. Cô gọi điện cho tôi, vừa nói vừa khóc: "Bây giờ nhìn đi nhìn lại, cô chú chỉ biết trông cậy vào các cháu. Các cháu thương cô chú, thương em, cho cô mượn tiền lo cho em. Chỉ cần em qua cơn nguy kịch này, cô chú nhất định sẽ cày cuốc bằng mọi cách trả nợ cho các cháu".

Tôi nói với cô rằng, vợ chồng chúng tôi thu nhập không cao, còn hai đứa nhỏ ăn học, tiền để dành thật sự không có nhiều. Nếu cho cô chú vay 20-30 triệu đồng thì được chứ hàng trăm triệu quả thật không có.

Cô tôi nghe xong càng khóc to hơn, nói rằng: "Cô biết hoàn cảnh cô chú khó khăn, nhưng chỉ cần còn người còn của. Cô nhất định sẽ lo liệu trả sớm cho cháu mà". Cô ấy vẫn nhất quyết cho rằng, nhà tôi có nhiều tiền gửi ngân hàng như chồng tôi nói.

Đợt vừa rồi về nghỉ lễ, nghe bố mẹ chồng nói cô chú phải bán đi một nửa mảnh đất hương hỏa để có tiền chữa bệnh cho con. Bố chồng trách móc vợ chồng tôi khoe có tiền gửi ngân hàng lấy lãi mà cô chú gặp khó khăn không nỡ mở lòng giúp, khiến ông gặp cô chú không ngẩng đầu lên được.

Vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau. Tôi bảo chồng:

- Về quê anh cứ ba hoa, khoác lác này kia, nào là mua nhà mấy tỷ, nào là có tiền gửi ngân hàng... Giờ ai cũng nghĩ mình giàu, có việc gì hay đau ốm đều gọi điện nhờ cậy. Không giúp được lại không nhìn nổi mặt nhau. Em đã bảo anh bao lần, sao không bỏ cái tật ấy đi.

- Em biết gì mà nói. Người quê mình thường nhìn người có tiền với ánh mắt khác. Chỉ cần mọi người nghĩ mình giàu có thì thái độ, lời nói của họ dành cho mình cũng thêm phần tôn trọng. Ai hỏi vay tiền, em cứ nói tiền vừa mới đầu tư cái nọ cái kia, ai bắt em phải bằng mọi cách cho họ mượn.

Nói đi nói lại, chồng tôi vẫn không nghĩ những rắc rối là do cái tính sĩ diện hão của mình, ở miệng mình mà ra.

Bây giờ, tôi rất sợ về quê, sợ phải đối diện với anh em trong nhà khi họ đã có những suy nghĩ không tốt về mình. Tôi không biết phải làm cách nào để chồng tôi bỏ cái thói ba hoa, khoác lác của anh ấy đi.

Theo Dân trí